Lãi suất cho vay giảm trên diện rộng: Tăng trưởng tín dụng sẽ khởi sắc
Với việc các ngân hàng công khai lãi suất cho vay bình quân, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn rẻ, minh bạch hơn và dự báo tăng trưởng tín dụng tiếp tục phục hồi mạnh trong thời gian tới.
Mặc dù vẫn thấp hơn so với cùng kỳ năm trước nhưng với những nỗ lực của Chính phủ và các giải pháp hỗ trợ, kích cầu từ hệ thống ngân hàng, tăng trưởng tín dụng đã cải thiện ngay trong tháng Ba đạt 0,98%, chính thức “lên khỏi mặt đất” sau 2 tháng tăng trưởng âm.
Dự báo tăng trưởng tín dụng tiếp tục phục hồi tăng trở lại trong thời gian tới với nhiều giải pháp đến từ các tổ chức tín dụng.
Nền kinh tế phục hồi
Nhiều chỉ số cho thấy bức tranh của nền kinh tế đã có khởi sắc trong tháng Ba. Đơn cử như chỉ số sản xuất công nghiệp (IIP) trong tháng 3/2024 tăng tới 20% so với tháng trước tương đương tăng 4,1% so với cùng kỳ kéo theo cả quý 1 ước tính tăng 5,7% so với cùng kỳ năm trước (cùng kỳ năm 2023 giảm 2,6%). Tổng kim ngạch xuất nhập khẩu hàng hoá ước trong quý 1 cũng ước đạt 178,04 tỷ USD, tăng 15,5% so với cùng kỳ năm trước.
Ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu (Bộ Công Thương) cho hay hiện tại tình hình phục hồi sản xuất khá tốt đã góp phần vào sự phục hồi của tăng trưởng xuất khẩu. Đặc biệt, nhiều thị trường xuất khẩu lớn có sự phục hồi, vượt qua giai đoạn suy thoái.
Theo các chuyên gia, đây là tín hiệu vui cho thấy tình hình sản xuất, kinh doanh đã bắt đầu sôi động trở lại sau dịp nghỉ Tết Nguyên đán. Điều này được dự báo nhu cầu vay vốn phục vụ việc nhập nguyên vật liệu cho sản xuất của doanh nghiệp sẽ tăng.
Từ đầu năm đến nay, mặt bằng lãi suất tiền gửi và cho vay tiếp tục có xu hướng giảm so với cuối năm 2023. Theo Ngân hàng Nhà nước, tính đến ngày 25/3, lãi suất bình quân huy động và cho vay đối với các giao dịch phát sinh mới lần lượt ở mức 3,1%/năm và 6,5%/năm, giảm tương ứng khoảng 0,4%/năm và 0,6%/năm so với cuối năm 2023.
Ngày 1/4, Vietcombank đã quyết định điều chỉnh giảm thêm 0,1% đối với tiền gửi kỳ hạn từ 1 đến 9 tháng. Lãi suất huy động thấp nhất tại Vietcombank hiện còn 1,6%/năm và cao nhất 4,7%/năm dành cho kỳ hạn 12-60 tháng. Đây cũng là mức lãi suất tiền gửi thấp nhất thị trường hiện nay.
Mặc dù trước đó có một vài ngân hàng tăng lãi suất huy động nhưng xu hướng giảm lãi suất vẫn đang chiếm chủ đạo, riêng trong tháng Ba thị trường ghi nhận có tới 25 ngân hàng thương mại thông báo giảm lãi suất huy động.
Tuy nhiên nhìn từ góc độ khác, tiến sỹ Nguyễn Hữu Huân - trưởng bộ môn Thị trường tài chính trường đại học Kinh tế Thành phố Hồ Chí Minh nêu quan điểm không nên giữ lãi suất ở mức quá thấp.
"Bài học từ hơn 10 năm giữ lãi suất âm của Nhật Bản cho thấy việc duy trì lãi suất âm không hẳn mang lại hiệu quả lớn xét về mặt thúc đẩy tăng trưởng kinh tế. Mặt khác, việc tiếp cận vốn của các doanh nghiệp Việt Nam đang gặp khó khăn không phải bởi vấn đề lãi suất mà là chưa đáp ứng điều kiện vay vốn. Do đó, nếu tiếp tục giảm lãi suất thì không hẳn hiệu quả với thực trạng kinh tế hiện nay,” ông nói.
Lãi suất cho vay đã giảm trên diện rộng
Theo ghi nhận của Báo Điện tử VietnamPlus, hiện các ngân hàng tiếp tục triển khai hàng loạt gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp để kích cầu tín dụng đối với cả khách hàng cá nhân và doanh nghiệp.
Mới đây, Agribank công bố dành 50.000 tỷ đồng triển khai chương trình cho vay ngắn hạn ưu đãi đối với khách hàng cá nhân phục vụ hoạt động sản xuất kinh doanh với lãi suất chỉ từ 3%/năm, thấp hơn 2% so với sàn lãi suất cho vay ở lĩnh vực này.
Tương tự mức lãi suất này cũng đã có ở Sacombank với gói tín dụng 10.000 tỷ đồng lãi suất chỉ 3%/năm đáp ứng nhu cầu vay vốn của khách hàng cá nhân và doanh nghiệp. BAC A BANK dành 10.000 tỷ đồng giảm lãi suất cho khách hàng cá nhân chỉ còn 5%/năm.
