Làm chủ quy trình sản xuất các loại nấm hàng hóa
Cán bộ Trung tâm Ứng dụng tiến bộ Khoa học và Công nghệ tỉnh kiểm tra sự sinh trưởng của nấm linh chi |
Ông Nguyễn Quang Huy, Phó Giám đốc Sở KH&CN, Giám đốc Trung tâm ƯDTBKH&CN cho biết: Lạng Sơn có điều kiện tự nhiên ưu đãi với nhiệt độ trung bình 210C, độ ẩm trung bình là 84%, nhân lực dồi dào, mỗi năm có khoảng 5 vạn tấn rơm rạ từ việc trồng lúa, thị trường tiêu thụ nông sản tương đối thuận lợi. Từ trước đến nay, trong tỉnh chưa có đơn vị nào có mô hình khép kín từ khâu sản xuất giống đến nuôi trồng, chế biến, tiêu thụ các sản phẩm nấm… Những yếu tố này tạo thuận lợi phát triển nghề trồng nấm trên địa bàn. Xuất phát từ những lý do đó, từ năm 2010, trung tâm triển khai nghiên cứu, sản xuất các loại nấm hàng hóa. Đến nay, đơn vị đã làm chủ được các quy trình sản xuất; không chỉ duy trì tốt chủng loại giống mà còn chuyển giao công nghệ sản xuất đến nhân dân trong và ngoài tỉnh.
Các loại nấm được trung tâm nghiên cứu, sản xuất gồm nấm ăn (nấm sò, nấm hương, nấm đùi gà, nấm đầu khỉ, nấm vân chi, mộc nhĩ, nấm kim châm) và nấm dược liệu (nấm linh chi, nấm đông trùng hạ thảo). Từ khi thực hiện, trung tâm đặt ra mục tiêu là ứng dụng tiến bộ KH&CN trong xây dựng mô hình sản xuất và chế biến nấm; khép kín từ khâu sản xuất giống nấm, nuôi trồng đến chế biến và tiêu thụ sản phẩm. Đơn vị đã tiếp nhận và áp dụng công nghệ trong nước do Trung tâm Nghiên cứu phát triển nấm và sản phẩm sinh học thuộc Công ty TNHH Nấm linh chi chuyển giao. Sau khi được chuyển giao công nghệ cùng với với điều kiện nhà xưởng, trang thiết bị được đầu tư, cán bộ trung tâm đã có thể nhân giống, nuôi trồng, chế biến nấm. Bà Lâm Mai Tùng, Trưởng Phòng Kỹ thuật, Trung tâm ƯDTBKH&CN tỉnh cho biết: Chúng tôi đã làm chủ quy trình từ phân lập đến sản xuất giống nấm cấp 1, cấp 2, cấp 3 đưa ra nuôi trồng. Từ năm 2010 đến nay, trung tâm thường xuyên duy trì giống nấm cấp 1, cấp 2 và sản xuất giống nấm cấp 3 cho thị trường theo đơn đặt hàng.
Trong công nghệ nuôi trồng, trung tâm thực hiện nghiêm ngặt quy trình chọn nguyên liệu, xử lý nguyên liệu (bằng chế phẩm vi sinh trong nuôi trồng nấm sò, nuôi trồng nấm hương trên mùn cưa…), cấy giống, chăm sóc, thu hái. Đối với công nghệ chế biến, sau thu hái, trung tâm tiến hành sơ chế nguyên liệu, chế biến bằng các phương pháp khác nhau tạo ra nhiều sản phẩm như: sấy khô nấm sò, mộc nhĩ, nấm hương, nấm vân chi, nấm đầu khỉ; thái sa lát nấm sò; chế biến rượu linh chi; sấy khô nấm đông trùng hạ thảo…
Anh Thi Văn Hạt, cán bộ Phòng Kỹ thuật, Trung tâm ƯDTBKH&CN tỉnh, chủ nhiệm đề tài nghiên cứu khoa học cấp tỉnh “Ứng dụng tiến bộ kỹ thuật xây dựng mô hình nuôi trồng quả thể nấm đông trùng hạ thảo loài Cordyceps militaris tại tỉnh Lạng Sơn” giai đoạn 2016 – 2018 cho biết: Nghiên cứu, sản xuất nấm đông trùng hạ thảo đòi hỏi kỹ thuật, công nghệ cao. Chúng tôi đã và đang thực hiện, sau mẻ đầu tiên vào cuối năm 2016, trung tâm đã thu hoạch được gần 6 kg nấm đông trùng hạ thảo khô và đem phân tích hàm lượng. Đề tài này thành công giúp chúng tôi nắm chắc quy trình nhân giống, sản xuất để có thể chuyển giao đến người dân.
Từ năm 2010 đến nay, trung bình mỗi năm, năng lực của trung tâm có thể sản xuất, cung cấp từ 3 – 4 tấn giống nấm cấp 3 các loại đảm bảo chất lượng cung ứng nhu cầu sản xuất của người dân trong và ngoài tỉnh; đồng thời chuyển giao, thực hiện từ 4 – 6 mô hình trong nhân dân. Tháng 7/2017, đơn vị sẽ chuyển giao, thực hiện 4 mô hình sản xuất nấm hàng hóa tại các huyện: Bình Gia, Lộc Bình, Tràng Định với số lượng 10.000 bịch.
Ý kiến ()