Ký ức hào hùng của chiến sĩ Điện Biên
- Những ngày đầu tháng 5 lịch sử này, chúng tôi gặp gỡ, trò chuyện cùng những cựu chiến binh trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa. Đã 70 năm trôi qua, những chiến sĩ Điện Biên ngày ấy nay đều đã ngoài 90 tuổi nhưng ký ức về Điện Biên vẫn luôn khắc ghi trong tâm trí họ.
Tiếp chúng tôi trong buổi sớm đầu tháng 5, ông Hoàng Anh Trọng (sinh năm 1932) ở số nhà 69, ngõ 63, đường Bến Bắc, thành phố Lạng Sơn - người trực tiếp tham gia chiến dịch Điện Biên Phủ năm xưa bồi hồi nhớ lại: Trong chiến dịch Điện Biên Phủ, tôi và đơn vị được được cử tăng cường cho Đại đoàn 304, tôi được giao nhiệm vụ công binh, chuyên đào hầm chứa pháo, đạn. Bấy giờ, ngoài súng, mỗi công binh đều có một xẻng nhỏ mang theo để đào hầm, hào phục vụ chiến đấu và đào hầm tự giấu mình không cho địch phát hiện. Đặc biệt, trong ba lô mỗi chiến sĩ đều có một chăn mỏng hoặc chiếc khăn để đắp khi ngủ và để đồng đội chôn cất khi hy sinh.
Ông xúc động: Sau đợt 1 của chiến dịch đánh vào cứ điểm Him Lam (ngày 13 và 14/3/1954), tôi và 2 đồng chí khác trong đơn vị được giao nhiệm vụ đánh trận nghi binh ở khu vực Hồng Cúm. Khi các trận địa pháo của ta từ các hướng lần lượt bắn vào các cứ điểm của địch, tôi và đồng đội được lệnh đồng thời bắn pháo tạo trận địa nghi binh. Kết quả là địch nã pháo, thả bom liên tục vào trận địa nghi binh. Trước sức ép của bom, đạn, tôi bị chảy máu ở tai, mũi và sau đó không biết gì nữa. Khi tỉnh dậy tôi thấy mình đã được đưa về tuyến sau điều trị. Sau điều trị, tôi được cử quay trở lại đơn vị làm nhiệm vụ thu dung sau chiến dịch.
Khi được hỏi về ký ức sâu sắc nhất trong chiến dịch, ông Trọng chia sẻ: Với người lính Điện Biên, những nắm cơm muối, điếu thuốc chia nhau, hay bát canh rau rừng trong ngày nắng như thiêu như đốt... là những kỷ niệm sâu đậm. Đối với tôi, sau khi bị thương và được đưa về tuyến sau, lúc đó người như không còn chút sức lực nào. Tôi được đồng chí tiểu đội trưởng ân cần hỏi thăm, tự tay pha cho cốc nước đường. Bước qua ranh giới giữa sự sống và cái chết, tình đồng đội, sự quan tâm của chỉ huy dành cho chiến sĩ, đó là kỷ niệm mà tôi nhớ mãi cho tới giờ.
Còn cựu chiến binh Phùng Long, 93 tuổi, ở số 7, đường Nguyễn Văn Ninh, phường Tam Thanh, thành phố Lạng Sơn chia sẻ: Cuối tháng 11/1953, tôi và đơn vị được lệnh hành quân lên Điện Biên chuẩn bị cho chiến dịch Trần Đình (mật danh của chiến dịch Điện Biên Phủ). Bấy giờ tôi được biên chế sang Trung đội 3, Đại đội 802, Tiểu đoàn 3, Trung đoàn 45, Đại đoàn 351, với nhiệm vụ là pháo thủ dự bị.
Ông Long nhớ lại: Trong chiến dịch, đơn vị chúng tôi được lệnh thực hiện nhiều trận nghi binh nhằm đánh lạc hướng địch. Các chiến sĩ tham gia trận nghi binh với trận địa thực của ta đảm bảo liên lạc thông suốt, thực hiện bắn pháo cùng một thời điểm để địch không phân biệt được đâu là trận địa thật, đâu là trận giả. Tôi còn nhớ trận địa nghi binh ở gần khu vực Bản Kéo, bấy giờ chỉ có 4 đồng chí thực hiện nhiệm vụ và đều chưa lập gia đình, chúng tôi xác định "trận này đi không trở về", bởi sau loạt pháo nghi binh thì địch đồng thời phản pháo lại và thả bom, nguy cơ hy sinh cao. Nhưng anh em động viên nhau "tất cả vì chiến thắng, đồng đội và Nhân dân sẽ không quên chúng ta đâu…", cũng may mắn sau trận nghi binh, cả 4 anh em không ai bị thương.
