Lãi suất liên ngân hàng tăng có ảnh hưởng đến các doanh nghiệp?
Các chuyên gia cho rằng việc lãi suất liên ngân hàng tăng thời gian qua chủ yếu mang yếu tố thời vụ do sự thiếu thanh khoản cục bộ ở một số ngân hàng mà không phản ánh toàn hệ thống…
Gần đây, lãi suất VND trên thị trường liên ngân hàng đột ngột tăng mạnh, cao gấp 2-3 lần thời điểm đầu năm. Việc lãi suất liên ngân hàng lập đỉnh khiến nhiều người lo ngại lãi suất cho vay cũng sẽ tăng theo.
Lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh
Sau khoảng thời gian từ nửa cuối tháng Tư đến tuần đầu tiên tháng Năm tăng nóng, lãi suất liên ngân hàng có hai tuần liên tiếp đi ngang ở mặt bằng mới. Tuy nhiên, tại phiên giao dịch ngày 25/5, lãi suất liên ngân hàng có xu hướng tăng mạnh.
Cụ thể, lãi suất chào bình quân liên ngân hàng VND tăng mạnh 0,06-0,15 điểm phần trăm ở tất cả các kỳ hạn từ 1 tháng trở xuống so với phiên trước đó.
Các kỳ hạn được giao dịch ở mức qua đêm 1,38%; 1 tuần 1,48%; 2 tuần 1,54% và 1 tháng 1,60%. Như vậy, kỳ hạn có doanh số giao dịch lớn nhất và chủ yếu trên liên ngân hàng (qua đêm) đã vượt khỏi vùng dao động quanh 1,2%.
So với cách đây 2 tuần, lãi suất tiền đồng liên tục tăng khoảng 0,3%-0,5%/năm và tăng gấp 2-3 lần so với cuối tháng Hai.
Ở kênh điều tiết, Ngân hàng Nhà nước vẫn duy trì việc chào thầu 1.000 tỷ đồng trên thị trường mở, kỳ hạn 7 ngày, lãi suất ở mức 2,5%/năm. Tuy nhiên, như suốt thời gian qua, không có tổ chức tín dụng nào tiếp cận nguồn vốn này.
Về diễn biến lãi suất huy động của các ngân hàng, bên cạnh một số ngân hàng tăng lãi suất tiền gửi tiết kiệm như Ngân hàng TMCP Dầu khí Toàn cầu (GPBank), Ngân hàng TMCP Xăng Dầu (PGBank) tăng 0,2 đến 0,6 điểm phần trăm kỳ hạn từ 6 tháng trở lên, vẫn có các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất huy động như Ngân hàng TMCP Kiên Long (Kienlongbank), Ngân hàng TMCP Quốc tế (VIB), Ngân hàng TMCP Kỹ thương (Techcombank), Ngân hàng TMCP Quân đội (MB) đã giảm từ 0,1 đến 0,4 điểm phần trăm kỳ hạn từ 3-6 tháng.
Nhận định về nguyên nhân khiến lãi suất liên ngân hàng tăng cao, chuyên gia tài chính ngân hàng Nguyễn Trí Hiếu cho rằng việc các ngân hàng tăng cường mua trái phiếu Chính phủ có thể đã khiến thanh khoản căng thẳng cục bộ, dẫn đến lãi suất liên ngân hàng tăng trong thời gian qua.
Cũng theo ông Hiếu, có thể các ngân hàng đang thiếu vốn do mạnh tay cho vay hơn. “Mặc dù, các ngân hàng cũng chủ động cho vay ngay từ những tháng đầu năm chứ không để đến nửa cuối năm mới đẩy mạnh như nhiều năm trước, tuy nhiên tình hình huy động lại không song hành thực tế cho vay, nên đã có những khó khăn nhất định về thanh khoản. Thiếu thanh khoản thường là các ngân hàng nhỏ, do vậy, các ngân hàng này tập trung vay vốn trên thị trường liên ngân hàng, khiến lãi suất tăng mạnh,” ông Hiếu lý giải.
Cũng theo các chuyên gia, một nguyên nhân nữa là nếu trước đây các ngân hàng có hai kênh hỗ trợ thanh khoản từ cơ quan quản lý Nhà nước là kênh thị trường mở OMO và việc mua vào ngoại tệ của Ngân hàng Nhà nước thì hiện nay, Ngân hàng Nhà nước đã chuyển sang mua ngoại tệ kỳ hạn, khiến việc bơm tiền đồng để hỗ trợ thanh khoản thông qua động thái mua vào ngoại tệ bị hạn chế khá nhiều.
Liệu lãi suất cho vay có tăng?
Động thái lãi suất liên ngân hàng tăng của các nhà băng khiến nhiều người lo ngại lãi suất cho vay có thể bị đẩy lên cao, trong bối cảnh dịch COVID-19 vẫn rất khó lường.
