Lai Châu: Tăng cường tuyên truyền phòng chống dịch cúm gia cầm vùng đồng bào dân tộc thiểu số
Ngày 3/3, tại Hội nghị triển khai kế hoạch hành động ứng phó khẩn cấp với các chủng vi rút cúm gia cầm nguy hiểm có khả năng lây sang người, ông Lê Trọng Quảng, Phó Chủ tịch UBND tỉnh, Trưởng Ban Chỉ đạo phòng, chống dịch động vật tỉnh Lai Châu yêu cầu các huyện, thành phố, các thành viên Ban Chỉ đạo triển khai đồng bộ các nội dung trong kế hoạch hành động.
Trong đó công tác thông tin, tuyên truyền phải đặt lên vị trí số 1, để các cấp, các cơ quan chức năng và đồng bào các dân tộc trên địa bàn nhận thức được nguy cơ dịch cúm này và thống nhất hành động. Lãnh đạo UBND tỉnh yêu cầu các cơ quan có thành phần trong trạm liên hợp thực hiện kiểm soát, xử lý nghiêm túc tại các chốt chặn Cửa khẩu Ma Lù Thàng, chốt Lai Hà, Mường Kim, Ngã Ba Bình Lư, chốt trên Quốc lộ 279. Sở Giao thông Vận tải cần sớm có văn bản chỉ đạo các cơ sở vận tải dừng, không vận tải gia súc, gia cầm… Về quản lý trong nội địa, Phó Chủ tịch UBND tỉnh Lai Châu đề nghị cơ quan quản lý thị trường, thú y phối hợp tăng cường kiểm soát các tụ điểm buôn bán gia cầm, sản phẩm gia cầm ở các chợ. Lực lượng quản lý thị trường phối hợp với các huyện thành lập các khu buôn bán sản phẩm gia cầm riêng và nhất quán một tuần dành ra một ngày không buôn bán, để tổ chức vệ sinh, tiêu độc, khử trùng. Sở Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn Lai Châu cần liên lạc ngay với Bộ Nông nghiệp để xin cấp thuốc tiêm phòng cho gia cầm. Đối với các huyện và thành phố Lai Châu có nhiệm vụ phối hợp với cơ quan chuyên môn đặc biệt hệ thống thú y, kiểm tra thường xuyên, phát hiện kịp thời. Khi xảy ra dịch, một mặt tổ chức ngay việc bao vây dập dịch nhanh chóng, thông tin công khai, báo cáo kịp thời về cơ quan cấp trên để phối hợp xử lý, không dấu thông tin, không che dịch bệnh… Theo báo cáo của Ban thường trực Ban Chỉ đạo Phòng chống dịch động vật tỉnh Lai Châu, tỉnh đã lấy 30 mẫu giám sát dịch cúm gia cầm tại huyện biên giới Phong Thổ và thành phố Lai Châu. Kết quả, các mẫu này đều âm tính với cúm gia cầm (cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9)… Song Ban thường trực nhận định, do điều kiện thời tiết bất lợi, làm giảm sức đề kháng của động vật, các hoạt động vận chuyển gia sức, gia cầm phục vụ cho chăn nuôi tái đàn sau tết và giết mổ gia cầm không được kiểm soát, người dân qua lại khu vực biên giới tăng cao. Nên công tác giám sát, phát hiện dịch gặp nhiều khó khăn dẫn đến nguy cơ cao lây truyền dịch cúm A/H5N1 và cúm A/H7N9 trong thời gian tới… Được biết, từ năm 2005 đến nay, trên địa bàn tỉnh Lai Châu chưa từng xuất hiện ổ dịch cúm gia cầm, cúm A/H5N1 hay cúm A/H7N9 trên gia cầm và ở người. Nhưng nguy cơ lây nhiễm là rất cao, do các tỉnh lân cận như Lào Cai, Yên Bái, Điện Biên và Sơn La đều đã xảy ra dịch cúm gia cầm trong những năm vừa qua. Mặt khác tỉnh Lai Châu có hơn 265km đường biên giới, có cửa khẩu Quốc gia Ma Lù Thàng, U Ma Tu Khoòng, có nhiều chợ đường biên và đường mòn, lối mở với Trung Quốc. Do đó công tác quản lý, kiểm tra giám sát các hoạt động kinh doanh, buôn bán vận chuyển trái phép động vật, sản phẩm động vật qua biên giới vô cùng khó khăn phức tạp, đặc biệt là vận chuyển gia cầm làm giống, tạo nguy cơ cao dịch cúm gia cầm, cúm A lây nhiễm từ biên giới Trung Quốc vào Lai Châu… |
Theo Dangcongsan.vn
Ý kiến ()