Lãi suất tiền gửi tiếp đà giảm
Những ngày áp Tết Nguyên đán, nhiều ngân hàng tiếp tục điều chỉnh lãi suất tiền gửi với xu hướng giảm. Tín hiệu này khiến thị trường kỳ vọng lãi suất cho vay sẽ được các ngân hàng giảm tiếp nhằm hỗ trợ người dân và doanh nghiệp, giúp khơi thông nền kinh tế vốn đang rất khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19.
Giảm lãi suất tiền gửi
Ngay trước thời điểm nghỉ Tết, Ngân hàng TMCP Ngoại thương Việt Nam (Vietcombank) đã điều chỉnh giảm nhẹ lãi suất ở tất cả các kỳ hạn. Theo đó, lãi suất tiền gửi kỳ hạn ba tháng hiện còn 3,2%/năm, kỳ hạn sáu tháng còn 3,8%/năm và kỳ hạn 12 tháng còn 5,5%/năm. Cùng chung xu hướng, Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn Việt Nam (Agribank) điều chỉnh giảm 0,1% ở hầu hết kỳ hạn ngắn; lãi suất các kỳ hạn từ 6-11 tháng ở mức 4%/năm, còn kỳ hạn từ 12 tháng áp dụng mức lãi suất 5,6%/năm.
Tại khối ngân hàng thương mại cổ phần, trong biểu lãi suất mới nhất áp dụng tháng 2-2021, Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (Techcombank) tiếp tục điều chỉnh giảm lãi suất đầu vào ở các kỳ hạn, với mức giảm tới 0,4 điểm % so với tháng đầu năm. Hiện, lãi suất tiền gửi thấp nhất đối với khách hàng thường dưới 50 tuổi tại Techcombank chỉ còn 2,35%/năm kỳ hạn một tháng; từ 6 đến 8 tháng là 3,8%/năm; lãi suất cao nhất khi gửi kỳ hạn từ 12 đến 36 tháng cũng chỉ 4,6%/năm. Ngoài ra, mức lãi suất huy động cao nhất ngân hàng này đang áp dụng là 5,5%/năm cho khách hàng từ 13 đến 36 tháng khi khách hàng gửi trên 50 tuổi gửi từ ba tỷ đồng trở lên. Ngân hàng TMCP Việt Nam Thịnh Vượng (VPBank) cũng giảm lãi suất tiền gửi tại hầu hết kỳ hạn. Hiện, tiền gửi các kỳ hạn từ 1 đến 9 tháng tại VPBank được áp dụng lãi suất khoảng 3,25 đến 3,45%/năm tùy giá trị tiền gửi. Lãi suất kỳ hạn tiền gửi 12 tháng hiện ở mức 4,9 đến 5,3%/năm. Mức lãi suất tối đa tại VPBank hiện là 5,5%/năm, áp dụng với các khoản tiền gửi trên 50 tỷ đồng kỳ hạn trên 24 tháng, giảm 1 điểm %. Còn tại Ngân hàng TMCP Sài Gòn – Hà Nội (SHB), lãi suất kỳ hạn sáu tháng đối với các khoản tiền gửi tiết kiệm dưới 2 tỷ đồng giảm còn 5%/năm; kỳ hạn 12 tháng còn 5,6%/năm và trên 12 tháng còn 6%/năm…
Theo nhận định của các chuyên gia tài chính – ngân hàng, những năm trước, lãi suất tiền gửi thường có xu hướng tăng vào dịp gần Tết nhằm huy động nguồn vốn từ nguồn lương, thưởng của người lao động. Tuy nhiên năm nay, lãi suất tiền gửi lại giảm vào dịp sát Tết. Nguyên nhân được lý giải từ việc các ngân hàng vẫn đang dư thừa nguồn vốn từ cuối năm 2020 trong bối cảnh tín dụng chưa tăng tương xứng.