Sau các trận nghi binh, ông cùng đơn vị được giao phục vụ đánh vào các cứ điểm: A1, C1, E1, chế áp pháo binh địch, sát thương và tiêu diệt một lực lượng cơ động địch ở trung tâm phía Đông sân bay Mường Thanh. Trong tháng 4/1954, với nhiệm vụ pháo thủ, ông Long và một số đồng chí trong đơn vị được giao tìm cách thu lấy đạn pháo của địch khi thả dù xuống sân bay Mường Thanh. Giao thông hào từ đơn vị đóng quân ra khu vực sân bay Mường Thanh dài khoảng 700 - 800 m; việc di chuyển ra thu lấy đạn pháo rất nguy hiểm do địch ở trên máy bay và các lô cốt trên cao dễ phát hiện ta. Song, với lòng dũng cảm, ngụy trang tài tình, ông và đồng đội đã thu về nhiều đạn pháo phục vụ chiến dịch, với phương châm "lấy đạn của địch bắn lại địch".
Giọng ông Phùng Long nghẹn lại: Bấy giờ chiến dịch diễn ra ác liệt, ban đầu trung ương chỉ đạo thực hiện theo phương châm "đánh nhanh, thắng nhanh", sau chuyển thành "đánh chắc, tiến chắc". Tôi nhớ mãi nhiều lần trước khi ra trận địa, chỉ huy nói "trận này xác định đi sẽ không có về…", ý chỉ về sự ác liệt, hy sinh, tôi đáp rằng “điều này tôi đã xác định từ khi nhập ngũ rồi, chỉ mong sao góp sức đánh đuổi quân thù”. Tôi may mắn sống sót sau chiến dịch và tiếp tục cống hiến cho cách mạng những năm sau đó, nhưng rất nhiều đồng đội tôi đã vĩnh viễn nằm lại ở mảnh đất Điện Biên.
Theo tư liệu lịch sử, trong cuộc kháng chiến chống Pháp nói chung, chiến dịch Điện Biên Phủ nói riêng, rất nhiều chiến sĩ, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến của quê hương Lạng Sơn đã có mặt trên khắp các mặt trận ác liệt, anh dũng chiến đấu lập nhiều chiến công xuất sắc, góp phần xương máu vào thắng lợi chung của toàn quân và toàn dân ta, làm nên chiến thắng “Lừng lẫy năm châu, chấn động địa cầu”.
Trở về đời thường, những người lính Điện Biên năm xưa vẫn giữ vững và phát huy phẩm chất Bộ đội Cụ Hồ, nỗ lực khắc phục khó khăn, nuôi dạy con cháu trưởng thành. Các cựu chiến binh thường xuyên nhắc nhở, động viên con cháu tiếp tục phát huy tinh thần, hào khí Điện Biên, xây dựng quê hương giàu đẹp, văn minh, xứng đáng với những hy sinh xương máu của ông cha vì độc lập, tự do của dân tộc.
Theo rà soát, tổng hợp của ngành chức năng, trên địa bàn tỉnh hiện nay có trên 80 chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến đang sinh sống. Những thanh niên năm nào nay tuổi đã cao, sức khỏe yếu, trí nhớ có giảm sút nhưng đa phần khi được hỏi, ký ức về chiến dịch Điện Biên Phủ như vẫn vẹn nguyên trong chiến sĩ Điện Biên, thanh niên xung phong, dân công hỏa tuyến, bởi đó là thanh xuân đẹp nhất, thanh xuân sống và chiến đấu trong gian khổ, hy sinh, vì lý tưởng, mục tiêu cao đẹp.
Được trò chuyện, được nghe những người lính Điện Biên kể về những ký ức bi tráng, hào hùng, thế hệ trẻ chúng tôi càng thấy trân quý hơn những giá trị lịch sử mà thế hệ cha ông ta đã gây dựng. Câu chuyện về những chiến công, hy sinh của thế hệ cha ông ta trong chiến dịch Điện Biên Phủ là bản hùng ca vang mãi... Bản hùng ca ấy sẽ còn được thế hệ sau viết tiếp vào trang sử mới của dân tộc, trong sự nghiệp xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Như lời chia tay cựu chiến binh Phùng Long nhắn nhủ chúng tôi: "Các cháu phải ra sức học tập, rèn luyện, cống hiến để góp sức cùng đất nước tiếp tục làm nên những chiến thắng "lừng lẫy" trên mặt trận mới, trong thời kỳ mới"...
Ý kiến ()