Lãi suất vay nên bị khống chế dưới 20%
Quy định trần lãi suất 14%/năm, trong khi lạm phát đang ở mức cao, khiến các ngân hàng đua nhau đẩy lãi suất lên trên 20%. Một số chuyên gia cho rằng, nên khống chế lãi suất đầu ra thay vì giới hạn lãi suất đầu vào như hiện nay.Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, lãi suất cho vay vẫn tiếp tục có xu hướng tăng dần. Trong tháng 4 vừa qua, lãi suất cho vay VND đã tăng khoảng 1%/năm so với mức cuối tháng 3/2011. Ở tuần đầu của tháng 5, lãi suất cho vay tiếp tục tăng cao hơn so với mức cũ khoảng 2%, phổ biến quanh mức 20-23%/năm.Trên thực tế, lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã vênh quá cao so với con số báo cáo của NHNN. Nhiều ngân hàng thương mại đã ngầm phá rào huy động vốn bằng cách nâng mức lãi suất lên từ 15%-19%/năm tuỳ vào thời điểm và số lượng tiền gửi. Với mức lãi suất đầu vào vượt trần, lãi suất cho vay cũng được nâng lên từ 20-27%/năm.Cuộc đua ngầm lãi suất của các NHTM đã ảnh hưởng lớn tới...
Báo cáo của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) cho thấy, lãi suất cho vay vẫn tiếp tục có xu hướng tăng dần. Trong tháng 4 vừa qua, lãi suất cho vay VND đã tăng khoảng 1%/năm so với mức cuối tháng 3/2011. Ở tuần đầu của tháng 5, lãi suất cho vay tiếp tục tăng cao hơn so với mức cũ khoảng 2%, phổ biến quanh mức 20-23%/năm.
Trên thực tế, lãi suất huy động và lãi suất cho vay đã vênh quá cao so với con số báo cáo của NHNN. Nhiều ngân hàng thương mại đã ngầm phá rào huy động vốn bằng cách nâng mức lãi suất lên từ 15%-19%/năm tuỳ vào thời điểm và số lượng tiền gửi. Với mức lãi suất đầu vào vượt trần, lãi suất cho vay cũng được nâng lên từ 20-27%/năm.
Cuộc đua ngầm lãi suất của các NHTM đã ảnh hưởng lớn tới các doanh nghiệp cần vốn để sản xuất kinh doanh, trong khi Nghị quyết 11 của Chính phủ đã đặt ra, một trong những nhiệm vụ cần phải làm là phải kiềm chế tín dụng tăng dưới 20% nhưng vẫn đáp ứng nhu cầu vốn để sản xuất kinh doanh hiệu quả, tập trung ưu tiên vốn tín dụng phục vụ phát triển sản xuất kinh doanh, nông nghiệp, nông thôn, xuất khẩu, công nghiệp hỗ trợ…
Bên cạnh đó, việc cuộc đua ngầm lãi suất này cũng khiến các ngân hàng rơi vào cảnh “cực chẳng đã”, bởi hạn chế tín dụng, áp trần lãi suất huy động trong khi lạm phát tăng lên, khiến lượng tiền gửi vào ngân hàng bị hạn chế, đặc biệt là ở các ngân hàng khó khăn về thanh khoản, nợ xấu cũng gia tăng. Do vậy, dù không muốn phá rào, các NHTM cũng phải phá vì sự tồn tại của chính mình.
Tính riêng trong tháng 4, tổng số dư tiền gửi của khách hàng tại các tổ chức tín dụng ước giảm 1,09% so với tháng trước, trong đó tiền gửi bằng VNĐ giảm 1,84%, tiền gửi bằng ngoại tệ tăng 1,46%. Trong khi đó,tín dụng đối với nền kinh tế đến 21/4/2011 ước tăng 0,11% so với tháng trước, trong đó tín dụng bằng VNĐ tăng 0,14%, tín dụng bằng ngoại tệ tăng 0,02%. So với cuối năm trước, tín dụng đối với nền kinh tế ước tăng 5,01%.
