Lãi suất ngân hàng có tăng theo tỷ giá ?
Những diễn biến kinh tế thế giới và trong nước phức tạp, việc mạnh tay trong điều chỉnh tỷ giá của Ngân hàng Nhà nước (NHNN) mới đây. khiến mục tiêu giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn thêm 1% đến 1,5%/năm của hệ thống ngân hàng càng trở nên khó khăn hơn.
Hiệu ứng tỷ giá
Mục tiêu giảm lãi suất cho vay trung, dài hạn 1% đến 1,5% được đặt ra từ đầu năm, trong bối cảnh NHNN cam kết giữ tỷ giá cả năm 2015 chỉ tăng trong mức 2%. Tuy nhiên, diễn biến Trung Quốc bất ngờ phá giá sâu đồng nhân dân tệ (NDT) khiến thị trường tài chính thế giới bị ảnh hưởng mạnh, nằm ngoài cả dự báo của NHNN. Kết hợp việc Cục dự trữ Liên bang Mỹ (FED) có khả năng điều chỉnh lãi suất USD trong thời gian tới, khiến tâm lý đầu cơ ngoại tệ trong nước tăng cao, buộc NHNN phải hai lần điều chỉnh tỷ giá chỉ trong vòng một tuần, với mức tăng 3%.
Việc tăng mạnh tỷ giá VND/USD liên tiếp trong vòng hai tuần qua của cơ quan quản lý được nhiều chuyên gia kinh tế trong nước và quốc tế đánh giá là nhanh nhạy và khôn ngoan trong bối cảnh hiện tại. Tuy nhiên, việc tỷ giá tăng mạnh cũng gây không ít khó khăn cho việc thực hiện mục tiêu giảm lãi suất của NHNN cũng như các ngân hàng thương mại (NHTM). Theo tính toán của nhiều chuyên gia kinh tế, khi tỷ giá tăng 3%, lãi suất có thể tăng khoảng 1%. Đó là chưa kể hàng loạt các yếu tố bất lợi khác cũng tác động không nhỏ tới mục tiêu này, như: Chi phí xử lý nợ xấu cao khiến lợi nhuận giảm sút, tín dụng toàn hệ thống ngân hàng tăng trưởng cao (tính đến ngày 18-8 đã tăng hơn 8,8%) trong khi huy động vốn đang chậm lại, cho thấy vốn dư thừa của hệ thống ngân hàng cũng không còn dồi dào…
Tiền đồng tại thời điểm này không dư thừa nhiều như trước, do vừa qua các ngân hàng và doanh nghiệp đã dùng tiền đồng tập trung mua ngoại tệ nhằm đóng trạng thái phòng rủi ro. Theo Phó Chủ tịch HĐQT LienVietPostBank Nguyễn Đức Hưởng, nếu việc tỷ giá tăng chỉ tác động nhiều tới nhóm doanh nghiệp xuất nhập khẩu thì lãi suất lại ảnh hưởng tới phần lớn cộng đồng doanh nghiệp, bởi lãi suất chính là chi phí mà tất cả các doanh nghiệp đều phải chịu. “Do đó tại cuộc họp với các NHTM mới đây, Thống đốc NHNN cũng chưa tính đến việc tăng lãi suất để xử lý tỷ giá. Tuy vậy, việc cùng lúc phải thực hiện hai mục tiêu lớn là hạn chế lãi suất tăng và ổn định tỷ giá như hiện nay là khó khăn…”, TS Nguyễn Đức Hưởng nhận định.
Thách thức giảm lãi suất
Diễn biến căng thẳng của tỷ giá trong những ngày qua theo đánh giá của nhiều NHTM chủ yếu đến từ tâm lý gom USD tại các doanh nghiệp. Lo lắng đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá khiến các DN phải vay nhiều tiền đồng để mua ngoại tệ hơn thường lệ, do đó, đẩy lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh. Trước diễn biến này, đại diện một số ngân hàng đề xuất tăng lãi suất tiền đồng. Tuy nhiên, với nhiệm vụ trước mắt là ổn định tỷ giá, đồng thời dẹp tan kỳ vọng đồng USD sẽ tiếp tục tăng giá, NHNN cũng chính thức lên tiếng cam kết không tiếp tục điều chỉnh tỷ giá từ nay đến cuối năm, thậm chí cả những tháng đầu năm 2016. Cùng với đó, NHNN cũng khẳng định chưa tính đến việc tăng lãi suất trong thời gian này. Ngay sau những chỉ đạo mang tính cam kết này, tỷ giá trên thị trường sau nhiều ngày tăng cao ở mức kịch trần đã có dấu hiệu giảm trở lại. Sự hạ nhiệt của tỷ giá cũng khiến cho những lo lắng về mặt bằng lãi suất dâng cao trở nên vơi bớt, như khẳng định của Tổng Giám đốc VietinBank Lê Đức Thọ: “Giao dịch ngoại tệ trên thị trường hiện đang quay trở về mức giá hợp lý xoay quanh dưới mức giá trần của NHNN. Đây là tín hiệu tích cực cho thấy, tỷ giá ở Việt Nam sẽ quay trở về trạng thái ổn định và trên thực tế hiện nay, thanh khoản thị trường đang rất tốt. Lãi suất cùng với đó cũng đang ổn định”.
