Thứ 7, 23/11/2024 02:12 [(GMT +7)]
Làm đồ chơi tự tạo cấp học mầm non - cách làm hiệu quả cần nhân rộng
Thứ 5, 17/11/2011 | 08:54:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Nhìn những đồ chơi đủ mầu sắc, kiểu dáng và đặc biệt là mô phỏng được gần như chính xác hình dáng thật của đồ vật, ít ai nghĩ được tất cả nguyên liệu làm ra những đồ vật đó của Trường mầm non 19/5 đều làm từ nguyên liệu phế thải hoặc những nguyên liệu sẵn có trong tự nhiên…
Các cháu lớp mẫu giáo trường MN 19/5 hoạt động góc với các đồ chơi tự tạo |
Cô Dương Thị Chí, Hiệu trưởng Trường mầm non 19/5 cho biết, 5 năm trở lại đây, nhà trường thường xuyên tổ chức hội thi làm đồ chơi tự tạo để phục vụ công tác nuôi dưỡng và giáo dục trẻ trong nhà trường. Những đồ dùng này đều do tự tay các cô giáo làm. Nếu những năm trước vẫn còn có lớp xếp loại C, loại khá, thì năm nay với sự tiến bộ vượt bậc, đồ chơi tự tạo của 11/14 lớp được xếp loại xuất sắc, 3 lớp xếp loại tốt.
Điểm nổi bật nữa trong đợt thi đua lần này là sự bứt phá “tay nghề” của các cô giáo lớp nhà trẻ. Đây là những giáo viên thường xuyên phải bận rộn do đặc thù công việc, song đã biết khắc phục khó khăn, hạn hẹp về thời gian, các cô sáng tạo ra nhiều đồ chơi độc đáo, mang tính ứng dụng cao. Đây là một trong chuỗi những hoạt động hướng tới kỷ niệm 29 năm Ngày Nhà giáo Việt Nam 20/11 sắp tới.
Được đánh giá là một trong những cô có nhiều ý tưởng sáng tạo độc đáo, cô Mai Thị Thủy, giáo viên lớp 4 tuổi D chia sẻ, các giáo viên trong lớp đều tập trung vào làm những sản phẩm đồ chơi mới, lạ mắt hơn những năm học trước. Ví dụ như cây cọ làm từ những quả bóng bàn, lon coca; đáy chai 7 úp lồng vào nhau sơn màu sắc xanh, đỏ để làm những quả táo hấp dẫn; từ những bẹ ngô được cắt tỉa, sơn màu trở thành những bông hoa dâm bụt lớn hay 2 vỏ hộp sữa yoyo cũng sẽ trở thành những cây dừa đẹp mắt… Năm nay lớp 4 tuổi D tự làm 32 bộ đồ chơi với những kích cỡ khác nhau theo một chủ đề nhất định là thế giới động, thực vật. Chính vì thế đồ chơi rất phong phú về màu sắc, kiểu dáng, mô tả được thế giới xung quanh một cách đầy đủ, giúp các cháu thích thú, dễ hình dung, dễ hiểu khi học tập, vui chơi.
Để tạo được hơn 420 bộ đồ chơi tự tạo, các giáo viên phải quan sát kỹ thế giới xung quanh và nắm bắt nhu cầu, sở thích của trẻ. Qua đó rèn luyện được kỹ năng, nghiệp vụ sư phạm và khả năng hoàn thành tốt nhiệm vụ của từng cô. Những đồ chơi tự tạo này sẽ là một phần không thể thiếu trong hoạt động góc của các cháu. Bởi sau tiết học chính, học về thế giới tự nhiên, tại các góc các cháu sẽ được chơi tự do nhưng theo từng chủ đề cụ thể.
Ví dụ như góc phân vai, góc bán hàng, góc xây dựng, góc học tập, góc nghệ thuật… vì thế cần rất nhiều đồ chơi để các cháu có thể cảm nhận được bằng thị giác. Trong khi đó thực tế thì muôn hình, muôn vẻ, những đồ chơi, đồ dùng dạy học được đầu tư cơ bản hoặc mua ngoài thị trường không thể đáp ứng được hết nhu cầu hiểu biết của các cháu. Nói như vậy để thấy được đồ chơi, đồ dùng tự tạo trong trường mầm non ngày càng khẳng định được vai trò, vị trí quan trọng trong quá trình chăm sóc, nuôi dưỡng trẻ ở nhà trường.
Với số lượng đồ chơi phong phú, đa dạng theo từng chủ đề cụ thể, đồ chơi tự tạo góp phần kích thích say mê tìm hiểu, trí tò mò, ham hiểu biết từ đó tăng khả năng ghi nhớ, tư duy, sáng tạo của trẻ… Thêm vào đó, những đồ chơi này không phải tốn kinh phí đầu tư mà chỉ sử dụng vật liệu sẵn có và công sức của mỗi giáo viên nên nguồn kinh phí đầu năm sẽ được dành để mua sắm các trang thiết bị khác phục vụ công tác chăm sóc, nuôi dưỡng, giáo dục trẻ (như bàn ghế, bảng, tủ sách…).
Đến tham quan mô hình trường, lớp của Trường mầm non 19/5, chị Nguyễn Kim Dung, đoàn lớp bồi dưỡng cán bộ quản lý giáo dục mầm non tỉnh Phú Thọ ngạc nhiên trước những đồ chơi tự tạo của các giáo viên trong trường. Chị cho biết, sẽ học hỏi cách làm này, nhất là một số đồ chơi mang tính sáng tạo độc đáo để về phổ biến cho các trường mầm non trên địa bàn.
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()