“Lá chắn” bảo vệ hạnh phúc gia đình
LSO- Để nâng cao kiến thức, kỹ năng xử lý tình huống liên quan đến tội phạm mua bán người (MBN) cho cộng đồng, đặc biệt là phụ nữ và trẻ em, thời gian qua, các cấp hội liên hiệp phụ nữ (LHPN) tỉnh đã phối hợp tổ chức nhiều cuộc tuyên truyền pháp luật nhằm tạo “lá chắn” bảo vệ hạnh phúc các gia đình, đảm bảo an ninh trật tự trên địa bàn.
Hội viên phụ nữ xã Gia Cát, huyện Cao Lộc nghe tuyên truyền pháp luật
Theo tìm hiểu, tình hình hoạt động của tội phạm MBN trên địa bàn thời gian qua có nhiều diễn biến phức tạp, với phương thức, thủ đoạn ngày càng tinh vi, xảo quyệt. Nạn nhân có cả người trong tỉnh và ngoài tỉnh, chủ yếu là phụ nữ và trẻ em. Đối với số nạn nhân trong tỉnh, đa phần họ không có việc làm ổn định, đời sống gặp nhiều khó khăn; mặt khác, nhận thức về xã hội, pháp luật hạn chế khiến đối tượng lợi dụng, móc nối lừa bán qua biên giới. Đơn cử, hồi tháng 3/2017, khi bị bắt, đối tượng Nguyễn Thị Khuê, sinh năm 1973, trú tại xã Minh Đức, huyện Việt Yên, tỉnh Bắc Giang khai nhận: khoảng tháng 12/2014, bằng thủ đoạn hứa hẹn đưa đi lao động ở nước ngoài với mức lương cao, Khuê đã móc nối và lừa bán trót lọt một phụ nữ sang Trung Quốc.
Rất nhiều nạn nhân bị lừa bán cuộc sống bị đày đọa, khổ cực, nhiều người bị bán vào động mại dâm, ảnh hưởng nặng nề tới sức khỏe, tinh thần. Một số người khi có cơ hội được trở về luôn bị ám ảnh, sống trong mặc cảm. Chính vì vậy, công tác tuyên truyền nâng cao nhận thức pháp luật, ý thức cảnh giác, phòng chống tội phạm MBN cho cộng đồng và hội viên được các cấp hội phụ nữ chú trọng. Bà Trần Thị Sơn Thùy, Phó Chủ tịch Thường trực Hội LHPN tỉnh cho biết: Với phương châm “phòng ngừa là chính”, Hội LHPN tỉnh đã tập trung đẩy mạnh các hoạt động truyền thông hướng về cơ sở. Hằng năm, hội xây dựng kế hoạch, biên soạn tài liệu, hình ảnh tuyên truyền phù hợp với địa bàn, đối tượng ở cơ sở. Đồng thời, chỉ đạo các cấp hội phối hợp với ngành chức năng tổ chức tập huấn nâng cao kiến thức, kỹ năng phục vụ tuyên truyền.
Từ năm 2016 đến nay, các cấp hội đã tổ chức được 63 lớp tập huấn; tổ chức được trên 5.600 cuộc tuyên truyền, thu hút trên 248.000 lượt người tham dự. Hình thức tuyên truyền phong phú, đa dạng, thông qua các chiến dịch truyền thông tại cộng đồng, sinh hoạt chuyên đề, hội thi sân khấu hóa… Nội dung đi vào những vấn đề cụ thể như: thủ đoạn dụ dỗ của tội phạm MBN, di cư lao động an toàn, một số điều cơ bản của Luật Phòng, chống mua bán người; Luật cư trú. Ngoài ra, các cấp hội còn phối hợp cấp phát gần 3.400 tờ rơi có nội dung liên quan. Qua đó góp phần nâng cao nhận thức, ý thức phòng chống tội phạm trong quần chúng nhân dân, góp phần phát hiện, tố giác nhiều vụ MBN, giúp lực lượng chức năng giải cứu những nạn nhân và bắt giữ các đối tượng phạm tội. Nhiều chị em đã biết cách tự bảo vệ cũng như đề cao cảnh giác cho bản thân và các thành viên trong gia đình.
Chị Vi Thị Choi, thôn Khòn Sè, xã Sàn Viên, huyện Lộc Bình cho biết: Qua tuyên truyền, tôi tiếp thu được nhiều kiến thức, đặc biệt là nhận biết được các thủ đoạn của các đối tượng MBN. Tôi cũng truyền đạt lại và thường xuyên nhắc nhở con gái mình biết cách tránh xa cạm bẫy của tội phạm để không trở thành nạn nhân của chúng.
Có thể nói, sự vào cuộc tuyên truyền của Hội LHPN nói riêng, các tổ chức đoàn thể khác nói chung đã góp phần không nhỏ vào việc phòng ngừa, đấu tranh với tội phạm MBN. Tuy nhiên, trước những diễn biến, thủ đoạn tinh vi, phức tạp của loại tội phạm này, đòi hỏi sự chung tay, vào cuộc trách nhiệm hơn nữa của các cấp, ngành và toàn xã hội nhằm đẩy lùi tội phạm MBN.
Theo thống kê, giai đoạn 2016 – 2018, lực lượng chức năng và các ngành liên quan trên địa bàn đã tiếp nhận, giải cứu, hỗ trợ 59 nạn nhân bị mua bán trở về, tăng 16 nạn nhân so với giai đoạn 2014 – 2016. |
Ý kiến ()