Cùng quan điểm, chuyên gia kinh tế, TS Lê Xuân Nghĩa cũng cho rằng, do lạm phát đang ở mức rất thấp, cho nên việc điều chỉnh tỷ giá tác động không mạnh đến lạm phát và lãi suất tiền gửi, từ đó cũng không tác động đến lãi suất cho vay. “Xét về mặt lý thuyết mà nói, khi NHNN nới lỏng tỷ giá hối đoái đồng nghĩa với việc NHNN sẽ cung ứng tiền ra thị trường nhiều hơn. Do đó, về nguyên tắc lãi suất sẽ giảm chứ không tăng”, ông Nghĩa nhận định.
Cùng đánh giá tác động của việc đồng USD tăng giá đến lạm phát sẽ không đáng kể, nhưng Công ty Chứng khoán Bảo Việt (BVSC) ngay sau động thái NHNN điều chỉnh tỷ giá đã có bản báo cáo, trong đó chỉ ra rằng: Nhiều khả năng mặt bằng lãi suất huy động VND sẽ có xu hướng tăng thêm trong thời gian tới. “Để giữ vững niềm tin của người gửi tiền VND và tạo một khoảng cách đủ hấp dẫn so với lãi suất tiền gửi USD (đề phòng cả trường hợp FED tăng lãi suất trở lại), nhiều khả năng mặt bằng lãi suất huy động VND sẽ có xu hướng tăng thêm quanh mức 0,5%/năm”, báo cáo của BVSC nêu rõ.
Chung nhận định lãi suất tiền gửi có thể tăng thêm 0,5% đến 1%/năm nhằm giúp ổn định nguồn vốn ở ngân hàng, chuyên gia kinh tế, TS Nguyễn Đức Thành cũng chia sẻ: “Việc tăng nhẹ lãi suất tiền gửi sẽ không tạo áp lực lớn lên lãi suất cho vay”.
Như vậy có thể thấy, để bảo đảm ổn định kinh tế vĩ mô, trách nhiệm của NHNN trong việc vừa giữ ổn định tỷ giá vừa giữ một mặt bằng lãi suất thấp trong bối cảnh thị trường tài chính quốc tế biến động mạnh, khó lường đang trở nên vô cùng nặng nề. Sự quyết đoán của NHNN trong việc tung ra hàng loạt giải pháp, nhằm giữ ổn định tỷ giá trong những ngày qua đã nhận được nhiều ý kiến đánh giá cao. Tuy vậy, dù mục tiêu giảm lãi suất cho vay đang gặp nhiều khó khăn nhưng trước mắt, việc giữ mặt bằng lãi suất ổn định vẫn là những ưu tiên hàng đầu của NHNN.
Trước việc tỷ giá liên tục biến động, có thể thấy, tuy VND giảm giá so với USD nhưng lãi suất tiền gửi không giảm, tức là người giữ VND đã được cân bằng lợi ích. Hiện nay, lạm phát của Việt Nam ổn định ở mức thấp khoảng 1%. Với kênh gửi ngân hàng, lấy mức lãi suất trung bình hiện là 6%/năm, nếu lạm phát từ nay đến cuối năm tăng lên 4% thì người gửi tiền vẫn có lãi thực dương vào khoảng 2% đến 3%/năm. Do đó, người dân gửi tiết kiệm tiền đồng vẫn có lợi hơn. PGS, TS TRẦN HOÀNG NGÂN Thành viên Hội đồng Tư vấn tài chính tiền tệ quốc gia |
Theo Nhandan.org.vn
Ý kiến ()