Kỳ vọng từ chuyến công du
Tổng thống Mỹ Joe Biden vừa có chuyến công du kéo dài 5 ngày tới Hàn Quốc và Nhật Bản, đồng thời tham dự Hội nghị thượng đỉnh nhóm Bộ tứ (QUAD), gồm Mỹ, Nhật Bản, Ấn Độ và Australia, tại Tokyo.
Chuyến đi không chỉ tái khẳng định chiến lược của Mỹ đối với khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương mà còn phần nào giải đáp những băn khoăn về vai trò của nước Mỹ trong bối cảnh thế giới đang phải đối mặt với đầy rẫy biến động.
Tổng thống Biden đáp chuyến bay tới châu Á sau hơn một năm kể từ ngày ông nhậm chức vào tháng 1-2021 và đúng thời điểm xuất hiện thêm những lời than phiền rằng, trong khi nước Mỹ đang dần đánh mất vị thế của mình thì Trung Quốc không ngừng gia tăng sự ảnh hưởng tại khu vực. Bên cạnh đó, môi trường an ninh xung quanh hai quốc gia đồng minh của Mỹ tại đây là Nhật Bản và Hàn Quốc cũng bị ám mùi thuốc súng bởi chương trình vũ khí hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên. Chính vì vậy, dư luận cho rằng củng cố và tăng cường quan hệ đồng minh với Mỹ trong lĩnh vực an ninh là điều mà giới lãnh đạo hai quốc gia đồng minh quan trọng của Washington đang rất mong chờ.
Tổng thống Mỹ Joe Biden. Ảnh:TTXVN. |
Kết quả có lẽ đã đúng với kỳ vọng của các vị chủ nhà. Nếu như ở Seoul, ông Biden tái khẳng định cam kết của Mỹ đối với việc bảo vệ Hàn Quốc theo Hiệp ước Phòng thủ chung giữa hai nước, đồng thời tăng cường khả năng răn đe tại khu vực bằng cách sử dụng đầy đủ các khả năng phòng thủ hiện có, bao gồm cả năng lực phòng thủ hạt nhân, vũ khí thông thường và tên lửa thì tại Tokyo, người đứng đầu Nhà Trắng cũng cam kết bảo vệ đầy đủ Nhật Bản và hai bên nhất trí rằng cần nhanh chóng tăng cường sự ứng phó của liên minh song phương trước những thách thức nổi lên ở khu vực.
Cũng chẳng phải ngẫu nhiên mà ông Biden lựa chọn nhà máy sản xuất vi mạch của Tập đoàn Samsung Electronics ở TP Pyeongtaek là điểm đến đầu tiên của mình ngay sau khi chuyên cơ Không lực 1 hạ cánh tại Hàn Quốc. Đại dịch Covid-19, cuộc cạnh tranh chiến lược Mỹ-Trung ngày càng gay gắt cộng với tình hình chiến sự rối ren ở Ukraine đang tạo ra những vết chém sắc lẹm khiến chuỗi cung ứng toàn cầu bị đứt gãy nhiều đoạn, trong đó nền kinh tế Mỹ cũng bị ảnh hưởng nặng nề. Ai cũng biết chíp bán dẫn là nguyên liệu thiết yếu để sản xuất nhiều loại sản phẩm, chẳng hạn như điện thoại thông minh, xe hơi hay thiết bị y tế… Còn gì hoàn hảo hơn nếu nước Mỹ có thể giải quyết thách thức về chuỗi cung ứng toàn cầu bằng cách củng cố quan hệ kinh tế với các đồng minh, đồng thời giảm dần sự phụ thuộc vào các đối thủ. Bởi vậy, sự có mặt của ông Biden tại nhà máy của Samsung giúp người ta mường tượng ra những mối quan hệ liên minh-cộng sinh mang màu sắc đặc trưng giữa Mỹ với hai đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản trong tương lai gần. Ở đó, hợp tác không chỉ bó hẹp trong lĩnh vực an ninh mà sẽ được mở rộng sang lĩnh vực kinh tế và công nghệ.
