Kỳ vọng từ hội nghị quan trọng của Đảng Cộng sản Trung Quốc
Từ ngày 15 đến 18-7, tại Bắc Kinh diễn ra Hội nghị toàn thể lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX. Sự kiện quan trọng này đang thu hút sự chú ý của dư luận quốc tế.
Tại phiên họp toàn thể trong ngày đầu tiên của hội nghị, Tổng Bí thư Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Tập Cận Bình thay mặt Bộ Chính trị, Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc trình bày báo cáo công tác; giải trình, làm rõ về bản Dự thảo “Quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc về đi sâu hơn nữa cải cách toàn diện và thúc đẩy hiện đại hóa kiểu Trung Quốc”.
Global Times nhận định, trong bối cảnh thế giới có những biến động chưa từng thấy trong một thế kỷ, quá trình hiện đại hóa Trung Quốc cũng phải đối mặt với những tình huống và vấn đề mới. Hội nghị toàn thể lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc có ý nghĩa quan trọng, bởi không chỉ đánh giá một giai đoạn lịch sử trong quá trình cải cách và mở cửa của Trung Quốc, mà còn thể hiện quyết tâm của Bắc Kinh trong việc vượt qua khó khăn bằng sức mạnh nội lực lớn hơn và các chính sách cụ thể hơn. Theo tờ báo, có thể thấy rằng xã hội Trung Quốc có niềm tin vững chắc vào cải cách và mở cửa. Thể chế chính trị ổn định, vững mạnh bảo đảm cho việc giải phóng tư duy xã hội, phát triển năng suất lao động, thúc đẩy chính nghĩa và công bằng xã hội, nâng cao phúc lợi của người dân.
Có nhiều kỳ vọng rằng thông qua một loạt biện pháp cải cách và chỉ đạo chính sách được đưa ra trong hội nghị, Trung Quốc sẽ đạt được những thành tựu mới trong xây dựng kinh tế, xã hội, pháp luật, từ đó cải thiện hơn nữa mức sống của người dân và sớm đạt được mục tiêu thịnh vượng chung.
Trong bài trả lời phỏng vấn Global Times, nhà nghiên cứu cao cấp John Ross tại Viện Nghiên cứu tài chính Trùng Dương thuộc Đại học Nhân dân Trung Quốc đánh giá, xét ở góc độ quốc gia, Trung Quốc đã đạt được mục tiêu thế kỷ đầu tiên vào năm 2021: Xây dựng một xã hội khá giả toàn diện theo tiêu chuẩn quốc gia. Nếu Trung Quốc đạt mục tiêu tăng gấp đôi thu nhập bình quân đầu người vào năm 2035 so với năm 2020, thì nước này sẽ vượt xa ngưỡng của một nền kinh tế thu nhập cao theo tiêu chuẩn quốc tế. Mức sống, cơ hội, nhu cầu và kỳ vọng của người dân Trung Quốc sẽ tăng lên đáng kể. Kinh tế Trung Quốc sẽ trở nên đa dạng và phát triển ở mức độ cao. Đạt được sự chuyển đổi như vậy ở một quốc gia có 1,4 tỷ người-cao hơn tổng dân số của các nền kinh tế phát triển khác-sẽ là một thành tựu chưa từng có trong lịch sử loài người. Từ góc độ này cho thấy ý nghĩa đặc biệt quan trọng của hội nghị năm nay.
Cũng theo nhà nghiên cứu John Ross, sự chuyển mình đáng kinh ngạc của Trung Quốc từ một trong những quốc gia nghèo nhất thế giới vào năm 1949 trở thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới chỉ trong vòng hơn 70 năm hoàn toàn là nhờ vai trò chủ chốt và sự lãnh đạo có tầm nhìn xa của Đảng Cộng sản Trung Quốc. “Không một đảng phái chính trị nào khác trên thế giới có thể tuyên bố một thành tựu tương đương. Đây là một sự thật khách quan”, ông John Ross nhận định.
Theo số liệu do Tổng cục Thống kê Trung Quốc công bố ngày 15-7, GDP của Trung Quốc tăng 5% lên 61,68 nghìn tỷ nhân dân tệ (8,49 nghìn tỷ USD) trong nửa đầu năm 2024. Con số này cho thấy nền kinh tế lớn thứ hai thế giới đã duy trì đà phục hồi sau đại dịch, nhờ nhu cầu ở nước ngoài liên tục cải thiện, tiêu dùng trong nước tăng và chính sách hỗ trợ của chính phủ được tăng cường, cho dù vẫn còn những bất ổn phải đối mặt. Giới phân tích nhận định, Trung Quốc đang đi đúng hướng để đạt được mục tiêu tăng trưởng kinh tế hằng năm khoảng 5% vào năm 2024. Trong bối cảnh đó, Hội nghị toàn thể lần thứ ba của Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc khóa XX được kỳ vọng sẽ tạo động lực mới cho sự phát triển kinh tế trong nửa cuối năm 2024 và quyết liệt dẫn dắt Trung Quốc vượt qua những thách thức, trở ngại, tiến tới hiện đại hóa đất nước.
Ý kiến ()