Ký ức về trận đánh bằng tên lửa A72
(LSO) – Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân Trần Quang Thắng, là người con của quê hương Lạng Sơn. Từ tháng 4/1972 đến 30/4/1975, ông tham gia 9 trận đánh, bắn 9 quả tên lửa A72, hạ 7 máy bay địch.
Ông Trần Quang Thắng, sinh năm 1953 tại thị trấn Thất Khê, huyện Tràng Định. Năm 1971, khi tròn 18 tuổi, ông tình nguyện lên đường nhập ngũ và được biên chế vào binh chủng phòng không không quân. Để đáp ứng yêu cầu nhiệm vụ, ông được cử đi huấn luyện sử dụng tên lửa A72 để tiêu diệt mục tiêu máy bay tầm thấp do chuyên gia Liên Xô đào tạo trong thời gian 3 tháng. Đây là thời gian rất ngắn so với yêu cầu, bởi để sử dụng thành thạo loại tên lửa này, thời gian đào tạo chuẩn phải từ 8 đến 12 tháng với yêu cầu bắn 3 quả diệt 1 mục tiêu. Nhưng do yêu cầu của cuộc chiến tranh lúc bấy giờ khoá đào tạo được rút ngắn; sau khoá đào tạo tiến hành bắn đạn thật, ông đã bắn 1 quả đạn diệt 1 mục tiêu và đạt chiến sĩ xuất sắc. Chiến sĩ Thắng cùng đơn vị nhận nhiệm vụ mới hành quân vượt dãy Trường Sơn vào mặt trận các tỉnh: Bến Tre, Tây Ninh, Đồng Tháp và biên giới phía Tây Nam… Đảm nhiệm vai trò là xạ thủ bắn tên lửa A72, mục tiêu là bám sát trận địa địch, bắn máy bay chỉ huy, máy bay trinh sát và máy bay chiến đấu tầm thấp hỗ trợ cho các đơn vị bộ binh của ta.
Chân dung Anh hùng lực lượng vũ trang Trần Quang Thắng
Trong 4 năm chiến đấu tại chiến trường miền Nam, ông cùng tổ chiến đấu tham gia 9 trận đánh bằng tên lửa A72. Kỷ niệm đáng nhớ nhất trong cuộc đời quân ngũ của ông là trận đánh đầu tiên. Lật lại những trang nhật ký đã phai mờ theo thời gian, ông kể: “Hôm đó là ngày 3/4/1972, khoảng 8 giờ, tôi cùng đồng đội tham gia chiến đấu bảo vệ Bộ Tư lệnh Quân khu 7. Lần đầu tiên, tôi tiếp cận với máy bay địch, đó là chiếc OV2, ON2 ném bom tầm thấp. Vận dụng những kiến thức được đào tạo, tôi chọn địa thế, thời điểm thích hợp và bình tĩnh chờ máy bay vào đúng toạ độ rồi khai hoả. Quả đạn đầu tiên phóng lên diệt ngay mục tiêu ở độ cao chừng 800 m; tiếp đó vài phút, thêm một máy bay địch lao đến, tôi triển khai phương án bắn, hạ chiếc máy bay thứ 2”. Kết thúc trận đầu tiên, ông Thắng được tặng thưởng Huân chương Chiến công hạng Ba.
Trận đánh tiếp theo đánh yểm trợ bộ binh tại núi Bà Đen thuộc tỉnh Tây Ninh. Ông Thắng kể lại: “Ngày 25/12/1974, theo lệnh của chỉ huy, tôi cùng đồng đội leo lên núi Yên Ngựa ở phía Đông của núi Bà Đen nằm ở độ cao khoảng 600 m; trên đỉnh núi là trạm ra đa của địch nằm ở độ cao chừng 900 m (so với mặt nước biển). Nhiệm vụ chúng tôi là tiêu diệt các máy bay tầm thấp của địch, yểm trợ hỗ cho bộ binh ta đánh chiếm các mục tiêu quan trọng. Trong ngày hôm đó, tổ chúng tôi đã bám sát được trận địa của địch. Vào cuối buổi chiều, tổ chiến đấu chúng tôi phát hiện 3 chiếc máy bay F5 của địch tiến gần đến mục tiêu rồi bổ nhào ném bom vào đội hình của đơn vị đặc công của ta. Khi máy bay cắm xuống trút bom, quả đạn tên lửa đầu tiên của chúng tôi phóng lên không trúng mục tiêu. Tổ chiến đấu lại cơ động thay đổi vị trí hướng bắn, lúc này tốp máy bay thứ 2 của địch xuất hiện, chúng tôi còn 1 quả đạn tên lửa. Khi tốp máy bay địch vào vị trí tầm ngắm, tôi trực tiếp bắn, hạ 1 chiếc F5; những chiếc máy bay còn lại đang lao vào mục tiêu chưa kịp ném bom đã tháo chạy”.
Sau trận đánh ngày đầu tại núi Bà đen, tổ chiến đấu của ông Thắng tiếp tục trụ lại gần 3 tháng, yểm trợ cho lực lượng bộ binh. Ông đã cùng đồng đội đã bắn hạ thêm 4 máy bay địch…
Với những chiến công đó, năm 2015, ông Trần Quang Thắng cùng 17 cán bộ, chiến sĩ (Tiểu đoàn 172, Sư đoàn 361, Quân chủng Phòng không, Không quân, Bộ Quốc phòng) được Đảng và Nhà nước phong tặng danh hiệu Anh hùng Lực lượng vũ trang nhân dân.
PHAN CẦU
Ý kiến ()