LSO- Đứng lặng trước di ảnh Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Dưỡng (1925-1946) trưng bày trang trọng tại phòng truyền thống Công an tỉnh, trong tôi dâng lên một cảm xúc thật đặc biệt, khó diễn tả. Anh đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp khi còn rất trẻ, vừa tròn 21 tuổi với rất nhiều hoài bão, khát vọng cháy bỏng dang dở chưa kịp trở thành hiện thực. Công an tỉnh thăm hỏi, tặng quà gia đình thân nhân Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn DưỡngMột ngày hè tháng 7, tôi được tham gia theo đội chính sách của Phòng Tổ chức cán bộ Công an tỉnh đến thăm hỏi và tặng quà gia đình thân nhân liệt sỹ Nguyễn Văn Dưỡng. Ngôi nhà hai tầng được xây dựng từ khá lâu đã cũ kỹ và nhỏ bé nằm khiêm nhường trên con phố Ngô Gia Tự, phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đó là nơi gia đình ông Nguyễn Văn Châm, em ruột của liệt sỹ đang sinh sống. Rót chén trà mời khách, bàn tay run run, ông Châm xúc động vì chuyến thăm của...
LSO- Đứng lặng trước di ảnh Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Dưỡng (1925-1946) trưng bày trang trọng tại phòng truyền thống Công an tỉnh, trong tôi dâng lên một cảm xúc thật đặc biệt, khó diễn tả. Anh đã hy sinh anh dũng trong cuộc kháng chiến chống thực dân Pháp khi còn rất trẻ, vừa tròn 21 tuổi với rất nhiều hoài bão, khát vọng cháy bỏng dang dở chưa kịp trở thành hiện thực.
Công an tỉnh thăm hỏi, tặng quà gia đình thân nhân Anh hùng liệt sỹ Nguyễn Văn Dưỡng
Một ngày hè tháng 7, tôi được tham gia theo đội chính sách của Phòng Tổ chức cán bộ Công an tỉnh đến thăm hỏi và tặng quà gia đình thân nhân liệt sỹ Nguyễn Văn Dưỡng. Ngôi nhà hai tầng được xây dựng từ khá lâu đã cũ kỹ và nhỏ bé nằm khiêm nhường trên con phố Ngô Gia Tự, phường Ninh Xá, thành phố Bắc Ninh, tỉnh Bắc Ninh. Đó là nơi gia đình ông Nguyễn Văn Châm, em ruột của liệt sỹ đang sinh sống. Rót chén trà mời khách, bàn tay run run, ông Châm xúc động vì chuyến thăm của đoàn khách phương xa. Ở cái tuổi “xưa nay hiếm” nhưng ông Châm vẫn rất minh mẫn, ông nhớ như in những tháng năm được ở bên cạnh anh trai mình, được anh dìu dắt đi rải truyền đơn như thế nào. “…Ngày ấy gia đình tôi ở làng Yên Mẫn, xã Kinh Bắc, thị xã Bắc Ninh, tỉnh Hà Bắc (nay là tỉnh Bắc Ninh), do cuộc sống mưu sinh, cha mẹ tôi đã đưa cả gia đình lên Lạng Sơn để làm nghề đóng giầy. Anh Dưỡng sớm giác ngộ cách mạng, 18 tuổi, anh tôi đã tham gia tiễu trừ Việt gian phản động, khi Ty liêm phóng Lạng Sơn được thành lập, anh gia nhập lực lượng công an. Cuối năm 1945 anh được kết nạp vào Đảng cộng sản Đông Dương (nay là Đảng Cộng sản Việt Nam). Trong quá trình hoạt động, anh đã 2 lần bị thương, nhiều lần bị giặc bắt và giam giữ ròng rã cả tuần. Nhưng bản lĩnh kiên trung của người chiến sỹ công an, với tinh thần yêu nước, căm thù giặc, anh không hề run sợ, nao núng. Khi được trả tự do vẫn tiếp tục con đường đã lựa chọn…”. Ty liêm phóng Lạng Sơn lúc bấy giờ có Ban chính trị, Ban trật tự tư pháp, văn phòng và Công an 4 huyện (Bình Gia, Ôn Châu, Tràng Định, Lộc Bình). Anh Nguyễn Văn Dưỡng đã được tín nhiệm bầu làm Trưởng ban Trật tự tư pháp. Năm 1946, tình hình chiến tranh diễn biến căng thẳng, toàn bộ lực lượng vũ trang trong tỉnh luôn trong tư thế sẵn sàng chiến đấu. Nguyễn Văn Dưỡng đã cùng đồng đội giúp nhân dân sơ tán, tản cư ra các vùng an toàn, đồng thời vẫn bám trụ địa bàn chiến đấu, nắm tình hình. 10 giờ 30 phút ngày 25/11/1946, thực dân Pháp cho mở cuộc tấn công qui mô lớn, tập trung toàn bộ lực lượng đánh chiếm thị xã Lạng Sơn. Cuộc chiến đấu diễn ra vô cùng ác liệt, lực lượng công an, bộ đội, dân quân du kích đã kiên cường, dũng cảm giành giật với địch từng tấc đất, ngôi nhà, ụ súng, tiêu diệt và đẩy lùi nhiều đợt tấn công của kẻ địch. Nhiều chiến sỹ chiến đấu kiên cường, hy sinh vẻ vang. Tại khu phố Kỳ Lừa, do địch đông, đạn ít, Nguyễn Văn Dưỡng và đồng đội vừa chiến đấu vừa lùi dần về phố Nam Cai. Anh Dưỡng đã bị địch bắt sau khi mở đường máu cho đồng đội rút lui an toàn tại khu vực Giếng Vuông. Bất chấp mọi cực hình tra tấn dã man của kẻ thù, anh Dưỡng vẫn luôn giữ khí tiết dũng cảm của người chiến sỹ công an. Không làm gì được, địch đã hèn hạ đưa anh Dưỡng đến trói vào gốc cây trước cửa nhà số 9 khu phố Nam Cai để xử bắn hòng uy hiếp tinh thần cách mạng của quần chúng nhân dân. Trước lúc hy sinh, anh Dưỡng vẫn hô vang khẩu hiệu “Việt Nam độc lập muôn năm”, “Hồ Chí Minh muôn năm” để động viên đồng đội tiếp tục chiến đấu. Anh Dưỡng đã hy sinh trong niềm tiếc thương vô hạn của nhân dân. Năm 1954, theo nguyện vọng của gia đình, hài cốt anh được đưa trở về nghĩa trang quê nhà tại thành phố Bắc Ninh.
Để ghi nhớ công lao hy sinh vì độc lập dân tộc, tháng 1/1996 Chủ tịch nước Lê Đức Anh đã ký Quyết định số 759 truy tặng danh hiệu Anh hùng lực lượng vũ trang nhân dân cho liệt sỹ Nguyễn Văn Dưỡng; Chính phủ truy tặng Huân chương kháng chiến hạng Ba, gia đình anh được tặng bảng vàng danh dự.
Nguyễn Thái
Ý kiến ()