Lãi suất huy động liên tiếp tăng, lãi suất cho vay khó giữ thấp
Công ty cổ phần Chứng khoán SSI dự báo từ nay đến cuối năm, lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ tăng dần và phụ thuộc nhiều vào khả năng hồi phục của nền kinh tế cũng như diễn biến của lạm phát.
Kể từ đầu năm đến nay, lãi suất huy động tại các ngân hàng thương mại liên tiếp được điều chỉnh, đa phần theo xu hướng tăng lên đối với nhiều kỳ hạn và áp dụng cho cả phương thức tiền gửi tại quầy lẫn tiền gửi online.
Thực tế này đang khiến nhiều doanh nghiệp lo lắng về nguy cơ sẽ phải đối mặt với những đợt tăng lãi suất cho vay trong thời gian sắp tới.
Mới đây nhất, Ngân hàng Thương mại Cổ phần Hàng hải Việt Nam (MSB) công bố chương trình cộng thêm đến 0,8% lãi suất khi gửi online so với mức lãi suất gửi tiết kiệm tại quầy.
Với giao dịch gửi tiết kiệm online tối thiểu từ 1 triệu đồng tại ngân hàng này, khách hàng sẽ nhận ngay lãi suất 7%/năm với kỳ hạn 15 tháng và 6,8% với kỳ hạn 6 tháng và 12 tháng. Đây là mức lãi suất thuộc nhóm cao nhất trên thị trường hiện nay.
Trước đó, nhiều ngân hàng như: Ngân hàng Thương mại Cổ phần Nam Á (NamABank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Bản Việt (VietCapitalBank), Ngân hàng Thương mại Cổ phần Kỹ thương Việt Nam (Techcombank)… đã điều chỉnh tăng thêm từ 0,1-0,3%/năm lãi suất tiết kiệm ở nhiều kỳ hạn so với hồi tháng trước.
Xét về mức lãi suất huy động cao nhất tại mỗi ngân hàng, Techcombank đang dẫn đầu với 7,8%/năm. Tiếp sau đó là Ngân hàng Thương mại Cổ phần Sài Gòn (SCB) với 7,6%/năm, NamABank 7,4%/năm.
Ngân hàng Thương mại Cổ phần Á Châu (ACB), MSB hay VietCapitalBank cũng có mức lãi suất cao nhất từ 7-7,1%/năm… Tuy nhiên để được hưởng mức lãi suất này tại một số ngân hàng, khách hàng cần đáp ứng điều kiện gửi tiền từ vài trăm tỷ đồng trở lên.
Báo cáo từ Phòng Phân tích Công ty cổ phần Chứng khoán Everest (EVS) cho thấy lãi suất huy động đã nhích lên đáng kể so với mặt bằng chung năm 2021 với mức trung bình từ 4,2-5,7%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn từ 6-12 tháng; từ 5,3-6,5%/năm đối với tiền gửi có kỳ hạn 13-24 tháng.
Ở chiều ngược lại, lãi suất cho vay bằng VND đối với các khoản cho vay mới và cũ còn dư nợ phổ biến từ 7,8-9,2%/năm; trong đó, lãi suất cho vay ngắn hạn đối với lĩnh vực ưu tiên là 4,3%/năm, thấp hơn mức lãi suất cho vay ngắn hạn tối đa theo quy định là 4,5%/năm.
Dù vậy, EVS nhận định vẫn còn khoảng cách lớn giữa tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng huy động trong thời gian qua. Kết hợp với áp lực về thanh khoản do yếu tố mùa vụ Tết Nguyên đán đã khiến lãi suất liên ngân hàng tăng mạnh lên mức 2,08% vào thời điểm cuối quý 1/2022.
Ngân hàng Nhà nước thực hiện hỗ trợ thanh khoản kịp thời với tổng lượng tiền bơm ra đỉnh điểm lên tới gần 16.000 tỷ đồng. Bên cạnh đó, Kho bạc Nhà Nước tiếp tục nối dài hoạt động chào mua ngoại tệ, dự kiến sẽ mua thêm 150 triệu USD từ các ngân hàng thương mại, tương đương với 3.400 tỷ đồng.
