Lại rộ chuyện thương lái nước ngoài thu mua nông sản kiểu “kỳ cục”
Thời gian gần đây, có nhiều đoàn thương lái kể cả người Việt Nam và người nước ngoài liên tục tìm đến vùng chuyên canh khoai lang ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long hỏi mua lá khoai lang tươi với số lượng lớn và sẵn sàng trả giá cao để gom hàng. Hình thức thu mua “dị thường” này đã từng xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long với nhiều mặt hàng nông sản như khóm (dứa), lá điều khô, đỉa trâu, ốc bươu vàng… và để lại hậu quả khó lường cho người nông dân.
NDĐT- Thời gian gần đây, có nhiều đoàn thương lái kể cả người Việt Nam và người nước ngoài liên tục tìm đến vùng chuyên canh khoai lang ở huyện Bình Tân, tỉnh Vĩnh Long hỏi mua lá khoai lang tươi với số lượng lớn và sẵn sàng trả giá cao để gom hàng. Hình thức thu mua “dị thường” này đã từng xảy ra ở đồng bằng sông Cửu Long với nhiều mặt hàng nông sản như khóm (dứa), lá điều khô, đỉa trâu, ốc bươu vàng… và để lại hậu quả khó lường cho người nông dân.
20.000 đồng/kg lá khoai lang tươi
Theo ông Lê Văn Trung, Chủ nhiệm HTX Khoai lang Thạnh Lợi, huyện Bình Tân cho biết, kể từ sau Tết Nguyên đán đến nay liên tiếp rất nhiều đoàn thương lái đến đặt vấn đề mua lá khoai lang tươi số lượng lớn.
Ông Trung cho biết thêm, cái giá mà cánh thương lái đưa ra rất hấp dẫn: 20.000 đồng/kg lá khoai lang tươi. Tuy nhiên, số lượng thu mua đến hàng chục tấn và yêu cầu nông dân phải cắt lá khoai lang đang xanh tốt ở ruộng khoai mới chịu. Theo đó, thương lái sẽ chi hoa hồng cho HTX là 1.000 đồng/kg lá khoai lang.
“Họ còn hứa sẽ đưa trước 20 triệu đồng cho HTX để bỏ cọc nông dân. Nhưng khi chúng tôi đề cập đến việc mua bán phải có hợp đồng pháp lý vì số lượng đặt hàng khá lớn thì họ bảo không cần thiết. Chúng tôi hỏi mục đích mua lá khoai lang để làm gì thì họ chỉ ậm ờ cho qua, chứ không nói rõ” – ông Trung nói.
Theo ông Trung thì mỗi đoàn thương lái khoảng bốn người. Có đoàn có hai người Việt và hai người Trung Quốc. Có đoàn thì toàn người Trung Quốc, có người theo phiên dịch.
“Chúng tôi yêu cầu đợi tới khi khoai lang thu hoạch thì nông dân sẵn sàng bán lá, thậm chí bán giá rẻ nhưng họ không đồng ý. Họ yêu cầu lá khoai tươi non. Có đoàn thì nói là mua lá khoai lang tươi về chế biến thức thủy sản. Cò đoàn thì nói là xuất khẩu lá khoai tươi làm thực phẩm. Đây là kiểu thu mua rất “dị thường”, không chắc chắn nên chúng tôi không chấp nhận” – ông Trung cho biết thêm.
Được biết, không riêng HTX Thạnh Lợi, các đoàn thương lái nước ngoài còn tìm đến nhiều HTX khác đặt vấn đề tương tự. Sau khi bị HTX từ chối, cánh thương lái này yêu cầu HTX giới thiệu cho họ hợp đồng trực tiếp với nông dân. Tuy nhiên, tất cả yêu cầu của họ đều không được đáp ứng.
