15 năm chiến đấu trên những con “tàu không số”, Thiếu tá Nguyễn Văn Đức là một trong những chiến sĩ đầu tiên tham gia mở đường Hồ Chí Minh trên biển, vận chuyển vũ khí từ hậu phương lớn miền bắc đến với tiền tuyến lớn miền nam. Đồng chí đã kể về những chuyến “tàu không số” như nhắc về một thời hoa lửa hào hùng.
Dấu ấn những chuyến tàu
Nhắc lại những chuyến tàu không số, cựu chiến binh Nguyễn Văn Đức nhớ rành rọt chuyến tàu mở đường đầu tiên của miền nam ra bắc khi đồng chí còn ở tuổi 20. 17 giờ ngày 1-6-1961, từ Thạnh Phú (Bến Tre) con tàu có tải trọng ba tấn xuất quân ra bắc. Tàu được đóng bằng gỗ, ngụy trang đánh cá lưới rê ven biển. Với 12 chiến sĩ, tàu được trang bị hai phuy dầu, một phuy nước ngọt và 50 kg gạo… Sau ba giờ xuất phát, tàu gặp giông lớn, một số người say sóng, lương thực ướt, các chiến sĩ phải nhịn đói hai ngày. Không có la bàn hải đồ, các chiến sĩ thống nhất, ban ngày đi xa bờ dựa vào mặt trời và những dãy núi ven bờ, ban đêm vào gần bờ dựa vào sao bắc đẩu làm định hướng. Sau 10 ngày vượt biển bằng ý chí và niềm tin quyết thắng, tàu đã cập bến Hải Phòng. Từ thắng lợi này, Ủy ban Thống nhất Trung ương chỉ đạo cho bốn tàu tiếp theo ra miền bắc thắng lợi.
Sau khi tuyến đường vận chuyển bắc – nam trên biển được khai thông, tháng 10-1961, Đoàn 759 (tiền thân Lữ đoàn 125) được thành lập, đồng chí Đức là một trong những người tham gia chiến đấu trên bốn tàu gỗ đầu tiên do xưởng đóng tàu I Hải Phòng sản xuất đều mang tên Phương Đông như cái mốc đáng nhớ. Tháng 11-1962, đồng chí Nguyễn Văn Đức được biên chế về tàu số 4 (Phương Đông 4). Trải qua sáu ngày sóng gió, vây hãm của địch, con tàu chở 30 tấn vũ khí này đã cập bến Vàm Lũng (Cà Mau).
Tháng 10-1969, các chiến sĩ tàu 154 do thuyền trưởng Đỗ Văn Bé chỉ huy, rời Vịnh Hạ Long giữa màn đêm và đợt gió mùa đông – bắc cấp 6-7. Đây là con tàu đã vượt biển khi cả dân tộc nén đau thương trước sự ra đi của Bác Hồ, quyết tâm đánh Mỹ. Theo hành trình mới, tàu 154 đi qua vùng biển các nước Phi-li-pin, In-đô-nê-xi-a, Ma-lai-xi-a. Sau 11 ngày tàu trở lại Hòn Khoai (Cà Mau). Khi tàu 154 cập bến cũng là khi những chiến sĩ dâng trào nước mắt sau những năm xa cách và nước mắt của niềm vui 70 tấn súng đạn được chuyển về chiến trường miền nam sau ba năm các chuyến tàu hoạt động không thành công.
Trong Chiến dịch Hồ Chí Minh lịch sử mùa xuân năm 1975, đồng chí Đức là Biên đội phó biên đội ba tàu và trực tiếp làm thuyền trưởng chỉ huy đưa tiểu đoàn đặc công giải phóng quần đảo Trường Sa. Qua hai ngày đêm vượt 600 hải lý, các chiến sĩ tiếp cận đảo Song Tử Tây, lần lượt giải phóng các đảo Sơn Ca, Nam Yết, Sinh Tồn. Ngày 29-4-1975, quân ta giải phóng đảo Trường Sa lớn. Trong niềm vui chiến thắng, ngày 2-5, chuyến tàu do đồng chí Đức làm thuyền trưởng ra ngay Côn Đảo, đưa 200 chiến sĩ tù nhân trở về trong ngày đất nước thống nhất. Đó cũng là những hình ảnh đẹp đẽ nhất trong cuộc đời người chiến sĩ hải quân này.
Và trận chiến ác liệt
Với những chiến sĩ “tàu không số” chọn những đợt biển động gió mùa để đi. Khi đó địch ít dám hoạt động tuần tiễu cho nên xác xuất thành công của ta cao hơn. Có những chuyến tàu các chiến sĩ vượt qua bão cấp 9 – 10, sóng cao 5 – 6 m. Những con “tàu không số” vượt biển tiếp viện vũ khí cho chiến trường miền nam trong sự kiểm soát nhiều tầng của địch: vệ tinh, máy bay trinh sát, thám báo, hải quân ngụy, hạm đội 7 của Mỹ với tàu khu trục, tàu ngầm, tàu mặt nước…
Kể về con tàu 43, đồng chí Đức xúc động. Đây là con tàu do Thiếu úy Đức làm thuyền phó, đồng chí Nguyễn Tất Thắng làm thuyền trưởng. Trước ngày Tổng tiến công Mậu Thân 1968, ba lần các tàu của ta xuất phát đều bị địch phát hiện phải trở lại căn cứ. Sau cuộc tiến công Mậu Thân, với quyết tâm tìm mọi cách bổ sung vũ khí cho chiến trường miền nam dù có phải hy sinh, bốn chiếc tàu xuất phát đi theo bốn hướng: Sa Huỳnh (Quảng Ngãi), Bình Định, Khánh Hòa và Cà Mau. Sau hai ngày xuất phát, tàu 43 giữ được an toàn nhưng khi qua vĩ tuyến 17, bị vệ tinh của Mỹ theo dõi liên tục. Đến ngày thứ 3 (ngày 27-2), căn cứ đèn hàng hải của đảo Lý Sơn chuyển về cửa Sa Huỳnh. Cùng với đó một biên đội tàu của Mỹ thường xuyên bí mật bám sát tàu. Khoảng 24 giờ, địch bất ngờ nổ súng, nhiều tàu địch bao vây, cùng ba máy bay lên thẳng xả súng từ trên, các chiến sĩ tàu 43 anh dũng chống trả. Phải mất hai giờ sau tàu mới tiếp cận vào bờ. Ba chiến sĩ hy sinh, 12 người bị thương, đồng chí thuyền phó cũng bị thương ở đầu gối. Những chiến sĩ bị thương đưa vào bệnh xá, được bác sĩ Đặng Thùy Trâm chăm sóc hơn một tháng.
Đã 49 năm từ chuyến “tàu không số” đầu tiên, nhưng đồng chí Nguyễn Văn Đức vẫn lưu giữ những hình ảnh của những chiến sĩ “tàu không số” trước giờ xuất phát, hay hình ảnh của người chiến sĩ còn ở tuổi đôi mươi, như một kỷ vật. Tất cả vẫn sống trong ký ức người cựu chiến binh gần 70 tuổi. Ký ức về những người lính đã vận chuyển hàng nghìn tấn vũ khí, phương tiện với hàng trăm chuyến tàu từ đường Hồ Chí Minh huyền thoại trên biển vào chiến trường miền nam, góp phần vào cuộc kháng chiến chống Mỹ, cứu nước của dân tộc giành thắng lợi.
Ý kiến ()