Làm cung văn oan “Thị Kính”
LSO-Trong những ngày diễn ra Tuần Văn hóa - Du lịch Lạng Sơn năm 2017 có diễn xướng chầu văn thu hút rất đông người thưởng thức. Công bằng mà nói nghi lễ này hết sức thành công, để lại nhiều dấu ấn tốt đẹp trong lòng du khách. Tuy nhiên có một vài hình ảnh phản cảm diễn ra ngoài không gian hội đã đặt hội hát chầu văn vào thảm cảnh “nỗi oan Thị Kính”.
Diễn xướng chầu văn tại đền Mẫu Đồng Đăng |
Mạng xã hội- Dao hai lưỡi
Trao đổi với chúng tôi, ông Nguyễn Phúc Hà, Giám đốc Sở Văn hóa Thể thao và Du lịch Lạng Sơn nói: “Diễn xướng chầu văn Lạng Sơn rất thành công. Nhưng khi mạng xã hội đăng tải đoạn clip nhiều du khách nhét tiền vào ngực “cậu” đồng, thế là từ khen, người ta chuyển thành chê. Màn nhét tiền không diễn ra trong khu vực Ban Tổ chức lễ hội quy định nên rất khó quản lý”.
Khi hình ảnh nhét tiền vào ngực cậu đồng gần địa điểm diễn xướng, người ta cho là phản cảm, mà phản cảm thật khi mỗi con người trong những lúc vui quá đà đã không ý thức được hành vi của mình. Tuy nhiên, đổ lỗi cho cả hội hát văn thì quả là không thỏa đáng, bởi hát văn được diễn ra tại đền, nơi đó đã rất nghiêm túc. Các cung văn, cô đồng cũng vì dân mà hiến nghệ chứ không xin tiền. Chị Vi Thị Đông, chủ cửa hàng thời trang trên đường Bà Triệu, thành phố Lạng Sơn tâm sự: “Tôi rất thích hát văn, nghe có đồng là đi hầu, trong suốt buổi xem tôi không hề thấy có hành động nào phản cảm, khi xem clip, tôi còn chẳng biết nó diễn ra ở đâu”.
Còn anh Phạm Hồng Sơn, trú tại số nhà 438 C1 Đô thị Mỹ Đình, Hà Nội thì thẳng thắn: Họ phản cảm ở đâu thì là việc của họ nhưng những nơi diễn xướng thì phải tuân thủ đúng luật chơi của văn, của đồng. Không thể có màn nhét tiền mà chỉ có tán lộc, phát tiền. “Tôi nghĩ những hành động phản cảm đó không nên đổ lỗi cho hội hát văn”- Anh Sơn tâm sự.
Đoạn clip chỉ chưa đầy 2 phút nhưng nó đã mang lại sự hồ nghi, làm xấu đi hình ảnh lễ hội và đặc biệt làm nhiều người lầm tưởng hát chầu văn có những màn diễn như thế. Điều này sai hoàn toàn với nghi lễ diễn xướng chầu văn. Theo ông Nguyễn Phúc Hà, “Một hành động nhỏ của người dân nếu không được hiểu đúng hệ lụy sẽ rất lớn. Việc này làm oan cho cả một hoạt động rất có ý nghĩa của Lễ hội xuân Xứ Lạng”.
Chầu văn, hầu đồng là gì?
Đã mấy người hỏi tôi với tư cách là thành viên Ban Tổ chức lễ hội xuân. Vẫn biết giải thích về văn hóa tín ngưỡng là rất khó, thôi thì đành nhớ lại lời thầy Trần Lâm Biền, Tiến sĩ Văn hóa Dân gian dạy chúng tôi thời tôi còn học ở Học viện Báo chí và Tuyên truyền.
Chầu văn là một nghi lễ diễn xướng dân gian trong tục thờ Mẫu của người Việt. Đây là nét văn hóa thuần Việt trong hệ thống tín ngưỡng hiện nay. Và trên thế giới, duy nhất tục thờ Mẫu có ở Việt Nam. Ngày 1/12/2016, tín ngưỡng này được UNESCO công nhận là di sản văn hóa thế giới. Mẫu thượng ngàn là thánh Mẫu. Lúc đầu, Mẫu sống trên rừng (mặc áo xanh lá cây) sinh ra con cháu, con cháu đông lên rừng không đủ cung cấp thức ăn, các con có cuộc di dân về đồng bằng (điều này rất duy vật và đúng với mệnh đề của Triết học Mác- Lê nin). Trong cuộc di dân ấy có sự giúp sức của mẫu Thoải (Thủy- Nước) và Mẫu Địa (Đất). Về đồng bằng, con cháu vẫn nhớ Mẫu nên gào khóc tiếc thương. Tiếng hát lúc thì kể công mẹ, ca ngợi mẹ, tiếc thương mẹ (đây chính là nghi lễ diễn xướng chầu văn, hát văn). Sau này có nơi thờ tam Mẫu, có nơi thờ tứ Mẫu (tứ phủ) cộng thêm công chúa Liễu Hạnh và một số phủ điện thờ thêm các vị anh hùng, các cậu bé, cô bé là con của Mẫu.
Trong hát văn có hầu đồng (múa thể hiện ngôn ngữ của Mẫu) thể hiện không gian văn hóa phi vật thể, gắn con người với tự nhiên, từ đây, con người được giải thoát, đấy chính là nét rất nhân văn của đồng. Người xưa có câu: “Thứ nhất hầu đồng/Thứ nhì lấy chồng quan”. Lấy chồng quan được một số người coi là đích của hạnh phúc thì hầu đồng còn hơn một bậc. Thế mới biết hầu đồng hát văn quan trọng thế nào trong tâm thức của người Việt.
Đã có thời chầu văn, hầu đồng bị biến tướng. Thế nhưng hiện nay, nó đang được trả về đúng giá trị. Hát văn hầu đồng là tri ân Mẫu, vì thế, những hành động phản cảm sẽ không được cộng đồng chấp nhận. Việc nhét tiền vào ngực cậu đồng ở Lạng Sơn nằm ngoài dự liệu của Ban Tổ chức, nó không được chấp nhận. Mà cái gì không được chấp nhận sẽ tự đào thải tự nhiên ra khỏi đời sống cộng đồng.
NGUYỄN ĐÔNG BẮC
Ý kiến ()