Kỳ vọng duy trì mặt bằng thấp
Cùng với việc điều chỉnh lãi suất của các ngân hàng, lãi suất liên ngân hàng cũng liên tục giảm mạnh. Cụ thể, tại phiên giao dịch ngày 18-2, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND giảm mạnh từ 0,61 – 0,82 điểm % ở tất cả các kỳ hạn từ một tháng trở xuống. Trước đó một ngày, lãi suất này cũng giảm, nhưng bước giảm không lớn bằng, chỉ khoảng 0,03 đến 0,37 điểm %. Như vậy, chỉ trong hai phiên giao dịch sau Tết, lãi suất VND liên ngân hàng đã giảm trung bình khoảng 1 điểm %. Chốt phiên giao dịch ngày 18-2, các mức lãi suất dừng ở mức qua đêm 1,47%; 1 tuần 1,53%; 2 tuần 1,68% và 1 tháng 1,72%.
Trong Báo cáo triển vọng vĩ mô năm 2021 của Công ty cổ phần Chứng khoán KB Việt Nam (KBSV), các chuyên gia dự báo nhiều khả năng Ngân hàng Nhà nước Việt Nam (NHNN) sẽ hạ lãi suất điều hành thêm một lần nữa trong nửa đầu năm 2021 và tăng nhẹ trở lại trong nửa cuối năm do ba nguyên nhân: Thứ nhất là kênh bơm thanh khoản tiền đồng vào thị trường bị giới hạn do công cụ mua ngoại tệ bị hạn chế và có thể đẩy mặt bằng lãi suất trên thị trường liên ngân hàng tăng. Thứ hai là tốc độ tăng trưởng tín dụng trong sáu tháng cuối năm thường sẽ hồi phục nhanh. Thứ ba là lộ trình siết tỷ lệ huy động ngắn hạn cho vay trung và dài hạn có hiệu lực vào tháng 10-2021 sẽ đẩy mạnh mức độ cạnh tranh về tiền gửi và làm đảo chiều xu hướng lãi suất tiền gửi đang giảm.
Phân tích từ Công ty cổ phần Chứng khoán SSI cũng cho thấy, đợt bùng phát dịch Covid-19 tại Việt Nam những ngày gần đây có thể khiến cầu tín dụng yếu đi, lãi suất sẽ vẫn duy trì ở vùng thấp hiện tại và có thể còn giảm thêm nếu dịch bệnh phức tạp hơn. Ðồng quan điểm, Công ty Chứng khoán ngân hàng Vietcombank (VCBS) cho rằng chưa có áp lực nào đủ lớn khiến lãi suất có thể tăng trở lại. “Lãi suất huy động có thể tiếp tục giảm, sau đó ổn định ở mặt bằng thấp” – Báo cáo kinh tế vĩ mô năm 2021 của VCBS nhận định. Ðồng thời các chuyên gia của Công ty cổ phần chứng khoán Bảo Việt (BVSC) cũng cho rằng, về tổng thể, thanh khoản hệ thống ngân hàng trong năm 2021 sẽ bớt dư thừa hơn so với năm 2020, khi hoạt động mua ròng ngoại hối nhiều khả năng sẽ giảm trong khi tín dụng dần hồi phục. Tuy vậy, mức tăng của tín dụng được dự báo sẽ không quá “nóng” để gây áp lực lên mặt bằng lãi suất nói chung trên thị trường. Thêm vào đó, với tăng trưởng lạm phát được đánh giá sẽ tiếp tục ở mức thấp trong năm 2021, lãi suất được kỳ vọng sẽ duy trì mặt bằng thấp so với các năm 2019 trở về trước.
Trao đổi về định hướng điều hành của NHNN trong năm 2021, Vụ trưởng Vụ Chính sách tiền tệ (NHNN) Phạm Thanh Hà cho biết, NHNN sẽ điều hành lãi suất phù hợp cân đối vĩ mô, lạm phát, diễn biến thị trường và mục tiêu chính sách tiền tệ. Ngoài ra, năm 2021, NHNN tiếp tục định hướng mục tiêu tín dụng tập trung vào chất lượng. Tín dụng cả năm 2021 được dự báo tăng ở mức 11-12%, thấp hơn giai đoạn 2016 – 2017, do đó lãi suất huy động cũng không có nhiều áp lực tăng trở lại.
Như vậy, từ thực tế diễn biến lãi suất trong những ngày trước và sau Tết Nguyên đán, nhiều dự đoán cho thấy mặt bằng lãi suất huy động sẽ duy trì ở mức thấp trong nửa đầu năm 2021, bởi nhu cầu vay vốn yếu trong khi lượng tiền của các ngân hàng khá dồi dào.
Ý kiến ()