Ký ức về Bác Hồ của người lính cảnh vệ năm xưa
(LSO) – Trong căn nhà riêng ở ngõ 63, đường Bến Bắc, thuộc khối 9, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn, chúng tôi được ông Nguyễn Huy Long kể về kỷ niệm những lần được trông thấy Bác, những câu chuyện được nghe về Bác trong thời gian ông công tác trong lực lượng cảnh vệ bảo vệ Bác Hồ. Dù đã hơn 50 năm trôi qua, ký ức ấy vẫn không phai mờ trong tâm trí ông.
Ông Nguyễn Huy Long sinh năm 1944, quê gốc ở xã Cổ Bi, huyện Gia Lâm, thành phố Hà Nội. Tháng 7/1963, khi đang học lớp 7, Trường THCS Đông Kinh, thị xã Lạng Sơn, ông tham gia nghĩa vụ quân sự, được giao về huấn luyện tại Trung đoàn 600, Bộ Tư lệnh Cảnh vệ, Bộ Công an.
Ông Long kể: Trung đoàn 600 có mật danh là Đoàn Tân Trào, được thành lập ngày 20/9/1954 tại chiến khu Việt Bắc, có nhiệm vụ bảo vệ Chủ tịch Hồ Chí Minh, Trung ương Đảng, Chính phủ về tiếp quản thủ đô. Trung đoàn chia thành nhiều đại đội, tôi thuộc Đại đội 4 – Đại đội cơ động, bấy giờ Đại đội Trưởng là Đại úy Dương Đức Năm. Đại đội có nhiệm vụ tuần tra, bảo vệ 2 mục tiêu: khu đại sứ các nước xã hội chủ nghĩa và khu trung ương, gồm: Phủ Chủ tịch, nhà Quốc hội, Văn phòng Trung ương Đảng.
Ông Long kể lại những kỷ niệm cùng đồng đội trong thời gian làm lính cảnh vệ
Cuối tháng 3/1964, khi được giao cùng đồng đội làm nhiệm vụ canh gác bảo vệ vòng ngoài Hội nghị Chính trị đặc biệt, lần đầu tiên ông được nhìn thấy Bác Hồ và nhiều đồng chí lãnh đạo Đảng, Nhà nước. “Bác có tác phong rất nhanh nhẹn, da hồng hào, râu tóc bạc phơ như ông tiên. Khi ấy, trong tôi trào dâng niềm xúc động khó tả, bởi nguyện vọng nhìn thấy Bác bấy lâu đã thành hiện thực” – ông Long xúc động kể.
Sau sự kiện đó, ông và các đồng chí trong đơn vị còn tham gia canh gác, bảo vệ nhiều hội nghị quan trọng do Bác chủ trì. Ông Long cho biết: Trong những lần làm nhiệm vụ như vậy, tôi đều được thấy Bác Hồ, mỗi lần đều rất xúc động và hạnh phúc. Trong đơn vị, tôi còn được nghe kể nhiều câu chuyện về Bác, trong đó nhớ nhất là câu chuyện về chiếc đồng hồ.
Chuyện là, năm 1954, Bác đến dự và phát biểu tại hội nghị rút kinh nghiệm cải cách ruộng đất ở Hà Bắc. Khi nói đến nhiệm vụ của toàn Đảng trong lúc bấy giờ, Bác bỗng rút trong túi áo giơ ra một chiếc đồng hồ quả quýt và lần lượt đặt câu hỏi về từng bộ phận trong đồng hồ và chức năng của chúng. Các câu hỏi tương đối dễ, mọi người đều trả lời đúng hết. Tuy nhiên, khi Bác hỏi: Thế trong cái đồng hồ, bộ phận nào quan trọng nhất thì mọi người lúng túng và Người hỏi tiếp: Trong cái đồng hồ, nếu bỏ đi một bộ phận thì có được không? Lúc này, mọi người đều đồng thanh: Dạ không. Nghe mọi người trả lời, Bác nói: Các bộ phận của một chiếc đồng hồ cũng ví như các cơ quan của một Nhà nước, cũng như các nhiệm vụ của cách mạng vậy. Đã là nhiệm vụ của cách mạng thì đều là quan trọng, đều cần phải làm. Trong một chiếc đồng hồ mà anh kim đòi làm anh chữ số, anh máy lại đòi ra ngoài làm cái mặt đồng hồ… cứ tranh nhau chỗ đứng như thế thì còn là cái đồng hồ được không?
Câu chuyện đó của Bác đã tác động sâu sắc đến tư tưởng anh lính cận vệ trẻ như tôi, tôi tự nhủ bản thân phải rèn luyện, làm tốt nhiệm vụ của mình, đóng góp thành tích cho tập thể chứ đừng vội đòi hỏi thiệt hơn. Nhờ thế mà suốt trong quá trình làm nhiệm vụ, tôi đều hoàn thành xuất sắc mọi công việc được giao. Ngoài ra, trong đơn vị còn kể cho nhau nghe nhiều câu chuyện hết sức cảm động về Bác. Mỗi câu chuyện đều là những bài học về đạo làm người, về ứng xử trong cuộc sống, giúp những người lính trẻ như chúng tôi học tập, trưởng thành hơn.
Ông Long hoàn thành nghĩa vụ và phục viên trở về năm 1967. Hiện ông là Phó Chi hội trưởng Chi hội Cựu chiến binh, Tổ trưởng tổ Bảo vệ dân phố khối 9, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn. Trong lĩnh vực nào, ông cũng luôn hoàn thành tốt mọi nhiệm vụ được giao. Khi chúng tôi ra về, ông Long không quên nhắc lại câu chuyện về chiếc đồng hồ của Bác, nhắn nhủ chúng tôi hãy “Làm những việc tốt hằng ngày, làm tốt nhiệm vụ được giao, ấy chính là học và làm theo gương Bác”.
Ý kiến ()