Những bài học… đắt giá
Nói về việc thương lái nước ngoài tìm mua lá khoai lang tươi hết sức dị thường, ông Võ Văn Theo, Trưởng Phòng NT&PTNT huyện Bình Tân nhận định, kiểu thu mua nông sản kỳ cục này không mới ở đồng bằng sông Cửu Long; mà ở đây “tác giả” trực tiếp hay gián tiếp là người Trung Quốc.
Về chuyên môn, ông Theo khuyến cáo: “Khoai lang là loài sống bằng dây. Từ dây phát triển ra lá. Lá khoai lang có vai trò vô cùng quan trọng là hấp thụ chất dinh dưỡng để nuôi dây và tạo củ. Nếu cắt lá khoai tươi, dây khoai đó nhiều khả năng bị giảm năng suất, thậm chí là không thể ra củ”.
Nhắc lại những bài học “nhãn tiền” còn nóng hổi mang tính thời sự về khoai lang trên địa bàn, Phó Giám đốc Sở NN và PTNT tỉnh Vĩnh Long Nguyễn Văn Liêm nhớ lại cách đây không lâu, người Trung Quốc đã đẩy giá khoai lang (củ) lên đến 1,2 triệu đồng/tạ, thậm chí khoai sùng, hư hỏng họ cũng mua, tạo nên những cơn sốt ảo. Và để “màn kịch” thêm phần hấp dẫn, nhiều người Trung Quốc còn đứng ra thuê đất của nông dân với giá cao ngất ngưỡng để trồng khoai lang. Từ đó, nhiều nông dân ồ ạt bỏ lúa hoặc các loại hoa màu khác chuyển sang trồng khoai lang. Chẳng bao lâu sau, những “nhà đạo diễn” tài ba này bỗng dưng… biến mất, khiến hàng nghìn nông dân trồng khoai lang điêu đứng.
“Giá khoai lang từ trên đỉnh rơi thẳng xuống vực sâu! Có thời điểm giá khoai lang chỉ còn 30.000 đồng/tạ, khoai đạt chỉ 10.000 – 15.000 đồng/tạ khiến nông thân không còn màng đến thu hoạch. Không ít tài sản, đất đai, nhà cửa của nông dân “đội nón” ra đi vì vướng cảnh nợ nần khi vay mượn tiền đầu tư thuê đất trồng khoai” – nông dân Ngô Văn Sum ở xã Thành Trung, huyện Bình Tân nhớ lại.
Không chỉ khoai lang, nhiều mặt hàng nông sản khác ở ĐBSCL cũng từng bị “làm giá” với kiểu thu mua “dị thường” của cùng “tác giả” trên. Nông dân trồng khóm ở huyện Châu Thành, tỉnh Tiền Giang được cánh thương lái nước ngoài đến tận ruộng “động viên” sử dụng thuốc kích thích tăng trọng do họ cung cấp để cho trái khóm to lớn hơn, tăng năng suất.
Rồi câu chuyện thu mua đỉa trâu với giá một triệu đồng/kg; hay như việc thu mua ốc bưu vàng với giá cao ngất, để rồi nhiều nông dân cứ bị “cuốn theo chiều gió” lao vào thu gom đỉa về trữ với hy vọng hốt bạc; kết cục chẳng có thương lái nào trở lại thu mua. Hậu quả là hàng chục kg đĩa không ai mua, phải thả ra môi trường tự nhiên gây ảnh hưởng không ít đến môi trường sống.
Ngoài ra, phải kể đến con ốc bươu vàng, loài vật ngoại lai có sức tàn phá môi trường thuộc hàng “top” cũng nằm trong danh sách những mặt hàng “hot” của nhóm thương lái nước ngoài. Giá ốc bươu vàng thịt được đẩy lên đến 16.000 đồng/kg. Nhiều người nổi lòng tham, lựa chọn ốc cỡ nhỏ thả xuống ao nhà để nuôi sinh sản nhưng rồi ốc bươu vàng lại lâm vào cảnh “ế hàng” không ai mua.
Bài học con ốc bươu vàng.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()