Chủ nhật, 24/11/2024 05:38 [(GMT +7)]
Ký ức một thời
Thứ 6, 27/08/2010 | 08:14:00 [(GMT +7)] A A
LSO-Nghe tiếng cụ từ lâu, nay tôi mới có dịp được gặp. Chúng tôi thật sự ngạc nhiên, mặc dù đã ở lứa tuổi ngót cửu thập niên mà trông cụ vẫn mạnh khoẻ, minh mẫn lạ thường. Đó là cụ Hồ Công Oanh, nguyên Trưởng phòng thu quốc doanh Bộ Tài chính. Sau khi chúng tôi nói lý do xin gặp, cụ bắt đầu kể:
“Sau ngày giải phóng hoàn toàn miền Nam thống nhất đất nước, cùng với niềm vui chiến thắng, nhân dân miền Nam đã bắt tay vào xây dựng lại một chính quyền mới, chính quyền XHCN. Khi đó Bộ Tài chính có chủ trương đưa một số cán bộ nòng cốt của ngành biệt phái tăng cường vào miền Nam để xây dựng nền tài chính- kinh tế mới XHCN. Lúc này tôi đang làm Trưởng phòng tài chính thị xã. Biết được chủ trương đó, tôi làm đơn và Ty Tài chính Lạng Sơn chấp thuận ngay, đó cũng là lúc tôi vừa tốt nghiệp đại học. Tôi giữ bí mật không cho gia đình biết, khi có quyết định tôi mới thông báo cho mọi người trong nhà. Bà nhà tôi rất thương tôi và lo cho tôi lắm, năm ấy tôi đang ở tuổi 53 mà, bà ấy rưng rức mấy đêm liền, tôi cứ phải động viên bà, bà lại nén lòng động viên tôi. Khi tôi vào Nam công tác, một mình bà ở nhà nuôi 8 đứa con ăn học, đứa út mới 13, một mẹ già hơn 80 tuổi, thế mà đứa nào cũng chăm chỉ học hành đến nay đều thành đạt”.
Chúng tôi lắng nghe và bị cuốn vào mạch chuyện của cụ, vẫn giọng sôi nổi, cụ kể: “Hồi ấy tôi còn bốc lắm, nhiệt huyết cách mạng mà. Đời tôi cũng vinh dự 2 lần được bắt tay từ đầu cùng anh em xây dựng nền tài chính mới. Lần thứ nhất là sau ngày miền Bắc được giải phóng năm 1954, tôi chuyển ngành từ bộ đội về Ty tài chính Lạng Sơn. Công việc mới mẻ và bề bộn, trình độ của anh em thì chưa có, nhưng được cái nhiệt huyết thì có dư. Số anh em có trình độ chỉ đếm được trên đầu ngón tay, hồi ấy ngành thuế chưa tách ra như bây giờ. Lần thứ hai là sau tháng 4 năm 1975, tôi vào miền Nam công tác, lần này phức tạp và nguy hiểm hơn nhiều. Tháng 5 năm 1975, đoàn Ty Tài chính Lạng Sơn gồm có tôi, ông Đặng Thế Tràng và ông Phạm Tuấn Hùng xuống tập trung ở nhà khách Bộ Tài chính đường Phan Huy Chú – Hà Nội. Cả đoàn được Bộ trưởng Bộ Tài chính Đào Thiện Thi đến động viên, ân cần dặn dò anh em trước lúc vào Nam công tác. Chúng tôi được trang bị như bộ đội, nào quần áo, ba lô, mũ cối, tăng bạt, bình toong, hangô, những thứ ấy bà nhà tôi vẫn cất kỹ trong tủ như những vật bảo bối, bà ấy bảo giữ nó để làm kỷ niệm”. Như có dịp để ngắm lại những kỷ vật thân thương, cụ bảo cụ bà mang ngay ra cho chúng tôi xem. Thật cảm động khi cụ nhấc chiếc hangô lên rồi nói: “Hai cái này đã từng giữ cơm dẻo, canh ngọt cho tôi mỗi khi đi cơ sở về muộn”. Cảm động hơn là khi tay cụ run run mở chiếc hộp nhỏ lấy ra tờ giấy được gấp gọn đưa cho chúng tôi xem, đó là tờ quyết định điều động cụ vào Nam công tác. Vừa ngắm vật kỷ niệm, cụ vừa kể: Sau 2 ngày ở nhà khách Phan Huy Chú, cả đoàn của Bộ Tài chính hơn trăm người cùng xuống Hải Phòng chờ tàu thuỷ xuất hành. Hồi ấy đường bộ, đường sắt bị chiến tranh tàn phá khốc liệt, ta chưa khôi phục ngay được. Hai mươi tám ngày chúng tôi ở Hải Phòng, đoàn Lạng Sơn chúng tôi ở nhờ nhà bà Hợp là chị gái của vợ tôi, bà nhà tôi tên là Hoà.
