Lai Châu tận dụng lợi thế nông nghiệp và du lịch sinh thái
Khu du lịch sinh thái Ðồi Thông (xã Tả Lèng, huyện Tam Ðường, tỉnh Lai Châu) thu hút đông du khách.
Ðịa phương có sản phẩm thế mạnh gì, phát huy sản phẩm đó, Nhà nước hỗ trợ để phát triển thành sản phẩm OCOP… Theo UBND tỉnh, với những tiềm năng, lợi thế trong nông nghiệp, nhất là điều kiện thổ nhưỡng, khí hậu thuận lợi, là điều kiện phát triển các loài cây có giá trị kinh tế cao như gạo, chè và chè cổ thụ, cây ăn quả, hoa và dược liệu… Tỉnh Lai Châu phối hợp một số bộ, ngành T.Ư xây dựng các tiêu chí, tập huấn, góp phần giúp tỉnh tạo ra những sản phẩm nông nghiệp hàng hóa, đáp ứng thị trường trong nước và xuất khẩu; cử chuyên gia hỗ trợ, đánh giá giúp địa phương quy hoạch vùng trồng và định hướng phát triển; kêu gọi các doanh nghiệp làm nông nghiệp đầu tư vào tỉnh, nhất là xây dựng chợ khu vực cửa khẩu khi cặp cửa khẩu Ma Lù Thàng – Kim Thủy Hà được nâng cấp thành cặp cửa khẩu quốc tế.
Tính đến hết năm 2019, toàn tỉnh Lai Châu có 35 xã đạt chuẩn nông thôn mới, chiếm 37,2%, bình quân tiêu chí nông thôn mới toàn tỉnh đạt 14,8 tiêu chí/xã. Về Chương trình quốc gia mỗi xã một sản phẩm – OCOP, tỉnh Lai Châu đã tập trung tuyên truyền, tập huấn nâng cao năng lực cho cán bộ làm công tác xây dựng nông thôn mới, hướng dẫn doanh nghiệp, hợp tác xã. Toàn tỉnh có một sản phẩm đạt 3 sao theo bộ tiêu chí OCOP của Trung ương, hai sản phẩm được công nhận Thương hiệu Vàng nông nghiệp Việt Nam.
★ Tính đến nay, tại các huyện An Biên, An Minh, Giang Thành, Phú Quốc, U Minh Thượng, Châu Thành, Hòn Ðất, Kiên Lương, Kiên Hải và Gò Quao của tỉnh Kiên Giang, gần 20.500 hộ có khả năng không có nước sinh hoạt, thiếu nước sinh hoạt trong mùa khô năm 2019 – 2020. Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Kiên Giang đã chủ động xây dựng các giải pháp trước mắt và những năm tiếp theo, để ổn định nguồn nước sinh hoạt cho người dân trong mùa khô.
Theo đó, trong trường hợp khẩn cấp, đối với một số khu vực không có công trình cấp nước tập trung (trạm cấp nước), Trung tâm sẽ phối hợp các địa phương lập một số điểm cấp nước ở các vị trí thuận tiện giao thông thủy và bộ, để người dân có thể chở nước về sử dụng; phối hợp chặt chẽ Công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên Cấp nước Kiên Giang và các doanh nghiệp khai thác nước hỗ trợ nguồn bổ sung khi cần thiết. Ðồng thời, huy động lực lượng bộ đội, biên phòng, các nhà tài trợ, sử dụng phương tiện vận chuyển nước ở đất liền ra các xã đảo, kéo đường ống từ các trạm cấp nước tập trung tại các xã lân cận không bị thiếu nước đến các điểm tập trung (trụ sở xã, trạm y tế, bến đò) cho người dân đến lấy nước…
Hiện Trung tâm Nước sạch và Vệ sinh môi trường nông thôn Kiên Giang tập trung đầu tư, đẩy nhanh tiến độ các công trình cấp thoát nước đang triển khai. Trung tâm đầu tư mới trạm cấp nước; nâng cấp, mở rộng trạm cấp nước; lắp bồn trữ nước; mở rộng tuyến ống tại các xã có điều kiện phù hợp. Trong những năm tới đây, trung tâm đầu tư xây dựng hồ trữ nước cho các trạm đang sử dụng nguồn nước mặt để xử lý nước cấp cho người dân ở các khu vực không sử dụng được nước ngầm như huyện Tân Hiệp, Gò Quao, Hòn Ðất…; lắp đặt các bồn thép dung tích 2.000 m3 trữ nước mưa, dẫn nước từ các suối về để giải quyết tình hình cấp bách cho vùng sâu, vùng xa, khu vực chưa có trạm hoặc chưa có tuyến ống đi qua các xã đảo đông dân cư như Hòn Tre, Lại Sơn, An Sơn (huyện Kiên Hải).
Trong năm 2020, Trung tâm dự kiến làm thí điểm mô hình lọc nước gia đình tại một số địa phương hoàn thành chương trình xây dựng nông thôn mới, mở các lớp tập huấn về cách thức làm mô hình cho người dân.
Ý kiến ()