Kỳ vọng từ “cú huých kinh tế”
Ra mắt chiến lược “Bidenomics”, Tổng thống Joe Biden muốn cử tri Mỹ thấy rõ hơn những nỗ lực và thành tựu kinh tế mà chính phủ đạt được trong hai năm qua. Nhà trắng kỳ vọng, chiến lược phát triển kinh tế sẽ tạo “cú huých” mạnh mẽ cho ông Biden trong nỗ lực tái tranh cử Tổng thống Mỹ vào năm 2024.
Tổng thống Mỹ Joe Biden phát biểu tại một sự kiện ở Nhà Trắng hôm 26/6. Ảnh: REUTERS |
Truyền thông Mỹ đồng loạt đưa tin, đội ngũ vận động tranh cử của ông Biden bắt đầu quảng bá mạnh mẽ chiến lược kinh tế “Bidenomics”, được đặt theo tên của Tổng thống đương nhiệm, nhằm nêu bật những biến chuyển tích cực mà nền kinh tế Mỹ có được nhờ các chính sách mà chính phủ nỗ lực thúc đẩy trong thời gian qua.
Tổng thống Biden và các trợ lý hàng đầu của mình tự tin rằng, nền kinh tế Mỹ phục hồi mạnh mẽ và sẽ không rơi vào suy thoái, khi các dữ liệu cho thấy lạm phát dần hạ nhiệt, hàng triệu việc làm mới được tạo ra.
Thuật ngữ “Bidenomics” trước đó đã xuất hiện trong một bài bình luận của tờ Wall Street Journal hồi đầu tháng 6 này, trong đó Tổng thống Biden lập luận rằng kế hoạch kinh tế của ông hoạt động nhờ tạo ra việc làm và lạm phát giảm.
Tổng thống Biden cũng đã hé lộ về chiến lược kinh tế này tại cuộc gặp với một số nhóm công đoàn lớn ở Philadelphia. Lãnh đạo Nhà trắng khi đó nhấn mạnh niềm tin nền kinh tế Mỹ sắp “cất cánh” và các khoản đầu tư dưới chính quyền của ông đến nay đã phát huy sức mạnh để thay đổi đất nước trong năm mươi năm tới.
Ngân hàng Goldman Sachs dự báo khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới chỉ ở mức 25%, giảm mạnh so với ước tính trước đó là 35%.
Các cố vấn hàng đầu của ông Biden sử dụng thuật ngữ “Bidenomics” để định hình lại những thành tựu kinh tế của Tổng thống, nhấn mạnh rằng những nỗ lực của chính phủ đã giúp đất nước phục hồi sau đại dịch nhanh hơn dự đoán của hầu hết các chuyên gia.
Ý tưởng ra mắt chiến lược “Bidenomics” được cho là xuất phát từ sự thất vọng của các trợ lý Tổng thống về nội dung mô tả nền kinh tế Mỹ trên các phương tiện truyền thông. Đội ngũ của ông Biden phàn nàn rằng, các phương tiện truyền thông liên tục phóng đại những rủi ro về suy thoái kinh tế và đánh giá thấp giá trị của toàn bộ những thành tựu lập pháp quan trọng của Tổng thống đương nhiệm.
Một số nhà phân tích từng nhận định, nỗ lực giảm lạm phát của chính quyền Tổng thống Biden sẽ gây ra tình trạng mất việc làm và suy thoái. Song kịch bản trên thực tế thuận lợi hơn nhiều, khi tỷ lệ lạm phát giảm dần trong năm qua và thị trường việc làm vẫn ổn định.
Trong tháng 5 vừa qua, thị trường lao động Mỹ ghi nhận thêm 339.000 việc làm, cho thấy nền kinh tế dường như sẵn sàng tiếp tục tăng trưởng, bất chấp những dấu hiệu lạm phát có thể tăng cao trở lại. Ngân hàng Goldman Sachs dự báo khả năng Mỹ rơi vào suy thoái trong 12 tháng tới chỉ ở mức 25%, giảm mạnh so với ước tính trước đó là 35%.
Theo kế hoạch, Tổng thống Biden chính thức giới thiệu chi tiết về “Bidenomics” trong bài phát biểu ở bang Chicago trong ngày 28/6 (giờ Mỹ). Các trợ lý của Nhà trắng trước đó đã hé lộ “Bidenomics” là tập hợp các chính sách nhằm vận dụng sức mạnh của chính phủ để vực dậy và định hình lại nền kinh tế.
Với “Bidenomics”, Nhà trắng sẽ kéo dài các chương trình chi tiêu khổng lồ của chính phủ để tái xây dựng năng lực sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu của Mỹ và tập trung hỗ trợ người dân ở tầng lớp trung lưu.
Với “Bidenomics”, Nhà trắng sẽ kéo dài các chương trình chi tiêu khổng lồ của chính phủ để tái xây dựng năng lực sản xuất, nâng cao khả năng cạnh tranh toàn cầu của Mỹ và tập trung hỗ trợ người dân ở tầng lớp trung lưu.
Hôm 26/6, Tổng thống Biden đã công bố khoản đầu tư 40 tỷ USD giúp người dân Mỹ tăng cường khả năng kết nối internet tốc độ cao với giá phải chăng. Nhà trắng cho biết, những khoản đầu tư như vậy là một phần quan trọng trong chương trình nghị sự “Bidenomics”. Phó Thư ký báo chí Nhà trắng Olivia Dalton (O.Đan-tơn) bình luận thêm rằng, Tổng thống Biden tin nền kinh tế Mỹ sẽ phát triển khi tầng lớp trung lưu phát triển.
Tuy nhiên, theo giới quan sát, Tổng thống Joe Biden có thể gặp rủi ro khi “đặt cược” tương lai chính trị vào triển vọng của nền kinh tế Mỹ. Chỉ số giá tiêu dùng (CPI) tại Mỹ trong tháng 5 vừa qua đã tăng 4% so với một năm trước đó, mức tăng cao hơn mục tiêu 2% của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (FED), cho thấy lạm phát vẫn là một thách thức hàng đầu với nền kinh tế Mỹ và cả chiến dịch vận động tranh cử của Tổng thống Joe Biden.
Ý kiến ()