Kỳ vọng phát triển văn học và văn hóa đọc
Ngày 11/4, Phó Thủ tướng Chính phủ Trần Hồng Hà chủ trì cuộc họp nghe báo cáo về đề nghị xây dựng nghị định về hoạt động văn học (Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch được giao làm cơ quan soạn thảo). Việc xây dựng, ban hành một nghị định về hoạt động văn học nhằm tạo lập một số chính sách khuyến khích, thúc đẩy văn học phát triển (như: cơ chế giao nhiệm vụ sáng tác, lý luận, phê bình; tổ chức trại sáng tác, cuộc thi, giải thưởng; giới thiệu, quảng bá; dịch; phổ biến, phát huy giá trị văn học Việt Nam...).
Mục tiêu là phải tạo được không gian thúc đẩy sáng tạo, phát triển văn học, tạo cảm hứng cho các tác giả, trên cơ sở bảo vệ nền tảng tư tưởng chính trị, giữ gìn giá trị văn hóa, thuần phong mỹ tục, gắn với sự phát triển của đất nước.
Theo cơ quan soạn thảo, nhiều năm qua, văn học Việt Nam đã phát triển toàn diện và mạnh mẽ, kế thừa và phát huy các giá trị truyền thống, bản sắc dân tộc; đồng thời, tiếp thu có chọn lọc tinh hoa văn hóa nhân loại, góp phần xây dựng nền tảng tinh thần của xã hội.
Hiện, văn học Việt Nam đã đạt được sự đa dạng về đội ngũ sáng tác, đề tài, phương thức sáng tác... Trong 10 năm gần đây, hoạt động giới thiệu, quảng bá văn học đã có những bước phát triển tích cực cả trong nước và ngoài nước; đáp ứng nguyện vọng tìm hiểu văn học, văn hóa Việt Nam của bạn bè quốc tế. Các tác phẩm văn học nước ngoài được dịch sang tiếng Việt ngày càng phong phú, giúp người đọc Việt Nam tiếp cận toàn diện hơn, sâu sắc hơn với văn học thế giới; đồng thời tạo điều kiện cho văn học Việt Nam hội nhập với quốc tế. Không gian mạng đã mang lại điều kiện thuận lợi cho công chúng dễ dàng tiếp cận, tăng cường quan hệ giao lưu giữa nhà văn, giới lý luận, phê bình và độc giả.
Tuy nhiên, công tác quản lý nhà nước về văn học còn bất cập, đặc biệt ở cơ sở. Nhận thức về vai trò của văn học ở nhiều cấp lãnh đạo, quản lý còn chưa đầy đủ dẫn tới hiệu quả đầu tư còn thấp. Hoạt động văn học đang được điều chỉnh bởi nhiều luật khác nhau (như: Luật Xuất bản, Luật Sở hữu trí tuệ, Luật Thư viện, Luật An ninh mạng...), nhưng còn không ít hoạt động văn học chưa được điều chỉnh bằng văn bản quy phạm pháp luật riêng. Chẳng hạn, chưa có quy định khung pháp lý trong: giao nhiệm vụ, tài trợ cho sáng tác văn học, dịch tác phẩm văn học, giới thiệu, quảng bá văn học, cuộc thi, trại sáng tác văn học, cơ chế trưng cầu chuyên gia trong thẩm định các vấn đề phát sinh trong đời sống văn học, cụ thể hóa những hành vi bị cấm trong lĩnh vực văn học...
Bên cạnh đó, chúng ta còn thiếu những tác phẩm có chiều sâu tư tưởng và nghệ thuật, có tầm vóc lớn phản ánh lịch sử và những vấn đề thời sự lớn của đất nước; hoạt động lý luận, phê bình văn học, tổ chức trại sáng tác, công tác quảng bá văn học, dịch văn học, phổ biến văn học trên không gian mạng… còn không ít bất cập.
Nghị định về hoạt động văn học phải thể chế hóa được đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về văn hóa, văn học-nghệ thuật, trên quan điểm xây dựng nền văn học tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, vì sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đồng thời, định hình hành lang pháp lý cho những vấn đề mới liên quan đến hoạt động văn học, phê bình văn học-nghệ thuật…
Do văn học là một lĩnh vực đặc biệt tinh tế của văn hóa, nên cách ứng xử, quản lý cũng phải đặc biệt tinh tế, khai phóng được sức sáng tạo của người cầm bút. Nghị định về hoạt động văn học phải thể chế hóa được đường lối, chủ trương của Đảng và Nhà nước về văn hóa, văn học-nghệ thuật, trên quan điểm xây dựng nền văn học tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc, vì sự phát triển toàn diện của con người Việt Nam đáp ứng yêu cầu phát triển bền vững đất nước; đồng thời, định hình hành lang pháp lý cho những vấn đề mới liên quan đến hoạt động văn học, phê bình văn học-nghệ thuật… Yêu cầu lớn nhất là phải làm rõ trách nhiệm, tổ chức quản lý nhà nước ở cấp Trung ương, địa phương trong hoạt động thúc đẩy lĩnh vực văn học; thúc đẩy văn hóa đọc phát triển; bên cạnh đó, cần đa dạng hóa các hình thức tôn vinh, quảng bá tác phẩm có giá trị, huy động sự tham gia của các hội văn học để xây dựng thể lệ, tiêu chí bắt nhịp được với thế giới, kết hợp bảo vệ bản quyền tác giả, bao gồm cả trên không gian mạng...
Cùng thời gian, Bộ Thông tin và Truyền thông đã công bố Kế hoạch tổ chức Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba - năm 2024, gồm nhiều hoạt động trực tiếp và trực tuyến, nhằm lan tỏa văn hóa đọc một cách rộng rãi trong cộng đồng. Chuỗi hoạt động của Ngày Sách và Văn hóa đọc Việt Nam lần thứ ba - năm 2024 diễn ra từ ngày 15/4 đến 1/5 với nhiều thông điệp sâu sắc.
Trong bối cảnh công nghệ số phát triển, ngành xuất bản phải đáp ứng những cách thức đọc khác nhau của độc giả hiện nay để tạo ra những sản phẩm phù hợp. Độc giả ở đâu thì xuất bản phải đến đó. Và đổi mới sáng tạo (từ cách làm sách, phát hành sách, các mô hình kinh doanh, hợp tác mới...), là chiều hướng chính yếu. Ngành xuất bản phải tìm cách chinh phục cả không gian truyền thống và không gian số, trong đó không gian cũ với sự trợ giúp của công nghệ sẽ được mở rộng, nâng cao chất lượng; còn không gian mới sẽ giúp mở rộng thị trường, kiến tạo các sản phẩm phù hợp thị hiếu đương đại và sự phát triển dài hạn. Hai không gian này liên kết, bổ trợ cho nhau, chứ không phải hoạt động độc lập. Một cuốn sách in có thể chỉ tiếp cận được vài chục nghìn người, nhưng sách với dạng thức phát hành trên các nền tảng số sẽ đến được với hàng triệu người đọc, vì thế giá trị của sách tăng lên và vươn xa hơn trước rất nhiều.
Hai sự kiện kể trên là tín hiệu tốt để kỳ vọng vào sự phát triển văn học và văn hóa đọc thời gian tới, khi có sự chung tay của các cấp, ngành, tổ chức xã hội và của mỗi người dân, từ đó góp phần nâng cao dân trí, bồi đắp văn hóa - nền tảng tinh thần của xã hội.
Ý kiến ()