Ký ức về Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Nhân 107 năm ngày sinh Đại tướng Võ Nguyên Giáp (25/8/1911 – 25/8/2018), tôi tìm gặp ông Hoàng Thắng Lợi, khối Hùng Vương, phường Chi Lăng, thành phố Lạng Sơn – người từng may mắn được gặp Đại tướng. Qua câu chuyện của ông, chúng ta thêm cảm phục, kính yêu vị Đại tướng của nhân dân.
Ông Hoàng Thắng Lợi bên tấm ảnh chụp tại Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang,
nơi ông được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp
Ông Lợi sinh năm 1918 tại xã Tân Đoàn, huyện Văn Quan. Ngay từ thời kỳ tiền khởi nghĩa, ông đã sớm giác ngộ cách mạng, sau này ông trở thành một trong những thanh niên tiêu biểu trong khởi nghĩa tháng 8/1945 và phong trào toàn quốc kháng chiến tại địa phương. Đến năm 1947, ông được tỉnh cử tham gia lớp đào tạo cán bộ tại Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang, sau đó được giao nhiều nhiệm vụ, trọng trách từ cấp huyện đến cấp tỉnh. Từ năm 1960 – 1970, ông là Phó Ty Lâm nghiệp Lạng Sơn.
Trong cuộc đời hoạt động cách mạng của mình, ông đã 2 lần được gặp Đại tướng Võ Nguyên Giáp. Lần thứ nhất là khi ông đang học tại Tân Trào; một lần khác là vào khoảng năm 1956 tại Hà Nội. Trong đó, sâu sắc nhất là khoảng thời gian ông học tập tại Tân Trào, tỉnh Tuyên Quang.
Tại đây, lớp đào tạo có các đồng chí: Trường Chinh, Lê Đức Thọ, Đại tướng Văn Tiến Dũng và Đại tướng Võ Nguyên Giáp trực tiếp giảng dạy. Với mỗi đồng chí, ông Lợi đều có những ấn tượng đặc biệt. Riêng với Đại tướng Võ Nguyên Giáp, ông và các đồng chí trong lớp được tiếp xúc nhiều hơn. Ông Lợi nhớ lại: Lớp đào tạo bấy giờ có 2 buổi được Đại tướng giảng dạy về tổ chức của Quân đội Nhân dân Việt Nam. Đại tướng đã hỏi cả lớp: Quân đội Nhân dân Việt Nam sẽ tổ chức theo kiểu nào? Trong lớp có 2 luồng ý kiến: một là tổ chức theo kiểu của quân đội Pháp, có súng, có quân phục oai phong; hai là tổ chức theo kiểu quân đội Nhật, có kiếm dài ai cũng sợ. Nhưng tướng Giáp nói: Chúng ta sẽ tổ chức theo kiểu của chúng ta. Quá trình giảng dạy, thỉnh thoảng Đại tướng lại chêm vào mấy câu tiếng Tày, rồi kể những mẩu chuyện vui khiến ai cũng cảm thấy hào hứng, gần gũi.
“Đại tướng là người rất giỏi tiếng dân tộc thiểu số khu Việt Bắc, nhất là tiếng Tày Cao Bằng” – ông Lợi cho biết. Theo ông, Đại tướng rất ham học hỏi, ngoài học các cán bộ, chiến sĩ là người dân tộc thiểu số, Đại tướng còn học hỏi nhân dân mỗi khi có cơ hội nên thông thạo nhiều thứ tiếng của đồng bào. Mục đích là tuyên truyền, vận động bà con dân tộc đi theo và ủng hộ, chở che cho cách mạng…
Ký ức mà ông Lợi nhớ nhất là một dịp cả lớp đến thăm nơi ở của Đại tướng trong lán trại. Đồ đạc ở đó đều giản dị nhưng được sắp xếp gọn gàng, khoa học, Đại tướng tác phong rất nhanh nhẹn, đón tiếp mọi người bằng nụ cười hiền và những câu chuyện vui. Đại tướng hỏi thăm quê quán, hoàn cảnh từng người. Hỏi đến một đồng chí tên là Nguyễn Trung Hải quê ở Cao Bằng, Đại tướng lập tức chuyển sang nói chuyện bằng tiếng Tày Cao Bằng, nhiều người nghe cứ ngỡ Đại tướng là người bản địa.
Có một chi tiết khi nói chuyện với Đại tướng mà ông Lợi không thể nào quên, đó là lúc mọi người chuẩn bị ra về có chúc Đại tướng mạnh khỏe, “sống lâu trăm tuổi”, Đại tướng đã hỏi lại: “Nếu có lẻ thì sao?” khiến ai cũng lúng túng. Và quả thật, sau này, Đại tướng thọ 103 tuổi.
Những câu chuyện đó trở thành bài học cho ông Lợi và nhiều cán bộ khác trong suốt quá trình công tác cũng như ứng xử và sinh hoạt sau này. Có thể nói, bên cạnh sự tài ba, lỗi lạc về kiến thức quân sự, văn hóa, Đại tướng lại rất gần gũi với cán bộ, chiến sĩ, với những câu chuyện dí dỏm, hết sức đời thường, mang tính giáo dục cao. Có lẽ, chính những điều gần gũi, giản dị ấy đã làm nên một vị tướng trong lòng nhân dân.
Ý kiến ()