Tuy nhiên, dạo quanh một vòng bảng lãi suất cho vay của các ngân hàng cho thấy lãi suất cho vay vẫn chưa thay đổi. Các ngân hàng chạy đua cho vay cá nhân, hộ kinh doanh với mức lãi suất ưu đãi như Ngân hàng TMCP Ngoại thương (Vietcombank) cho vay từ 6,79%-7,29%/năm đối với cá nhân và doanh nghiệp vừa và nhỏ vay nhằm phục vụ sản xuất kinh doanh, mua bất động sản, mua xe, tiêu dùng…
Thông tin từ Ngân hàng TMCP Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BIDV) cho biết từ đầu năm đến nay, ngân hàng này giải ngân gói tín dụng gần 70.000 tỷ đồng cho khách hàng cá nhân vay với lãi suất từ 5%/năm.
Bên cạnh đó, mặc dù dự báo nhu cầu tín dụng quý 2 sẽ tăng nhưng BIDV vẫn giữ lãi suất cho vay từ 5%-5,5%/năm cho các khoản vay dưới 12 tháng đối với gói tín dụng 60.000 tỷ đồng nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho khách hàng doanh nghiệp.
Ngân hàng TMCP Bắc Á (Bac A Bank) cũng vừa dành 3.000 tỷ đồng ưu đãi khách hàng doanh nghiệp với lãi suất chỉ từ 7,5%/năm.
Đại diện ngân hàng này cho biết Bac A Bank luôn bám sát các doanh nghiệp, phân tích nhu cầu và đưa ra các giải pháp thiết thực. Gói siêu ưu đãi lãi suất vay này sẽ hỗ trợ doanh nghiệp kịp thời bổ sung vốn lưu động phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh, hiện thực hóa cơ hội mở rộng và phát triển của doanh nghiệp để tối ưu lợi nhuận, tăng vị thế cạnh tranh…
Diễn biến trên cho thấy việc lãi suất liên ngân hàng tăng thời gian qua chủ yếu mang yếu tố thời vụ do sự thiếu thanh khoản cục bộ ở một số ngân hàng mà không phản ánh toàn hệ thống ngân hàng. Trong khi đó, thanh khoản của toàn hệ thống ngân hàng hiện vẫn khá dồi dào.
Nhiều chuyên gia kinh tế dự báo lãi suất liên ngân hàng sẽ ổn định trở lại. Trong trường hợp nhu cầu tín dụng tăng quá thấp, Ngân hàng Nhà nước nhiều khả năng còn phải hút bớt tiền về thông qua các công cụ điều hành, chỉ để một lượng vừa đủ nhằm tránh áp lực lạm phát.
Vì vậy, Chủ tịch Hội đồng quản trị Ngân hàng TMCP Công thương (VietinBank) Lê Đức Thọ cho rằng trong ngắn hạn, lãi suất sẽ chưa có nhu cầu tăng do thanh khoản hiện vẫn rất dồi dào.
“Việc kiểm soát vĩ mô tốt đã tạo điều kiện cho lãi suất duy trì ở mức thấp, phục vụ nhu cầu vay vốn của doanh nghiệp cũng như người dân. Nếu lạm phát tiếp tục được kiểm soát dưới 4% thì lãi suất như hiện nay là rất hợp lý,” ông Thọ nhấn mạnh.
Theo các chuyên gia, các thông tin vĩ mô đang ủng hộ mặt bằng lãi suất thấp. Mục tiêu tăng trưởng tín dụng 12% trong năm nay (tương đương mức tăng năm ngoái) sẽ không tạo áp lực huy động vốn cho các ngân hàng. Trong khi đó, lạm phát cơ bản trong quý 1 được kiềm chế khá tốt, chỉ tăng 0,67%.
“Sức cầu còn yếu. Dự báo năm 2021, lạm phát sẽ dao động trong khoảng 3%, nên chúng ta có thể duy trì được mặt bằng lãi suất thực dương,” ông Nguyễn Đức Hùng Linh, Giám đốc cấp cao SK Việt Nam cho hay.
Còn chuyên gia của Công ty Chứng khoán SSI cũng nhận định tín dụng tăng trưởng mạnh giai đoạn vừa qua đã khiến thanh khoản các ngân hàng thương mại bớt dư thừa. Tuy nhiên, tăng trưởng huy động 1 tháng gần đây đã có dấu hiệu tích cực, mức tăng trưởng đến ngày 22/4 là 2,32% so với đầu năm, đã cao hơn rất nhiều so với mức 0,54% tại thời điểm ngày 19/3. Nguồn cung VND trên liên ngân hàng vẫn rất ổn định, đặc biệt sẽ có một lượng tiền đồng lớn bơm ra từ các giao dịch bán ngoại tệ có kỳ hạn được thực hiện trong tháng Bảy và tháng Tám tới.
“Bởi vậy, chúng tôi chưa nhận thấy áp lực tăng lãi suất trong ngắn hạn, nhưng vẫn giữ nguyên dự báo lãi suất có thể nhích tăng từ đầu quý 3/2021 khi dịch bệnh được kiểm soát, tín dụng tiếp tục tăng tốc,” chuyên gia SSI nhận định./.
Ý kiến ()