Lâm Ca: Người dân vươn lên từ rừng
- Với trên 11.200 ha đất lâm nghiệp (chiếm trên 80% diện tích đất tự nhiên), những năm qua, người dân xã Lâm Ca, huyện Đình Lập đã tận dụng thế mạnh đó để phát triển rừng gắn với chế biến gỗ. Nhờ rừng, nhiều hộ dân trên địa bàn xã đã có thu nhập cao và vươn lên làm giàu.
Là một trong những hộ tiên phong phát triển kinh tế đồi rừng, chị Đoàn Thị Ly, thôn Bình Giang cho biết: Năm 2008, gia đình tôi bắt đầu trồng thông. Ban đầu gia đình trồng hơn 2.000 cây trên gần 5 ha đất đồi. Cách đây ít năm, cây bắt đầu cho khai thác nhựa mang lại cho gia đình thu nhập từ 30 đến 50 triệu đồng/năm. Nhận thấy trồng thông cho hiệu quả kinh tế cao nên gia đình tiếp tục đầu tư mở rộng diện tích trồng. Ngoài thông, từ năm 2010, gia đình tôi trồng thêm cây keo. Đến nay, gia đình tôi có trên 10 ha thông và 20 ha keo. Năm 2023, gia đình khai thác hơn 12 ha keo, đem lại thu nhập gần 700 triệu đồng sau khi trừ chi phí.
Không chỉ gia đình chị Ly, những năm qua, nhiều hộ dân trên địa bàn xã Lâm Ca đã có thu nhập ổn định từ trồng rừng. Được biết, cây thông đã được người dân trên địa bàn xã trồng từ khoảng năm 1995 thông qua dự án Việt - Đức. Những năm sau đó, người dân tiếp tục phát triển và mở rộng diện tích.
Bên cạnh đó, người dân nhận thấy các công ty, cơ sở chế biến có nhu cầu ngày càng lớn về nguyên liệu gỗ nên đã chủ động đầu tư, mở rộng trồng thêm cây keo. Đến nay, toàn xã có trên 6.200 ha thông và trên 3.400 ha keo. Cây keo, thông được người dân trồng ở 17/17 thôn của xã, tập trung nhiều tại một số thôn như: Bình Giang, Pắc Vằn, Bình Thắng…
Xã Lâm Ca có 985 hộ dân thì đến nay trên 90% số hộ phát triển kinh tế đồi rừng. Hộ trồng ít có từ 1 đến 3 ha; hộ trồng nhiều có đến 30 ha thông, keo. Trung bình mỗi năm sản lượng khai thác nhựa thông trên địa bàn xã đạt gần 1.300 tấn; sản lượng gỗ rừng trồng trên địa bàn đạt trên 10.000 m3.
Bên cạnh hỗ trợ người dân phát triển trồng, chăm sóc rừng, chính quyền xã Lâm Ca còn quan tâm, tạo điều kiện cho các doanh nghiệp, HTX mở xưởng chế biến gỗ trên địa bàn. Toàn xã hiện có 3 công ty, 1 hợp tác xã và 4 cơ sở chuyên thu mua gỗ rừng trồng của người dân để sản xuất viên nén sinh khối, chế biến ván bóc, gỗ băm…
Nếu như trước đây, sau khai thác người dân phải mất thêm chi phí vận chuyển gỗ xuống huyện Sơn Động, tỉnh Bắc Giang (hơn 30 km) tiêu thụ thì giờ sản phẩm gỗ của người dân được các cơ sở trên địa bàn thu mua với giá ổn định.
Riêng đối với sản phẩm nhựa thông, sau khai thác người dân bán cho đầu mối thu mua cho các nhà máy chế biến tại xã Cường Lợi (huyện Đình Lập) và tại xã Tú Đoạn (huyện Lộc Bình). Hiện sản phẩm nhựa thông của bà con đang được thu mua với giá 33.500 đồng/kg.
Ông Nguyễn Chí Sơn, Chủ tịch UBND xã Lâm Ca cho biết: Cấp uỷ, chính quyền xã xác định phát triển lâm nghiệp là hướng đi chủ lực, là giải pháp trọng tâm nhằm nâng cao đời sống người dân. Theo đó, xã đã định hướng và thực hiện nhiều giải pháp hỗ trợ người dân như: tập huấn kỹ thuật; hỗ trợ tiếp cận nguồn vốn vay để trồng rừng. Cụ thể, UBND xã chỉ đạo các tổ chức hội, đoàn thể nhận ủy thác cho người dân vay vốn ưu đãi từ Ngân hàng Chính sách xã hội (NHCSXH) với tổng dư nợ trên 30 tỷ đồng với 400 hộ vay để trồng rừng. Cùng với đó, chính quyền xã cũng tuyên truyền, hướng dẫn người dân vay vốn theo Nghị quyết số 08/2019/NQ-HĐND ngày 10/12/2019 và Nghị quyết số 15/2021/NQ-HĐND ngày 17/7/2022 của HĐND tỉnh về chính sách đặc thù khuyến khích đầu tư, phát triển hợp tác, liên kết sản xuất và tiêu thụ sản phẩm nông nghiệp, nông thôn trên địa bàn tỉnh giai đoạn 2020 - 2025. Kết quả, đến nay, toàn xã có 85 hộ vay với số vốn trên 17,7 tỷ đồng để trồng rừng.
Anh Triệu Tiến Lưu, thôn Bình Thắng chia sẻ: Trước đây, gia đình tôi là hộ nghèo, có đất trồng rừng nhưng lại thiếu vốn để trồng, chăm sóc. Năm 2015, được Hội Nông dân xã tuyên truyền về chương trình cho vay của NHCSXH, tôi đã vay 50 triệu đồng để chăm sóc 3 ha thông và mở rộng diện tích trồng. Hiện nay gia đình tôi có trên 10 ha thông và 20 ha keo. Năm 2023, gia đình tôi khai thác 10 ha keo thu về gần 1 tỷ đồng, trừ chi phí gia đình tôi có lãi khoảng 600 triệu đồng.
Bên cạnh hướng dẫn người dân tiếp cận vốn vay, UBND xã còn phối hợp với phòng chuyên môn huyện mở 1 - 3 lớp tập huấn/năm để hướng dẫn kỹ thuật trồng và chăm sóc cây lâm nghiệp. Đồng thời, phối hợp với cơ quan chuyên môn kiểm tra chất lượng rừng trồng hướng đến cấp chứng chỉ rừng; hướng dẫn chăm sóc và khuyến cáo bà con phòng trừ sâu bệnh hại, phòng cháy chữa cháy…
Hiệu quả từ trồng rừng gắn với chế biến gỗ đã góp phần đáng kể vào việc nâng cao thu nhập của người dân, giảm tỷ lệ hộ nghèo trên địa bàn xã. Hiện nay, thu nhập bình quân trên địa bàn xã đạt 43 triệu đồng/người/năm, tăng 8 triệu đồng/người/năm so với năm 2020; tỷ lệ hộ nghèo giảm từ 27,2% (năm 2020) xuống còn 1,93% (năm 2023).
Ý kiến ()