Lai Châu: Tiêu hủy 5.000 lít rượu không rõ nguồn gốc
Cơ quan chức năng đã thu hồi và tiêu hủy gần 5.000 lít rượu không rõ nguồn gốc ở 8 xã biên giới thuộc huyện Phong Thổ (tỉnh Lai Châu) - nơi xảy ra vụ ngộ độc thực phẩm khiến 8 người thiệt mạng.
Bác sĩ BVĐK tỉnh Lai Châu chăm sóc bệnh nhân nghi ngộ độc thực phẩm. Ảnh: Báo Lai Châu |
Lãnh đạo huyện Phong Thổ cho biết, tính đến cuối giờ chiều ngày 19/2, tại 5 xã biên giới của huyện là Ma Ly Chải, Vàng Ma Chải, Sì Lở Lầu, Mồ Sì San và Dào San đã có 126 người phải đến các cơ sở y tế để kiểm tra theo dõi do ngộ độc và có biểu hiện bị ngộ độc rượu, trong đó có 105 người liên quan đến vụ ngộ độc tại đám ma ở bản Tả Chải, xã Ma Ly Chải.
Cơ quan chức năng cũng đã thu hồi và tiêu hủy gần 5.000 lít rượu không rõ nguồn gốc ở 8 xã biên giới, trong đó người dân tự nộp và tiêu hủy gần 1.000 lít.
Ông Dương Đình Đức, Phó Chủ tịch UBND huyện Phong Thổ cho Báo SK&ĐS biết, đến nay, tình hình ngộ độc rượu trên địa bàn, đặc biệt là các nạn nhân liên quan đã được kiểm soát.
Trong những ngày qua, sở dĩ số nạn nhân của vụ ngộ độc rượu đột biến tăng là do các cơ quan chức năng đã làm tốt công tác tuyên truyền cũng như kiểm soát nguồn rượu, chính vì thế, nhiều người khi thấy có biểu hiện của ngộ độc đã đến các cơ sở y tế để kiểm tra, theo dõi.
Riêng ngày 18/2 đã có hơn 60 người sử dụng rượu có chung nguồn gốc mua tại xã Sì Lở Lầu sau khi khám sàng lọc tại y tế cơ sở đã về Bệnh viện đa khoa (BVĐK) tỉnh Lai Châu để kiểm tra.
Đến nay, tình hình sức khỏe của các bệnh nhân ngộ độc do uống rượu tại đám tang và uống rượu bên ngoài đám tang đang điều trị tại BVĐK tỉnh Lai Châu cơ bản ổn định: Sau 6 ngày xảy ra vụ ngộ độc, ngoài 3 trường hợp vào cấp cứu trong ngày 17 và 18/2 chưa ổn định, còn lại sức khỏe của các nạn nhân đã tốt lên rất nhiều. Các bệnh nhân vào viện từ những ngày đầu đã được chuyển sang khoa mắt và một số khoa phục hồi chức năng khác để tiếp tục điều trị các bệnh lý do di chứng.
Tại Trung tâm Y tế huyện Phong Thổ, 46 bệnh nhân ngộ độc ở thể nhẹ cũng đã hồi phục nhanh chóng và đến 16h ngày 19/2 đã có 10 bệnh nhân ra viện.
Chính quyền địa phương cũng đang chỉ đạo các cơ sở y tế từ tỉnh đến xã tiếp tục tập trung và ưu tiên đặc biệt cho công tác thu dung, cứu chữa các nạn nhân vụ ngộ độc thực phẩm trong và ngoài đám tang, hạn chế tối đa tình trạng tử vong.
Công tác khắc phục và các biện pháp phòng ngừa vụ ngộ độc thực phẩm vẫn tiếp tục được địa phương duy trì triển khai.
70 người bị ngộ độc thực phẩm tại Hà Giang đã xuất viện
Bà Nguyễn Thị Hạnh, Giám đốc BVĐK Hoàng Su Phì (tỉnh Hà Giang) cho biết, sau khi được xử lý, điều trị tích cực theo phác đồ chống độc, đến ngày 19/2, đã có 70 trong số 96 người bị ngộ độc thực phẩm khi đi ăn cỗ cưới tại gia đình ông Hoàng Văn Kim (thôn 3, xã Ðản Ván, huyện Hoàng Su Phì bình phục hoàn toàn, được ra viện.
Số còn lại đang được điều trị tại BVĐK Hoàng Su Phì và được theo dõi tại Trạm Y tế xã Ðản Ván. Người bệnh đang được điều trị, theo dõi đều đã ổn định, tỉnh táo, tiếp xúc tốt, sức khỏe hồi phục, các triệu chứng lâm sàng giảm dần.
UBND tỉnh Hà Giang đã chỉ đạo các cơ quan chức năng khẩn trương làm rõ nguyên nhân vụ ngộ độc và tập trung tuyên truyền, giáo dục về an toàn thực phẩm, phòng, chống ngộ độc thực phẩm đối với bữa ăn đông người, tiệc cưới, đám giỗ… cho người dân.
Theo baochinhphu.vn
Ý kiến ()