Câu chuyện lãi suất tiếp tục trở thành tâm điểm của thị trường, khi có thông tin NHNN sẽ trình lên Chính phủ phương án điều hành lãi suất. Theo đó có thể NHNN sẽ nâng mức trần lãi suất huy động tối đa lên khoảng 15,5 – 16,5%/năm, đồng thời ấn định lãi suất cho vay khoảng 18 – 19%/năm. Phương án khác, NHNN sẽ bỏ trần lãi suất huy động, áp trần lãi suất cho vay VND khoảng 18 – 19%/năm, để tập trung tín dụng đi vào sản xuất.
Theo ý kiến của nhiều chuyên gia kinh tế, chính sách thắt chặt tiền tệ hiện nay bộc lộ những nhược điểm, giống như bài toán khó có lời giải giao cho các NHTM. Ngoài ra, nói là ưu tiên tiền đi vào lĩnh vực sản xuất, nhưng cái khó của các NHTM khiến cho dòng tiền khó chảy đúng chỗ.
Đề xuất phương án áp trần lãi suất cho vay để hạ nhiệt lãi suất chỉ là giải pháp tình thế |
Nguyên Thống đốc NHNN Cao Sỹ Kiêm cho rằng, lạm phát cao thì lãi suất cũng phải đưa lên. Tuy nhiên, không chỉ dùng một biện pháp duy nhất là chính sách tiền tệ để chống lạm phát mà phải thực đồng bộ các chính sách khác như chính sách tài khoá, giảm bội chi công… Để khắc phục tình trạng tiền không đi vào sản xuất và tình trạng khó khăn hiện nay của chính các ngân hàng, trong trường hợp này thì cần có giải pháp tình thế để bớt đi sự căng thẳng.
“Trong kinh tế thị trường mà khống chế lãi suất kiểu như vậy rất không hay, nhưng cực chẳng đã, nếu mà để khống chế lãi suất trần thì sẽ dẫn đến thả lỏng lãi suất cho vay, và các ngân hàng thích đưa lãi suất lên bao nhiêu thì chỉ chết sản xuất, chết các doanh nghiệp. Vì vậy thay vì khống chế trần lãi suất huy động thì khống chế trần lãi suất cho vay, để các ngân hàng buộc phải tính toán, giảm các chi phí của mình, khống chế trần cho vay. Ngân hàng nào huy động cao thì lãi ít , và ngược lại, để có sự cạnh tranh lành mạnh…”, TS. Kiêm nói.
Đồng quan điểm với nhận định của các chuyên gia kinh tế, một số ngân hàng thương mại cho rằng, có thể NHNN sẽ chọn phương án bỏ trần lãi suất huy động, áp trần lãi suất cho vay VND khoảng 18-19%/năm.
Một nhận định khác của các chuyên gia kinh tế, việc cào bằng tăng trưởng tín dụng dưới 20% và áp trần lãi suất 14%/năm cho tất cả các ngân hàng là chưa hợp lý. Bởi các ngân hàng yếu thì sẽ yếu hơn còn các ngân hàng mạnh cũng trở thành yếu.
Một chuyên gia lĩnh vực ngân hàng đề xuất, NHNN nên phân loại các ngân hàng theo tiêu chí thanh khoản. Với ngân hàng có tính thanh khoản tốt, không nên bó hẹp ở mức tăng trưởng tín dụng dưới 20%. Với những ngân hàng ốm yếu thì có thể NHNN hỗ trợ và giám sát đặc biệt để không ảnh hưởng tới cả hệ thống.
Hiện chính sách thắt chặt tiền tệ đã đi được khoảng 1/3 quãng đường với đích tới là làm sao kiềm chế được lạm phát không tăng quá cao trong năm nay. Theo dự báo, chỉ số giá tiêu dùng tháng 5 có thể sẽ hạ nhiệt ở mức từ 2-2,5% so với tháng trước, điều này đang là hy vọng của nhiều người để lãi suất có thể hạ nhiệt. Tuy nhiên theo TS. Cao Sĩ Kiêm, CPI tháng 5 có thể sẽ chững lại nhưng những tháng sau vẫn có thể tăng, nên khó hy vọng lãi suất giảm. Do đó cần có giải pháp tình thế để giải quyết câu chuyện căng thẳng về lãi suất hiện nay.
Theo Vnmedia.vn
Ý kiến ()