Ký ức năm xưa và cuộc sống hôm nay
Ông Nguyễn Vũ Tặng, thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia kinh doanh dịch vụ đồ điện, hàng sắt và thay thế phụ tùng xe đạp tại nhà |
Chiến thuật chặn đầu khóa đuôi
Ông Nguyễn Vũ Tặng, khu 4, thị trấn Bình Gia, huyện Bình Gia là một cựu chiến binh trong cuộc kháng chiến trường kỳ cứu nước. Là trung đội trưởng 1 trung đội trinh sát thuộc đơn vị C3-D2-E5, Sư đoàn 350, ông từng tham gia nhiều cuộc trinh sát tại chiến trường Quảng Trị. Ông kể: Lính trinh sát phải có bản lĩnh, tinh tường và khôn khéo. Trong các cuộc trinh sát, ông và đồng đội luôn nắm bắt tốt tình hình hoạt động của địch và thu thập được nhiều tài liệu quan trọng giúp đơn vị lên kế hoạch chuẩn xác và đánh thắng kẻ thù ở nhiều trận chiến. Trong các cuộc trinh sát thì cuộc trinh sát tại Bến Cát để lại ấn tượng khó phai nhất trong ông. Ông Tặng kể: “Vào một ngày mùa xuân năm 1972, tôi và đồng đội được giao nhiệm vụ trinh sát để đơn vị lên kế hoạch khóa đường rút lui của địch. Trong lúc làm nhiệm vụ, chúng tôi phát hiện 8 chiếc xe tăng ngụy đi từ hướng Sài Gòn đến Bến Cát. Vừa tiến vào Bến Cát, quân ngụy trên xe tăng giơ tay đầu hàng. Bằng phán đoán, chúng tôi phát hiện đây là chiến thuật nghi binh của ngụy nhằm chi viện quân sự, tăng cường lực lượng quân ngụy tại Bến Cát. Tôi đã kịp thời báo cáo chỉ huy nhờ đó đơn vị đã lên kế hoạch tác chiến, bắn thắng một loạt xe tăng, tiêu diệt gọn quân địch giúp giải phóng Bến Cát.
Còn cựu chiến binh Chu Ngọc Sáng, thị trấn Na sầm, huyện Văn Lãng không thể nào quên những trận đánh ở đường 9 Nam – Lào, mặt trận B5 và chiến dịch xuân hè 81 ngày đêm bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm 1972. Người lính già kể: “Những trận đánh bảo vệ thành cổ Quảng Trị là những trận đánh ác liệt, tàn khốc nhất mà sau này chúng tôi ví nơi đó (Quảng Trị) như cối xay thịt”. Những ký ức về những cuộc chiến đẫm máu bỗng tái hiện trong suy nghĩ của ông khiến ông kể đến đây, nét mặt buồn bã và trầm tư hơn. Ông kể tiếp: “Với chiến thuật “Chặn đầu khóa đuôi”, chúng tôi đã dùng súng B40, B41 bắn tan xác đoàn xe tăng địch dài hàng kilomet. Trong chiến tranh, nhiều đồng đội của tôi đã ra đi không quay trở lại hoặc bị thương nặng. Tiểu đội của tôi lúc bấy giờ thuộc C3-D2-E27-F390 có 12 người thì chỉ còn 1 nửa sống sót. Sự tàn khốc của chiến tranh không có lời nào tả hết được. Chiến tranh đồng nghĩa với tro tàn, máu và nước mắt”.
Mong ước của những người lính già
Sau chiến tranh, những chiến sĩ tại mặt trận Quảng Trị năm xưa trở về đời thường luôn giữ nếp sinh hoạt như trong quân ngũ; nỗ lực, vươn lên trong lao động, sản xuất và xây dựng gia đình văn hóa. Nhiều người đã từng công tác trong các cơ quan, ban, ngành, đoàn thể các cấp trong tỉnh và tham gia phát triển kinh tế hộ từ các mô hình trồng trọt, chăn nuôi, kinh doanh dịch vụ. Điển hình trong đó là ông Hoàng Duy Trọng, xã Hoàng Văn Thụ, huyện Bình Gia với mô hình sản xuất ngói không nung và vật liệu xây dựng cho thu nhập trên 200 triệu đồng/năm, tạo công ăn việc làm cho trên 10 lao động; ông Nguyễn Vũ Tặng, thị trấn Bình Gia với mô hình kinh doanh dịch vụ và chăn nuôi thu nhập trên 100 triệu đồng/năm…
Hội Chiến sĩ bảo vệ thành cổ mặt trận Quảng Trị năm 1972 tỉnh Lạng Sơn có trên 100 người thì nay còn 94 người còn sinh sống và tham gia sinh hoạt, người trẻ nhất năm nay cũng đã 65 tuổi, người già nhất 76 tuổi. Mặc dù đã bước vào tuổi “thất thập cổ lai hy” nhưng mỗi dịp 30/4 hằng năm, những người lính bảo vệ thành cổ Quảng Trị năm xưa thường gặp mặt ôn lại những ký ức một thời chiến đấu oanh liệt hoặc tổ chức đi thăm lại chiến trường xưa. Ông Long Văn Nam, Chủ tịch Hội Chiến sĩ bảo vệ thành cổ mặt trận Quảng Trị năm 1972 tỉnh Lạng Sơn tâm sự: “Điều chúng tôi mong muốn hơn cả chính là thế hệ trẻ, con, cháu biết tôn trọng, gìn giữ những trang sử vàng cha ông để lại và không ngừng nỗ lực học lập, lao động để xây dựng quê hương Xứ Lạng nói riêng, đất nước Việt Nam nói chung ngày càng phát triển, giàu mạnh”.
Ý kiến ()