Tính đến hết quý 1/2022, Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước Đào Minh Tú cho biết tín dụng tăng trưởng ở mức 5,04%, mức tăng có thể nói là ấn tượng so với mấy năm vừa qua và gấp 4 lần mức tăng hồi quý 1/2021.
Con số này phản ánh nhu cầu về vốn đang tăng mạnh trở lại để phục vụ sản xuất kinh doanh sau thời gian dài đình trệ vì dịch bệnh, đồng thời cũng lý giải phần nào cho áp lực thanh khoản kể trên, đẩy lãi suất liên ngân hàng và lãi suất huy động liên tiếp nhích tăng.
Đánh giá mặt bằng lãi suất hiện đã chạm đáy và khó có thể giảm thêm, Trung tâm phân tích của Công ty cổ phần Chứng khoán SSI (SSI Research) dự báo từ nay đến cuối năm, lãi suất tiền gửi và cho vay sẽ tăng dần và phụ thuộc nhiều vào khả năng hồi phục của nền kinh tế cũng như diễn biến của lạm phát.
Chưa dừng ở đó, đã có doanh nghiệp tỏ ra lo lắng khó sẽ chồng khó bởi ngoài việc lãi suất cho vay có khả năng sẽ tăng thì kênh huy động bằng trái phiếu doanh nghiệp cũng sẽ ngày một siết chặt, tâm lý của nhà đầu tư trở nên e dè hơn sau những ồn ào của Tập đoàn Tân Hoàng Minh vừa qua.
Trao đổi về vấn đề này, Phó Giáo sư, Tiến sỹ Đinh Trọng Thịnh, Giảng viên cao cấp Học viện Tài chính cho rằng việc thanh lọc thị trường là bước đi cần thiết.
Dù đã có nhiều quy định về việc phát hành trái phiếu doanh nghiệp nhưng các quy định này vẫn còn nhiều tạo kẽ hở, khiến doanh nghiệp có thể “lách luật” phát hành trái phiếu “3 không”: không tài sản đảm bảo, không xếp hạng tín nhiệm và không bảo lãnh thanh toán, gây rủi ro lớn cho nhà đầu tư.
“Do đó, cơ quan quản lý cần siết chặt các quy định phát hành trái phiếu. Đồng thời, cơ chế quản lý, giám sát, xử phạt cũng cần chặt chẽ và nghiêm khắc hơn để đảm bảo sự phát triển lành mạnh và bền vững của một trong những phương thức huy động vốn rất quan trọng trong nền kinh tế,” ông Thịnh khẳng định.
Còn về tín dụng ngân hàng, vị chuyên gia nhận định trước bối cảnh lãi suất huy động đang có xu hướng điều chỉnh tăng, lãi suất cho vay cũng có thể tăng nhẹ trong thời gian tới.
Ở góc độ của ngân hàng thương mại, một lãnh đạo ngân hàng cho biết mặc dù lãi suất huy động đã tăng tại nhiều ngân hàng thời gian gần đây nhưng lãi suất cho vay có thể sẽ không có nhiều biến động.
Lý do trước tiên là bởi không chỉ tại thời điểm này mà trong suốt hơn 2 năm qua kể từ khi dịch COVID-19 bùng phát, các ngân hàng đã thực hiện chỉ đạo và chủ trương tiết giảm chi phí hoạt động để tập trung nguồn vốn hỗ trợ khách hàng bị ảnh hưởng do dịch.
Hơn nữa, các tổ chức tín dụng vẫn đang phải tuân thủ nghiêm các quy định về giảm lãi suất, cơ cấu nợ cho doanh nghiệp phục hồi sản xuất theo chỉ đạo của Chính phủ.
Thêm nữa, Quốc hội đã thông qua và Chính phủ cũng bắt đầu triển khai gói chính sách tiền tệ hỗ trợ lãi suất 2%/năm, tối đa 40.000 tỷ đồng cho một số ngành nghề ưu tiên. Đây là nguồn vốn cần thiết và phù hợp để tiếp sức doanh nghiệp hồi phục sau đại dịch.
Trước đó, Ngân hàng Nhà nước đã 3 lần điều chỉnh giảm lãi suất điều hành, tạo điều kiện cho các ngân hàng giảm lãi suất cho vay. So với trước khi dịch bệnh, lãi suất cho vay đã giảm khoảng 2%./.
Ý kiến ()