Ký ức về mùa thu cách mạng
LSO-Cứ mỗi dịp kỷ niệm Cách mạng Tháng Tám hằng năm, tôi lại sốt sắng tìm gặp người cao tuổi, đặc biệt là cán bộ tiền khởi nghĩa, lão thành cách mạng. Sốt sắng bởi họ là những nhân chứng sống về cuộc tổng khởi nghĩa lịch sử nhưng nay tuổi đều đã cao, tôi sợ mai kia không có cơ hội gặp được nữa…
Cán bộ tiền khởi nghĩa ông Lê Huyền Phong với kỷ vật thời kỳ tham gia Cách mạng tháng Tám |
Tìm đến ngôi nhà số 1, ngõ 7, đường Bà Triệu, thành phố Lạng Sơn, tôi gặp vợ chồng ông Lê Huyền Phong, cán bộ tiền khởi nghĩa. Nhớ về những ngày tháng Tám lịch sử cách đây 72 năm, bao ký ức lại ùa về trong ông. Khoảng tháng 2/1945, khi mới 17 tuổi, chàng trai trẻ Nông Trung Hòa tham gia hoạt động cách mạng và đổi tên thành Lê Huyền Phong. Hai tháng sau đó, ông được cử làm Huyện đội phó kiêm Đại đội trưởng Đại đội 450 châu Thoát Lãng (huyện Văn Lãng ngày nay).
Ông kể: Để chuẩn bị cho khởi nghĩa Tháng Tám, tôi được giao nhiệm vụ chỉ huy, huấn luyện dân quân đánh du kích tại khu vực Tân Lang, Na Sầm và ngăn quân tiếp tế của địch dọc đường số 4. Khoảng đầu tháng 5/1945, trong khi quân cách mạng đã làm chủ các thôn xã ở Thoát Lãng thì quân địch vẫn còn chiếm đóng Na Sầm. Đây là huyết mạch để chúng tiến quân lên các căn cứ ở Thất Khê, Lạng Sơn và Đông Khê, Cao Bằng.
Vì vậy, việc huấn luyện bấy giờ rất cấp tốc, tập trung hướng dẫn cách bắn súng, cách đánh du kích, phục kích; vừa đánh vừa rút kinh nghiệm dần. Việc đánh du kích được kết hợp với phá đường để xe tiếp tế của địch không tiến lên được. Cùng đó, đánh chiếm các kho thóc địch quanh khu vực Na Sầm, làm địch suy yếu dần. Cách mạng nổ ra, ai nấy đều nhất tề nổi dậy đánh giặc, giành lại chính quyền. Đến ngày 22/8/1945, lực lượng vũ trang và quần chúng cách mạng đã làm chủ Na Sầm, giải phóng hoàn toàn Thoát Lãng.
Không trực tiếp góp sức ở Lạng Sơn, nhưng qua câu chuyện của bà Hứa Thị Kiên, cán bộ tiền khởi nghĩa, trú tại số 69, đường Đèo Giang, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn, chúng tôi có cơ hội hình dung thêm về khí thế đấu tranh giành chính quyền ở nhiều địa phương. Bà Kiên quê ở thôn Khuổi Xỏm, xã Phong Huân, huyện Chợ Đồn, tỉnh Bắc Kạn. Khoảng tháng 4/1945, khi 19 tuổi, bà tham gia Đoàn Phụ nữ cứu quốc ở địa phương, trực tiếp vận động nhân dân ủng hộ gạo, tiếp tế lương thực, tham gia đánh du kích cùng bộ đội. Đồng thời, vận động, hô hào bà con đứng lên khởi nghĩa theo chủ trương của Đảng và Bác Hồ. Lực lượng cách mạng ở địa phương nhờ đó ngày càng lớn mạnh, trưởng thành và đầy khí thế.
Bà kể: Tôi nhớ khoảng giữa tháng 8/1945, theo lời hiệu triệu của Đảng, Bác Hồ, người dân Chợ Đồn với đủ mọi vũ khí tự trang bị như: cuốc, thuổng, gậy gộc tỏa đi khắp nơi đánh chiếm, giành chính quyền về tay cách mạng. Niềm vui nối tiếp niềm vui, cả huyện từ già đến trẻ sung sướng reo hò khi nghe tin ngày 2/9/1945, Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn độc lập.
Hiện toàn tỉnh còn 35 cán bộ tiền khởi nghĩa, 14 lão thành cách mạng. Họ nay đều đã cận kề hoặc trên 90 tuổi. Mỗi người đều có công lao riêng, góp sức cùng quân, dân cả nước đập tan xiềng xích nô lệ của thực dân trong gần một thế kỷ, lập nên nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa. Qua ký ức các cụ, chúng ta có cơ hội tìm hiểu thêm về lịch sử đất nước, thêm tự hào về ý chí chiến đấu và khát vọng giải phóng dân tộc của thế hệ cha ông. Với đạo lý “Uống nước, nhớ nguồn”, hằng năm, tỉnh đều thực hiện đầy đủ các chế độ, chính sách với những đối tượng người có công.
Đã gần ba phần tư thế kỷ trôi qua, nhưng tinh thần bất diệt của Cách mạng tháng Tám vẫn sống mãi trong ký ức nhiều người cao tuổi. Và nó sẽ được thế hệ trẻ hôm nay tiếp nối và phát huy trong công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
HOÀNG HUẤN
Ý kiến ()