Lá cờ ngày ấy
LSO-Ngày mồng 9/3/1945, Nhật đảo chính hất cẳng Pháp, đưa Trần Trọng Kim lên làm “Chính phủ bù nhìn”. Tình hình chính trị, kinh tế - xã hội của đất nước ta cực kỳ khó khăn, các đảng phái chính trị hoạt động công khai gây rối ren mất ổn định xã hội, dân chúng đói khổ lầm than.
Bia chiến tích tại đồn Bình Gia năm xưa – Ảnh: VŨ MINH HỒNG |
Những ngày đầu năm 1945 thế kỷ trước, dưới sự lãnh đạo sáng suốt của Đảng Cộng sản Việt Nam, khí thế cách mạng dâng cao, phong trào quần chúng nổi dậy, khởi nghĩa vũ trang ở Bắc Sơn lan rộng sang Bình Gia. Ngoài một số cán bộ nòng cốt và quần chúng trung kiên của Đảng bí mật hoạt động cách mạng của huyện Bình Gia thì một số thanh niên khi học xong Cuos supe’ricur (Cao đẳng tiểu học thời thuộc Pháp) sớm được tuyên truyền giác ngộ đi tham gia hoạt động cách mạng. Trong số đó có anh Lâm Văn Vững (tức Lâm Trọng Thư người ở xã Minh Khai, sau cách mạng 19/8/1945 thành công là Phó Chủ tịch UBND tỉnh, đại biểu Quốc hội khóa đầu tiên của tỉnh cùng ông Lương Như Ý người Tràng Định). Có anh Hoàng Văn Ro người ở làng Bình Gia, nay là làng Ngọc Quyến, xã Tô Hiệu, huyện Bình Gia và anh cả tôi là Nguyễn Văn Hưng ở thị trấn Bình Gia, sau có thêm anh Cao Sỹ Lịch.
Do khí thế cách mạng và phong trào quần chúng nổi dậy sôi sục, khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền nên các quan Tây cùng lính khố xanh đóng ở trên đồn và lính cơ ở nha tri châu Bình Gia đều bỏ chạy hết (Nha là nơi làm việc của Tri Châu, ông Lục sự và thừa phán của Chính quyền thuộc địa thực dân Pháp).
Gia đình công chức duy nhất lúc bấy giờ còn ở lại Bình Gia là bố tôi: ông Nguyễn Văn Cơ – y tá trưởng bậc nhất (infirmier chef) tốt nghiệp ở trường y Đông Dương, sau được phong thêm một bậc làm thành y tá ngoại ngạch, vượt cấp (infirmicr hors classe) vẫn ở lại nhà thương Bình Gia làm việc bình thường.
Sở dĩ gia đình tôi ở lại là vì anh cả tôi là Nguyễn Văn Hưng đã có mặt tham gia khởi nghĩa vũ trang giành chính quyền ở phố Đàng Lang, Bắc Sơn hai ngay trước. Anh từ Bắc Sơn về nói với bố tôi là: Pháp sẽ thua, ta sẽ được độc lập, nhà thương Bình Gia có 2 lá cờ mọi khi vẫn treo là lá cờ của Pháp ba mầu xanh, trắng, đỏ và lá cờ hồng thập tự, lá cờ nay vẫn để nguyên, còn lá cờ của Pháp bố đưa con tháo ra lấy miếng vải mầu trắng nhuộm ký ninh vàng (thuốc chữa sốt rét) xong cắt thành ngôi sao vàng năm cánh rồi bảo mẹ tôi khâu lên miếng vải đỏ thành cờ đỏ sao vàng. Vì nhuộm vội và là mầu của thuốc ký ninh nên ngôi sao vừa vàng vừa nhờ nhờ trắng.
Lá cờ tuy không to nhưng anh tôi nói: Đây là cờ của đất nước, cờ của cách mạng, tượng trưng cho máu đỏ da vàng của dân tộc Việt Nam. Lúc bấy giờ tôi còn nhỏ đang học lớp đồng đau. Tôi là con út được cả nhà chiều chuộng nên tò mò đứng xem mẹ tôi khâu cờ vào buổi tối vì ban ngày nhà tôi lúc nào cũng đông khách. Mẹ tôi luôn miệng nhắc không được nói ra cho ai biết đấy nhé, sau này tôi mới hiểu ra là vì phải giữ bí mật với bọn mật thám nên không dám ra chợ mua vải đỏ, vải vàng để may cờ.
Sau khi đội quân cách mạng khởi nghĩa vũ trang mít tinh giành chính quyền ở phố Đàng Lang, Châu Bắc Sơn xong, dân chúng Bình Gia được thông báo là cách mạng sẽ sang Bình Gia, mọi người vui mừng háo hức chờ đón cách mạng sẽ làm đổi đời.
Thế rồi sáng ngày 19/4/1945 ấy nhân dân các dân tộc Bình Gia mọi người già, trẻ, trai, gái được thông báo nô nức gọi nhau ra tề tựu rất đông vui dưới cây trám trước cổng nha Châu Bình Gia và hai bên đường đoạn dốc từ trường tiểu học đi lên chào đón đoàn quân Cách mạng từ Bắc Sơn sang. Khi đoàn quân cách mạng khởi nghĩa vũ trang đến nơi mọi người chạy rất nhanh xông thẳng vào trong nha không một tiếng súng nổ, không một ai chống cự, chỉ có tiếng reo hò ủng hộ cách mạng của quần chúng vang lên rung động phố huyện.
