Ký ức trong trái tim người lính
LSO-Mỗi dịp kỷ niệm ngày giải phóng miền Nam 30/4, mỗi người dân Việt Nam đều trào dâng niềm tự hào và xúc động; đặc biệt là những người lính từng góp sức làm nên ngày đại thắng ấy. Họ nay tuổi đều đã cao nhưng ký ức về đại thắng mùa xuân năm ấy mãi không phai mờ trong tâm trí.
Xe tăng của quân giải phóng tiến vào Dinh Độc Lập sáng 30/4/1975 – Ảnh tư liệu |
Người đầu tiên chúng tôi tìm gặp là ông Hoàng Quyết Tiến, hiện là cán bộ Ban Tổ chức – Chính sách của Hội Cựu chiến binh tỉnh. Nhập ngũ năm 1974, sau khi huấn luyện ở Thái Nguyên, ông cùng đồng đội hành quân vào Nam. Trong chiến dịch Hồ Chí Minh, đơn vị ông được giao nhiệm vụ thọc sâu vào Sài Gòn theo hướng Tây Bắc, gồm các tỉnh Tây Ninh, Bình Dương. Bấy giờ, ông được biên chế vào Lữ đoàn 273, là pháo thủ xe tăng của đơn vị. Ông Tiến kể: Theo mệnh lệnh của cấp trên, đơn vị hành quân thần tốc theo mũi tiến công. Dù vậy, bộ đội ta thương vong cũng không ít, tôi còn trực tiếp tham gia chôn cất nhiều chiến sỹ hy sinh trên đường hành quân, rồi tiếp tục cùng đồng đội thọc sâu vào các cứ điểm quân địch quanh Sài Gòn. Đúng 11 giờ 30 phút ngày 30/4, tại Củ Chi, nghe tin địch tuyên bố đầu hàng, quân và dân reo hò trong niềm vui chiến thắng. “Cho đến nay, hình ảnh băng rôn, cờ hoa và sự chào đón nồng nhiệt của người dân trong ngày giải phóng vẫn để lại ấn tượng sâu đậm trong lòng tôi”.
Hơn 40 năm sau ngày giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước, ông Tiến vẫn gắn bó với màu áo của người lính. Nay công tác ở Hội Cựu chiến binh tỉnh, ông dành nhiều thời gian tham gia vận động các cựu chiến binh vào hội, chăm lo thực hiện các chế độ chính sách cho các hội viên; đôn đốc các cơ sở hội quan tâm đến đời sống vật chất, tinh thần của hội viên, khơi dậy tinh thần đoàn kết giúp nhau phát triển kinh tế, ổn định cuộc sống. Ông cũng thường kể các câu chuyện lịch sử cho con cháu nghe, góp phần khơi dậy niềm tự hào, truyền thống yêu nước cho thế hệ trẻ.
Ông Nguyễn Văn Huấn, khối 11, phường Hoàng Văn Thụ, (thành phố Lạng Sơn) với vết thương ở cánh tay trái khi tham gia chiến dịch năm xưa |
Chiến thắng 30/4/1975 đến giờ đối với ông Nguyễn Văn Huấn, trú tại khối 11, phường Hoàng Văn Thụ, thành phố Lạng Sơn vẫn như một giấc mơ. Ký ức của ông về sự kiện này gắn với những chuyến hành quân vượt suối, băng rừng; những ngày làm nhiệm vụ công binh dưới mưa bom, bão đạn. Ông Huấn kể: Trong chiến dịch, tôi được biên chế vào Trung đoàn 279, Bộ Tư lệnh Công binh, đơn vị được giao nhiệm vụ đánh vào hướng Tây Nam của Sài Gòn. Là bộ đội công binh, tôi và đồng đội lỉnh kỉnh nào cuốc, nào xẻng và đặc biệt không thể thiếu súng. Ngày đêm đơn vị tổ chức dọn đường để xe và bộ đội ta tiến vào Sài Gòn. Đến các huyện của tỉnh Long An, đơn vị gặp phải nhiều đầm lầy, tôi và đồng đội phải lấy tre, lau sậy, cây cỏ phủ lên cho xe tăng của bộ đội ta đi qua. Trên đường hành quân chiến đấu, do sức ép của bom đạn, tai phải của tôi bị thủng màng nhĩ, cánh tay trái tôi cũng bị nhiều mảnh bom găm vào. Lúc này, thế đánh quân ta như chẻ tre, khiến tôi quên mất mình đang bị thương mà vẫn tiếp tục làm nhiệm vụ. Đến trưa ngày 30/4, nghe tin Dương Văn Minh tuyên bố đầu hàng vô điều kiện, anh em, đồng đội ôm chầm lấy nhau, vừa cười, vừa khóc vì sung sướng. Niềm vui chiến thắng cứ kéo dài mãi, là động lực để chúng tôi tiếp tục làm nhiệm vụ trong những ngày sau giải phóng…
Theo thống kê của Hội Cựu chiến binh tỉnh, Lạng Sơn có trên 200 người từng trực tiếp tham gia chiến dịch Hồ Chí Minh năm 1975. Trong đó có 80 người thuộc lữ đoàn xe tăng, còn lại lính bộ binh, công binh. Hằng năm, những người cùng đơn vị năm xưa đều tổ chức gặp mặt để ôn lại những kỷ niệm một thời hoa lửa. Hầu hết họ nay đã cận kề tuổi xưa nay hiếm, có người là thương binh, có người là bệnh binh, mỗi người một hoàn cảnh khác nhau nhưng họ đã và đang tiếp tục phát huy vai trò, phẩm chất anh bộ đội Cụ Hồ trên mặt trận mới. Nếu trong chiến đấu, họ là những con người anh dũng, thì ở đời thường, dù còn nhiều khó khăn, vất vả, họ vẫn là tấm gương sáng trong mọi mặt đời sống để con cháu noi theo.
HOÀNG HUẤN
Ý kiến ()