Kỳ vọng Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu hồi sinh
Từ ngày 2 đến 14/12, tại Katowice (Ba Lan) sẽ diễn ra Hội nghị LHQ về biến đổi khí hậu lần thứ 24 (COP 24). Tại đây, đại diện của gần 200 quốc gia sẽ tiến hành hàng loạt các cuộc thảo luận nhằm tìm biện pháp hạn chế mức tăng nhiệt độ trên quy mô toàn cầu.
Đặc biệt, cộng đồng quốc tế đang kỳ vọng COP 24 có thể hồi sinh Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu sau khi Tổng thống Mỹ Donald Trump tuyên bố rút khỏi hiệp định này hồi tháng 6/2017.
Trước thềm COP 24, ngày 28/11, Ủy ban châu Âu (EC) đã giới thiệu một đề án về chiến lược khí hậu từ nay đến năm 2050 của Liên minh châu Âu (EU) nhằm thúc đẩy các nước thành viên tiên phong trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu.
Theo đó, trên cơ sở các quyết định được đưa ra liên quan đến tỷ lệ năng lượng tái tạo trong số các nguồn năng lượng hỗn hợp hoặc liên quan đến tiêu chuẩn khí thải trong ngành vận tải, EU đang đi đúng hướng để có thể hoàn thành mục tiêu tốt hơn dự kiến. EU từng đặt mục tiêu giảm 40% lượng khí thải từ nay đến năm 2030 so với thời điểm năm 1990, song thực tế tỷ lệ này còn có thể đạt được tới 45%. Với chiều hướng này, nhiều khả năng EU sẽ đạt được mục tiêu giảm 60% lượng khí thải từ nay đến năm 2050.
Trong khi đó, quyết định rút khỏi Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu của Mỹ phải đến sau ngày 4/11/2020 mới có hiệu lực. Vì vậy, các nhà ngoại giao Mỹ không thể rời bỏ vị trí trên bàn đàm phán và phải tiếp tục tham gia tích cực vào các nội dung thảo luận.
Một số nhà khoa học cho rằng Mỹ vẫn đang cùng với châu Âu và những nước giàu có khác hợp tác trong một số nội dung quan trọng liên quan tới việc triển khai hiệu quả Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu.
Việc các nước tiếp tục hợp tác với chuyên gia Mỹ phản ánh hy vọng của cộng đồng quốc tế về khả năng Mỹ quay trở lại Hiệp định Paris.
Trong diễn biến liên quan khác, ngày 30/11 tại cuộc gặp ba bên với Ngoại trưởng Pháp Jean-Yves Le Drian và Tổng Thư ký LHQ Antonio Guterres bên lề Hội nghị G20 tại Argentina, Ngoại trưởng Trung Quốc Vương Nghị cho rằng Trung Quốc có lập trường vững chắc trong việc hạn chế sự nóng dần lên toàn cầu và sẽ thúc đẩy nhằm đạt được những kết quả tích cực cho vòng đàm phán sắp tới tại COP 24.
Về phía mình, Ngoại trưởng Pháp Le Drian khẳng định Pháp muốn phối hợp với Trung Quốc nhiều hơn nữa về các biện pháp chống biến đổi khí hậu, trong đó bao gồm cả hợp tác ba bên để giúp các nước đang phát triển khác cùng đồng hành với mục tiêu phát triển xanh và carbon thấp.
Còn Tổng Thư ký LHQ Guterres đánh giá cao vai trò của Trung Quốc trong cuộc chiến chống biến đổi khí hậu, cũng như cả Trung Quốc và Pháp trong vai trò đi đầu trong việc giải quyết những thách thức toàn cầu.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()