Một cuộc mít tinh chớp nhoáng diễn ra dưới cây trám trước cổng nha rất đơn giản, người đại diện của đội quân khởi nghĩa đứng trên bàn diễn thuyết tuyên truyền cách mạng, tuyên bố xóa bỏ chế độ thực dân phong kiến, biểu dương tinh thần cách mạng của quần chúng nhân dân. Mọi việc diễn ra rất nhanh, tất cả đều nắm chặt tay trái rồi giơ cao hô to ủng hộ cách mạng. (Người đại diện đội quân cách mạng đứng trên bàn diễn thuyết lúc bấy giờ là ông Dương Quốc Vinh, sau này là đại tá Phó Chỉ huy trưởng, Phó Tư lệnh quân khu Việt Bắc).
Trên đỉnh cột cờ trong sân nha tri châu Bình Gia, lá cờ đỏ sao vàng anh tôi tháo từ lá cờ của Pháp đưa mẹ tôi không thành cờ của ta, anh tôi đưa anh Hoàng Văn Ro treo lên đang tung bay trước gió. Đây là lá cờ của đất nước ta được treo trên cột cờ của một trụ sở chính quyền thực dân đã đô hộ nước ta gần một thế kỷ trước khi nhân dân ta giành chính quyền chính thức ngày 19/8/1945 ở Châu Bình Gia.
Ngày ấy cách đây đã gần 70 năm, ngày ghi vào lịch sử vẻ vang của nhân dân các dân tộc ở Bình Gia. Trong 9 năm kháng chiến chống Pháp, Bình Gia là căn cứ địa cách mạng, là thủ đô kháng chiến của tỉnh với các địa danh nổi tiếng như: Kéo Coong, Nà Đồng, Bản Đao, Tân Văn… đã mang đậm dấu ấn của một thời chiến tranh oanh liệt. Trong kháng chiến chống Mỹ, Bình Gia là hậu phương của tiền tuyến lớn.
Dưới sự lãnh đạo sáng suốt, tài tình của Đảng và Chính phủ, nhân dân của nước ta đang vững bước đi lên xây dựng thành công CNXH, xây dựng một nước Việt Nam dân giàu nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh tiến bộ. Đất nước đang đổi mới, hội nhập sánh vai cùng các cường quốc năm châu. Bình Gia đã và đang đổi thay khác xưa nhiều lắm. Thị trấn, thị tứ ngày càng mở rộng, xây dựng khang trang, nông thôn cũng đang được xây dựng đổi mới, nhiều nơi đã xóa được đói, giảm hộ nghèo, đường ô tô đi vào các xã vùng sâu, vùng xa, trường học và trạm xá được xây dựng ở nhiều nơi, trình độ dân trí ngày một nâng cao. Nhiều người là tiến sĩ, kỹ sư, nghệ sĩ, nghệ nhân, sĩ quan cao cấp, anh hùng lực lượng vũ trang. Có người đã và đang là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng, là cán bộ cao cấp của các ban, ngành Trung ương và cơ quan các ban, ngành trong tỉnh.
Thời gian sẽ đi qua, nhưng những dấu ấn của lịch sử và những giá trị văn hóa, vật thể và phi vật thể sẽ vĩnh cửu trường tồn và in đậm trong trái tim khối óc của con người từ đời này sang đời khác.
Anh trai tôi Nguyễn Văn Hưng (tức Nhất Lang) người đã tham gia khởi nghĩa ở Đàng Lang, Bắc Sơn, ở Nha Chi châu Bình Gia ngày ấy với lá cờ đỏ sao vàng mẹ tôi khâu treo trong nhà ngày 19/4/1945 nay đã ngoài 90 tuổi, hiện đang cư trú tại Hà Nội. Anh là đại tá quân đội nhân dân Việt Nam, lão thành cách mạng do Thành ủy Hà Nội quản lý nay đã gần 70 tuổi Đảng, được Nhà nước tặng Huân chương Độc lập và nhiều huân, huy chương khác. Anh đã tham gia đánh Nhật ở Đèo Tam Canh, Bình Gia, chiến đấu ở Thanh Hóa, Thượng Lão, phụ trách cảng nổi ở Lạng Sơn vào Trường Sơn, tham gia chiến dịch giải phóng Căm Pu Chia năm 1979, nay tuy tuổi đã cao, sức khỏe giảm sút nhưng vẫn còn minh mẫn. Tôi học xong trung học Việt Bắc sơ tán ở Pác Mỏ – Bắc Sơn được ông Hà Tân Cương lúc bấy giờ là Tỉnh ủy viên, Chủ tịch Ủy ban kháng chiến hành chính Bình Gia ký quyết định bổ nhiệm làm văn phòng ủy ban huyện phụ trách khối văn xã kiêm lao động thương binh xã hội, cơ yếu viên mật mã. Tháng 8/1961, tôi chuyển về Sở Văn hóa khu tự trị Việt Bắc, đến năm 1976 giải thể khu tôi chuyển về Lạng Sơn theo yêu cầu của UBND tỉnh do ông Lưu Bá Thịnh, Phó Chủ tịch, UBND tỉnh ký. Sau 44 năm công tác, tôi nghỉ hưu sống ở thành phố Lạng Sơn. Thỉnh thoảng anh em tôi gặp nhau, anh lại hỏi thăm về Lạng Sơn, về bạn bè xưa ở Bình Gia, rồi những kỷ niệm ngày 19/4/1945 lại ùa về làm anh xúc động. Tất cả như đã đằm sâu vào nỗi nhớ.
NGUYỄN QUANG
Ý kiến ()