Kỳ vọng thay đổi ở Sri Lanka
Đắc cử chức Tổng thống Sri Lanka sau khi giành chiến thắng cách biệt trong cuộc bầu cử mới diễn ra, chính trị gia Anura Kumara Dissanayake khẳng định sẽ đưa ra những quyết định tối ưu cho đất nước, xây dựng “nền văn hóa chính trị mới”.
Chính phủ mới của quốc gia Nam Á sẽ phải gánh vác những trách nhiệm nặng nề, trong đó có vực dậy nền kinh tế bất ổn nghiêm trọng và hàn gắn những chia rẽ chính trị.
Cuộc bầu cử tổng thống vừa qua ở Sri Lanka có ý nghĩa đặc biệt, thu hút sự chú ý của đông đảo dư luận. Đây là cuộc bầu cử đầu tiên kể từ khi nền kinh tế của quốc gia Nam Á sụp đổ vào năm 2022 do tình trạng thiếu hụt ngoại tệ nghiêm trọng, khiến nước này không thể chi trả cho việc nhập khẩu các mặt hàng thiết yếu như nhiên liệu, thuốc men.
Theo kết quả chính thức của Ủy ban Bầu cử Sri Lanka, ông Anura Kumara Dissanayake, lãnh đạo đảng Quyền lực Nhân dân Quốc gia (NPP), giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tổng thống với tỷ lệ ủng hộ là 42,31% số phiếu bầu.
Đây được coi là một bước ngoặt lớn trên chặng đường hoạt động chính trị của chính trị gia này, bởi ông Dissanayake từng chỉ giành được hơn 3% số phiếu bầu trong cuộc bầu cử tổng thống hồi năm 2019.
Trong cuộc đua tranh ghế tổng thống vừa qua, lãnh đạo phe đối lập Sajith Premadasa đạt số phiếu bầu cao thứ 2, với tỷ lệ ủng hộ là 32,76% số phiếu bầu. Tổng thống mãn nhiệm Ranil Wickremesinghe đứng thứ ba với 17,27% số phiếu ủng hộ.
Nhiệm vụ trước mắt của Chính phủ Sri Lanka do Tổng thống đắc cử dẫn dắt rất nặng nề và phức tạp, trong đó có việc đưa quốc gia Nam Á bước ra khỏi cuộc khủng hoảng kinh tế hiện nay. Theo Ngân hàng Thế giới (WB), nền kinh tế Sri Lanka năm 2023 suy giảm 3,8%, trong khi năm 2022 là năm kinh tế suy giảm mạnh nhất trong hơn 70 năm kể từ khi nước này giành độc lập.
Theo các chuyên gia, cuộc khủng hoảng kinh tế tồi tệ này một phần bắt nguồn từ hệ thống quản lý yếu kém cùng tác động của đại dịch Covid-19 dẫn đến sự sụt giảm mạnh của ngành du lịch, vốn là nguồn thu ngoại tệ quan trọng của Sri Lanka. Quốc gia Nam Á đang áp dụng biện pháp tăng thuế, thắt lưng buộc bụng để đáp ứng các điều kiện hưởng gói cứu trợ trị giá 2,9 tỷ USD của Quỹ Tiền tệ quốc tế (IMF), song lại khiến người dân phải chật vật kiếm sống.
Cuộc khủng hoảng kinh tế trầm trọng từng kéo theo nhiều vụ biểu tình quy mô lớn tại nước này, trong đó đỉnh điểm là những người biểu tình chiếm giữ các tòa nhà quan trọng ở thủ đô Colombo hồi năm 2022, buộc tổng thống khi đó là ông Gotabaya Rajapaksa phải từ chức.
Theo The Diplomat, sự bất mãn của người dân ngày càng gia tăng khi quá trình phục hồi kinh tế đình trệ, nhiều người vẫn vật lộn với thuế cao và các biện pháp thắt lưng buộc bụng. Sự ủng hộ của người dân đối với ông Dissanayake trong cuộc đua giành chức tổng thống đã phản ánh khát khao về một sự thay đổi tại đất nước đang lún sâu vào khủng hoảng.
Trong chiến dịch vận động tranh cử tổng thống, chính trị gia này cam kết đẩy lùi nạn tham nhũng trong bộ máy chính trị của đất nước, cắt giảm thuế để hỗ trợ người nghèo.
Thực tế cho thấy, tình trạng thiếu ổn định, chia rẽ về chính trị đã làm gián đoạn những nỗ lực cải cách, tập trung nguồn lực để thoát khỏi khủng hoảng của quốc gia Nam Á.
Bởi vậy, phát biểu sau khi tuyên thệ nhậm chức, tân Tổng thống Sri Lanka kêu gọi sự đoàn kết của nhân dân, cam kết nỗ lực khôi phục niềm tin của người dân vào hệ thống chính trị, nhấn mạnh sẽ xây dựng “nền văn hóa chính trị mới” và thiết lập mối quan hệ tốt đẹp với tất cả các nước. Tân Tổng thống bổ nhiệm bà Harini Amarasuriya, thành viên của NPP, làm Thủ tướng.
Trước những diễn biến mới tại Sri Lanka, IMF khẳng định sẵn sàng thảo luận về tương lai của kế hoạch cứu trợ, giúp quốc gia này phục hồi kinh tế dựa trên những thành quả đã khó khăn đạt được. Chuyên gia Athulasiri Samarakoon thuộc Đại học Mở Sri Lanka cho rằng, thách thức lớn nhất của các nhà lãnh đạo quốc gia Nam Á là khôi phục kinh tế, và sự hợp tác với IMF rất cần thiết cho hành trình vực dậy nền kinh tế đang ảm đạm này.
Ý kiến ()