Lẽ thường, hễ mỗi lần đặt chân tới châu Á, trong hành trang của các tổng thống Mỹ thường có một đề xuất hay sáng kiến nào đó và ông Biden cũng không phải ngoại lệ. Lần này, thông qua việc công bố Khuôn khổ kinh tế Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương vì thịnh vượng (IPEF), vị Tổng thống thứ 46 của nước Mỹ muốn vẽ ra một bức tranh hợp tác sáng sủa giữa Mỹ với các đối tác khu vực trên nhiều lĩnh vực nổi cộm hiện nay, từ tăng cường chuỗi cung ứng đến thiết lập các quy tắc cho nền kinh tế kỹ thuật số. Như mô tả trong thông cáo báo chí được phát đi từ Nhà Trắng ngày 23-5, IPEF sẽ củng cố mối quan hệ của Mỹ tại khu vực Ấn Độ Dương-Thái Bình Dương để xác định những đổi mới công nghệ và nền kinh tế toàn cầu trong nhiều thập kỷ tới và rằng, IPEF sẽ tạo ra một nền kinh tế mạnh mẽ hơn, công bằng hơn, linh hoạt hơn cho những gia đình, người lao động và doanh nghiệp ở Mỹ cũng như khu vực.
Trên thực tế, có ý kiến cho rằng, việc cựu Tổng thống Donald Trump rút Mỹ khỏi Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), nay là Hiệp định đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP) vào năm 2017 đã để lại khoảng trống về chiến lược hợp tác kinh tế giữa Mỹ và châu Á. Và chính quyền đương nhiệm do ông Biden lãnh đạo hy vọng việc khởi động một khuôn khổ kinh tế mới như IPEF sẽ bù đắp lại những cơ hội bị mất, đồng thời tạo ra bước ngoặt mới trong nỗ lực khôi phục vai trò lãnh đạo kinh tế của Mỹ ở khu vực. Cũng phải thừa nhận rằng, dù IPEF vẫn là “bản vẽ” chưa rõ nét cũng như chưa rõ liệu ông Biden có thể hoàn thành “thương vụ” này trong nhiệm kỳ của mình hay không, IPEF vẫn được đánh giá là cú hích đầy sức nặng cho chuyến công du vừa qua của ông Biden.
Khá bận rộn với những nỗ lực ngoại giao ở nơi cách xa nửa vòng trái đất, song có lẽ vị Tổng thống Mỹ không khỏi phân tâm bởi những sóng gió và rối ren ở quê nhà. Đó là cỗ xe kinh tế Mỹ đang ì ạch leo dốc với gánh nặng đại dịch và lạm phát cao nhất trong vòng 40 qua, tình trạng gián đoạn chuỗi cung ứng, cùng với đó là nỗi đau chưa nguôi từ vụ xả súng hàng loạt tại New York mà người ta cho rằng xuất phát từ động cơ phân biệt chủng tộc… Chính vì vậy, có mặt ở Hàn Quốc và Nhật Bản cũng là cách để Tổng thống Biden lái sự chú ý của dư luận trong nước sang những nỗ lực đối ngoại của ông ở nước ngoài, dù rằng khi trở lại, có thể ông sẽ phải đối mặt với những câu hỏi hóc búa hơn về những gì đang xảy ra ở xứ cờ hoa.
Chuyến công du lần này của Tổng thống Biden dường như cũng nhằm phát đi một thông điệp quan trọng. Đó là, ngay cả khi cuộc xung đột Nga-Ukraine vẫn đang hút tầm nhìn của giới lãnh đạo Nhà Trắng và thế giới thì Mỹ vẫn không xao lãng châu Á-nơi vốn được coi là sân khấu nêm kín khán giả để nước này phô diễn cơ bắp và gân cốt của một cường quốc. Trái lại, người Mỹ đang cố gắng chứng tỏ họ đủ sức xử lý những thách thức nổi lên ở cả hai lục địa Á-Âu, hay nói cách khác là đủ sức chia lửa cho nhiều mặt trận.
Qua chuyến đi của Tổng thống Biden, người ta đã nghe thấy tiếng nói của một nước Mỹ không cam tâm để tuột mất vị thế lãnh đạo ở khu vực cũng như toàn cầu, dẫu rằng tiếng nói ấy có thể chưa làm tất cả đồng minh của Washington thỏa lòng.
Ý kiến ()