Ký ức về mùa thu năm ấy
LSO-Hơn 70 năm đã trôi qua, nhưng trong tâm trí cán bộ tiền khởi nghĩa Hoàng Thắng Lợi, hiện trú tại Đường Thành, khối Hùng Vương, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, những ký ức hào hùng, sục sôi của quê hương trong những ngày tháng Tám năm 1945 dường như vẫn nguyên vẹn.
Ông Hoàng Thắng Lợi bên kỷ vật thời kỳ tham gia Cách mạng tháng Tám |
Sinh ra và lớn lên ở xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan, chàng trai trẻ Hoàng Thắng Lợi sớm giác ngộ cách mạng. Tháng 5/1945, ông tham gia Ban Chấp hành Nông dân Cứu quốc hội. Đây là một tổ chức tập hợp nông dân yêu nước tham gia cách mạng, ủng hộ Việt Minh, vừa sản xuất, vừa đấu tranh đánh giặc, chuẩn bị lực lượng tổng khởi nghĩa. Nhờ nhanh nhẹn, gan dạ, ngoài tuyên truyền miệng, ông còn được giao nhiệm vụ rất quan trọng, đó là rải truyền đơn đến tận các làng, bản. Việc rải truyền đơn đều được thực hiện bí mật vào buổi tối với những khẩu hiệu như: “Đả đảo đế quốc Pháp”, “Đả đảo phát xít Nhật”, “Đồng bào, nhân dân nên ủng hộ, giúp đỡ Mặt trận Việt Minh giành chính quyền”… Đây là nhiệm vụ nguy hiểm, nhưng bấy giờ, ông Lợi chỉ khát khao được góp công sức nhỏ bé vào đấu tranh giành độc lập, tự do cho Tổ quốc. Đã có lần ông bị địch phát hiện khi đang làm nhiệm vụ, nhưng nhờ mưu trí, dũng cảm, ông đều thoát được. Những đóng góp của ông đã góp phần đáng kể cho phát triển lực lượng cách mạng tại địa phương.
Ngay từ những ngày đầu tham gia cách mạng, ông đã được đứng trong hàng ngũ Đội Việt Nam tuyên truyền giải phóng quân và nhận nhiệm vụ tổ chức huấn luyện đội tự vệ quanh khu vực Ba Xã, Vân Mộng, Việt Yên (châu Điềm He), chuẩn bị cho tổng khởi nghĩa giành chính quyền. Ông kể: Bấy giờ, quân ta vũ khí thô sơ, chủ yếu là giáo mác, gậy gộc, chỉ số ít có súng kíp. Vì vậy, việc huấn luyện tập trung hướng dẫn quân ta đánh du kích, nhất là hướng vào mục tiêu đồn Khau Làng của giặc Pháp. Cùng với đó là tổ chức chặn đánh các nhóm lính tới cướp lương thực, vận động nhân dân cất giấu lương thực, thực phẩm để quân giặc suy yếu dần. Trong các cuộc tuyên truyền, huấn luyện, ông Lợi cùng đồng đội đều phân tích tình hình và hô hào các tầng lớp nhân dân cùng đứng lên khởi nghĩa theo chủ trương của Đảng và Bác Hồ. Cứ thế, lực lượng cách mạng ở địa phương ngày càng lớn mạnh, trưởng thành và đầy khí thế.
Ông vẫn nhớ như in những ngày đầu tháng 8/1945, khắp các địa bàn của châu Điềm He thời bấy giờ đều nhất tề nổi dậy giành chính quyền. Lúc ấy, đúng như lời hiệu triệu của Bác Hồ: “Ai có gươm dùng gươm, không có gươm thì dùng cuốc, thuổng, gậy gộc…”. Trong 3 ngày từ 19/8 – 21/8/1945, khí thế của cuộc khởi nghĩa dâng cao vô cùng, quân phát xít và thực dân ở châu Điềm He như rắn mất đầu, suy yếu rõ rệt.
Bản thân ông Lợi bấy giờ trực tiếp chiến đấu ở Tân Đoàn – nơi được coi là giành được chính quyền sớm nhất ở Điềm He. Đối với ông, đáng nhớ nhất là khoảnh khắc tất cả người dân và lực lượng cùng dồn ra đường, vừa hô khẩu hiệu, vừa chiến đấu làm tan rã địch ở các cơ quan đầu não, rồi tiến về Bản Làn, xã Văn An (trung tâm của châu Điềm He bấy giờ) để giành chính quyền. Trước sức ép của nhân dân, chính quyền phong kiến thực dân được xóa bỏ; đồng thời, thành lập Ủy ban nhân dân cách mạng lâm thời Điềm He. “Niềm vui nối tiếp niềm vui, cả huyện từ già đến trẻ lại reo hò được biết ngày 2/9/1945, Chính phủ cách mạng lâm thời ViệtNamdân chủ cộng hòa được thành lập, đứng đầu là lãnh tụ Nguyễn Ái Quốc – Hồ Chí Minh”, ông hào hứng nói.
Ngay sau Cách mạng tháng Tám thành công, ông Lợi được cử đi học ở Trường Quân chính kháng Nhật – Pháp (đóng ở địa bàn xã Xuân Mai, huyện Văn Quan ngày nay). Đến năm 1947, ông được tỉnh cử tham gia lớp cán bộ tại Tân Trào (Tuyên Quang), sau đó được giao nhiều nhiệm vụ, trọng trách từ cấp huyện cho đến cấp tỉnh. Từ năm 1960 – 1970, ông là Phó Ty lâm nghiệp Lạng Sơn. Năm nay đã gần bách niên, đồng thời tròn 70 năm tuổi Đảng, có thể khẳng định, ông đã hiến trọn đời mình cho Đảng, cho đất nước, đặc biệt là đã góp sức cho mùa thu Cách mạng tháng Tám năm 1945 giành thắng lợi vẻ vang. Với những công lao đó, ông đã được Đảng, Nhà nước tặng thưởng nhiều danh hiệu cao quý như: Kỷ niệm kháng chiến năm 1945; Huân chương Kháng chiến chống Pháp hạng Nhì; Huân chương Kháng chiến chống Mỹ hạng Nhất.
HOÀNG HUẤN
Ý kiến ()