Một loạt ngân hàng khác như Vietcombank, BIDV, SHB, Nam A Bank, UOB, Shinhan Bank… cũng triển khai nhiều gói tín dụng ưu đãi lãi suất thấp khác.
Ông Đào Minh Tuấn - Phó Giám đốc phụ trách khối Khách hàng doanh nghiệp vừa và nhỏ ABBANK cho biết ngân hàng này đã dành 10.000 tỷ đồng ưu đãi lãi suất cho doanh nghiệp, mức cho vay bình quân giảm từ 2%-3% so với cho vay thông thường.
“Chúng tôi đang tập trung vào 8 nhóm ngành trọng tâm trong đó có xây dựng, vật liệu xây dựng, thực phẩm, đồ uống, thiết bị y tế, viễn thông, logictic. Đây là những nhóm có tiềm năng tăng trưởng rất lớn trong giai đoạn tới,” ông Đào Minh Tuấn nhấn mạnh.
Ông Ngô Thanh Sơn - Tổng Giám đốc Công ty cổ phần Novamed Việt Nam cho biết doanh nghiệp chuyên cung cấp thiết bị và vật tư tiêu hao cho các bệnh viện như dây truyền dịch, oxy… luôn cần một lượng hàng lớn để dự trữ trong kho. Năm nay lượng đơn hàng ước tính tăng khoảng 30% do đó Novamed luôn cần vốn để sẵn sàng cho thanh toán.
“Mỗi một tháng lượng hàng trong kho của chúng tôi khoảng từ 30-40 tỷ đồng. Cũng rất may trong thời gian vừa qua các ngân hàng đều có gói hỗ trợ lãi suất khá tốt giúp chúng tôi tiết giảm được chi phí,” ông Sơn nói.
Bên cạnh các ngân hàng tiếp tục giảm lãi suất cho vay thì việc Chính phủ và Ngân hàng Nhà nước yêu cầu các tổ chức tín dụng công khai lãi suất cho vay cũng là tiền đề để các doanh nghiệp có cơ hội tiếp cận lãi suất cho vay ở hợp lý và thấp hơn trước.
Sau khi Ngân hàng Nhà nước “thúc” các tổ chức tín dụng đã công khai lãi suất cho vay bình quân.
Vì vậy, tính đến chiều ngày 1/4, cả nhóm Big4 đã công bố lãi suất cho vay bình quân. Trong đó VietinBank hiện đang có lãi suất cho vay bình quân là 6,3%/năm. Chênh lệch lãi suất cho vay và lãi suất huy động bình quân là 2,45%/năm.
Còn tại Vietcombank, lãi suất cho vay bình quân kỳ tháng Ba là 6,4%/năm, chênh lệch lãi suất cho vay và tiền gửi bình quân tại ngân hàng này là 3,4%/năm. Riêng mức chênh lệch lãi suất sau khi trừ đi các chi phí liên quan đến hoạt động huy động vốn và sử dụng vốn tại Vietcombank hiện chỉ còn 1,8%/năm.
Trong khi đó tại BIDV, lãi suất cho vay bình quân là 6,49%/năm và chênh lệch lãi suất (cho vay bình quân-huy động vốn bình quân) là 3,12%/năm.
Lãi suất cho vay bình quân của Agribank đang là 7,47%/năm và chi phí vốn bình quân chưa bao gồm chi phí vốn yêu cầu cho rủi ro tín dụng, chi phí dự phòng rủi ro tín dụng là 6%/năm. Nếu trừ đi tất cả các khoản chi theo quy định, chênh lệch giữa lãi suất cho vay với lãi suất huy động tại Agribank cũng chỉ còn 1,47%/năm.
Ngoài ra, hàng loạt ngân hàng khác cũng đã công bố lãi suất cho vay bình quân như là TPBank (7,76%/năm); Vietbank (7,32%/năm); OCB (7,79%/năm đối với cá nhân và 9,29%/năm đối với doanh nghiệp); VIB (8,6%/năm đối với cá nhân và 7,69%/năm đối với doanh nghiệp); ACB (9,7%/năm đối với cá nhân và 9,33%/năm đối với doanh nghiệp); BVBank (9,4%/năm), Eximbank (8,17%/năm); ABBank (7,42%/năm với khách hàng cá nhân và 6,12%/năm với doanh nghiệp)...
Với việc các ngân hàng công khai lãi suất cho vay bình quân, doanh nghiệp sẽ có cơ hội tiếp cận nguồn vốn rẻ, minh bạch hơn và dự báo tăng trưởng tín dụng tiếp tục phục hồi mạnh trở lại trong thời gian tới.
Về định hướng điều hành, ông Phạm Thanh Hà - Phó Thống đốc Ngân hàng Nhà nước cho biết các mức lãi suất điều hành thời gian tới vẫn sẽ được giữ nguyên nhằm tạo điều kiện cho tổ chức tín dụng tiếp cận nguồn vốn từ Ngân hàng Nhà nước với chi phí thấp để góp phần hỗ trợ nền kinh tế. Lãi suất sẽ được điều hành phù hợp với diễn biến thị trường, kinh tế vĩ mô, lạm phát và mục tiêu chính sách tiền tệ.
Phó Thống đốc khẳng định, Ngân hàng Nhà nước luôn khuyến khích các tổ chức tín dụng tiết giảm chi phí, đơn giản hóa thủ tục cấp tín dụng, phấn đấu giảm mặt bằng lãi suất cho vay nhằm hỗ trợ nền kinh tế./.
Ý kiến ()