Con tàu xa dần bến, đất liền lùi lại phía sau, biển cả mênh mông trước mặt. Dân miền núi đã biết biển là gì đâu, vì thế mọi người và tôi đều đứng cả ra mạn tàu hóng gió và ngắm biển. Tàu chúng tôi đi thuộc Đoàn 125 hải quân vừa mới tham gia giải phóng đảo trở về. Đi trước tàu chúng tôi là một con tàu dẫn đường và rà phá thuỷ lôi. Các chú ấy bảo, thuỷ lôi của địch thả vẫn còn đầy trên biển vì vậy phải có tàu dẫn đường đi trước. Ngày hôm sau, tàu của chúng tôi gặp cơn áp thấp nhiệt đới, mặc dù chỉ cấp 5, cấp 6 thế mà chúng tôi cũng bị một bữa nôn mật xanh mật vàng. Sau hai ngày đêm lênh đênh trên biển, tàu chúng tôi cập cảng Đà Nẵng, từ Đà Nẵng chúng tôi đi vào Sài Gòn bằng ô tô. Đến Sài Gòn, đoàn Lạng Sơn được chia đi mỗi người một quận, tôi được tổ chức phân công làm Trưởng phòng thuế quận Phú Nhuận. Những ngày đầu Sài Gòn mới giải phóng, những người làm cho chế độ cũ họ bỏ về hết, họ sợ phía bên ta trả thù. Chế độ quân quản đang được thực thi, bộ đội và những người cách mạng đã tuyên truyền cho họ hiểu được sự khoan hồng của cách mạng, dần dần họ quay lại làm việc cho ta. Trong cơ quan thuế của quận có tới 90% là người miền Nam, chỉ có 10% là người miền Bắc tăng cường mới vào. Họ nói chuyện trao đổi với nhau bằng giọng Nam nên tôi cũng hơi khó hiểu. Trình độ tiếng Anh của họ thì khỏi phải nói, họ nói chuyện với nhau như tiếng mẹ đẻ, trong khi đó tôi chỉ biết nói tiếng Pháp thôi, còn tiếng Anh thì mù tịt. Điều khó khăn nhất đối với tôi là làm sao để những người cũ ở trong này họ hiểu, họ hợp tác để làm việc được trôi chảy. Ngay ở công sở cũng có những người đã từng tham gia trong hàng ngũ quân đội chế độ cũ, có những người có người thân đang trốn chạy sang Mỹ, hoặc đang trong trại cải tạo tập trung. Họ làm việc cho mình đấy nhưng thu hút họ làm việc cho mình một cách trung thực thì không phải một sớm một chiều mà họ nghe và tin ngay. Vì vậy, cuộc sống hàng ngày của tôi phải rất hoà đồng với mọi người, không được quan cách cửa quyền, không được phân biệt đối xử, phải thật sự tôn trọng trưng dụng cái tài tri thức của những người từng làm việc cho chế độ cũ.
Những ngày đầu giải phóng, Sài Gòn còn phức tạp và nguy hiểm lắm. Bọn phản cách mạng vẫn lén lút chống phá, nhiều người chưa hiểu về chế độ ta vì họ bị chế độ cũ tuyên truyền, bóp méo. Cái khó là khi tôi cùng một số anh em xuống các nhà máy, công xưởng, cơ sở kinh doanh để kiểm tra tình hình sản xuất, xác định doanh thu tính thuế, họ tiếp đón chúng tôi rất chu đáo, họ mời chả nhẽ chúng tôi không ăn, không uống, mà ăn vào thì về nhà lo ngay ngáy. Làm sao tránh được những cám dỗ vật chất để giữ vững phẩm chất cách mạng của người cán bộ thuế. Cuộc sống ngày đầu phức tạp là thế, nhưng rồi chúng tôi cũng đều vượt qua. Sau đó Bộ Tài chính đã tăng cường thêm nhiều đợt cán bộ nữa, trong này mình cũng đào tạo gấp các lớp tài chính bổ sung, quân số dần dần ổn định, công việc đi vào nền nếp. Việc tính và thu thuế cũng được đại đa số nhân dân ủng hộ, các nhà máy, công xưởng họ đều tự giác chấp hành chế độ thuế rất tốt. Thấm thoắt thế mà 10 năm tròn tôi công tác ở Sài Gòn. Đến năm 1985 tôi được về nghỉ hưu, khi ấy tôi đã ở tuổi 63, 10 năm đối với tôi có biết bao những kỷ niệm vui buồn…”
Câu chuyện mà cụ Hồ Công Oanh – một cán bộ lão thành của ngành thuế kể cho chúng tôi nghe, nó như ngọn lửa hồng tiếp thêm sức mạnh, khí thế và tinh thần cách mạng, giúp chúng tôi – những người cán bộ thuế càng hiểu thêm giá trị nền tảng của ngành tài chính nước nhà, giúp chúng tôi vượt qua những thách thức của thời kỳ đổi mới, thời kỳ mở cửa hội nhập kinh tế quốc tế hiện nay. Điều đó đã thôi thúc chúng tôi thêm tinh thần vươn lên vượt qua mọi khó khăn gian khổ, cám dỗ đời thường để góp phần sức lực của mình vào phục vụ Đảng, Nhà nước và nhân dân.
(Ghi theo lời kể của cụ Hồ Công Oanh)
Đang tải dữ liệu
Poll
Ý kiến ()