Ký ức cách mạng qua lời kể của người cựu binh
– Năm nào cũng vậy, cứ đến dịp Quốc khánh 2/9, Trung tá Nguyễn Hiệp Tâm, sinh năm 1928, trú tại thôn Liên Sơn, xã Vũ Lăng, huyện Bắc Sơn lại không khỏi bồi hồi, xúc động nhớ về ngày Nhân dân cả nước nghẹn ngào lắng nghe Bác Hồ trịnh trọng đọc bản Tuyên ngôn độc lập, khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Được sự giới thiệu của Chủ tịch Hội Cựu chiến binh xã Vũ Lăng, chúng tôi đến thăm nhà người cựu binh “lão làng” nhất ở huyện Bắc Sơn. Đã ngoài 90 nhưng ông Tâm vẫn rất khỏe mạnh, đĩnh đạc với phong thái của người lính Bộ đội Cụ Hồ. Khi nghe chúng tôi hỏi về ký ức những ngày tham gia cách mạng và ngày Quốc khánh 2/9/1945, ông cười vui và trong giọng nói, nụ cười ấy đều ánh lên niềm tự hào, phấn khởi.
Ông Tâm kể: Ông tham gia cách mạng từ tháng 3/1945, khi ông mới 17 tuổi. Trong ký ức của ông, ngày 2/9/1945, ngày Bác Hồ đọc bản Tuyên ngôn Độc lập khai sinh ra nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa, người dân xã Vũ Lăng đã không khỏi xúc động, nghẹn ngào. Ông Tâm vẫn nhớ như in cảnh người dân khắp các thôn xóm của xã Vũ Lăng ai ai cũng tràn ngập niềm vui, lá cờ Tổ quốc “nhuộm đỏ” một góc trời. Dù không có mặt tại Quảng trường Ba Đình lúc bấy giờ nhưng việc được chào cờ và cất vang bài hát Quốc ca chính là niềm vinh dự không thể kể siết đối với ông và người dân Vũ Lăng khi ấy. Cũng từ đó, Nhân dân trên địa bàn xã Vũ Lăng ai cũng hăng hái, phấn khởi tham gia Mặt trận Việt Minh.
Trung tá Nguyễn Hiệp Tâm cùng chắt nội cập nhật thông tin qua báo chí
Sau Cách mạng Tháng Tám, dân tộc ta bước sang một trang mới, ông Nguyễn Hiệp Tâm tiếp tục cống hiến sức trẻ của mình để phục vụ cách mạng. Từ tháng 12/1945 đến tháng 11/1946, ông Tâm tham gia Đội tự vệ của xã. Đến ngày 1/12/1946, nghe theo tiếng gọi thiêng liêng của Tổ quốc, chàng trai 18 tuổi lên đường nhập ngũ, được phân công vào Đại đoàn 517, Trung đoàn 28, đóng quân tại Lạng Sơn. 2 năm ra chiến trường, ông Nguyễn Hiệp Tâm chứng kiến sự tàn ác dã man của quân địch với dân ta. Song, với tinh thần thép, sự gan dạ và lòng căm thù giặc sâu sắc, ông xung phong xông pha ra chiến trường. Suốt năm tháng đó là những ngày “ăn lán, ngủ rừng”, ban ngày “đập đá vá đường”, ban đêm tìm cách phục kích, chặn đường tiến công của địch.
Tháng 8/1948, ông Nguyễn Hiệp Tâm vinh dự được đứng vào hàng ngũ của Đảng khi mới 20 tuổi. Những năm sau đó, ông tiếp tục tham gia cách mạng với tinh thần hăng hái, sôi nổi. Ông cho biết, trong cuộc kháng chiến chống Pháp, ông đã tham gia gần 50 trận đánh lớn nhỏ. Khi cuộc chiến bước vào giai đoạn ác liệt nhất, ông xung phong tham gia chiến dịch Biên giới Thu Đông năm 1950. Kết thúc kháng chiến, ông tiếp tục vào chiến trường miền Nam đánh Mỹ. Năm 1965, ông được cấp trên tin tưởng cử sang Lào làm chuyên gia tác chiến.
Khi được hỏi về kỷ niệm sâu nặng khi hoạt động ở nước bạn, ông Tâm kể: Trong một trận đánh năm 1966, tôi không may bị địch đâm xuyên phổi, đau đến không thể gượng dậy. Rất may, tôi được đồng đội phát hiện và khiêng từ trận địa ven thị xã Xiêng Khoảng đi suốt một đêm để đến được bệnh viện dã chiến của Lào trong rừng. Tôi được các bác sĩ nước bạn cứu chữa, 1 tháng sau, tôi hồi phục và tiếp tục trở về đơn vị công tác.
Năm 1956, ông kết hôn với nữ thanh niên xung phong Lường Thị Lành, người cùng quê. Sau khi kết hôn, ông Tâm tiếp tục ra chiến trường, vợ và con ở nhà nương tựa nhau sống. Ông Nguyễn Văn Tươi, con trai duy nhất của ông Nguyễn Hiệp Tâm cho biết: Từ nhỏ, tôi đã quen chỉ có mẹ bên cạnh, nên khi cha trở về từ chiến trường, tôi bỡ ngỡ và không ngừng khóc khi cha đến gần. Lớn lên, tôi mới hiểu những ngày ông xa gia đình là những ngày ông đang chiến đấu để bảo vệ bình yên Tổ quốc…
Từ những ngày tham gia cách mạng, ông Tâm kiêm nhiệm nhiều chức vụ, từ Đội trưởng đội Thiếu niên tiền phong, Tiểu đội trưởng, Chính trị viên trung đội, đại đội, Huyện Đội trưởng… Năm 1984, ông được phong quân hàm Trung tá. Nửa đời người sống vì Tổ quốc, sự cống hiến của ông Nguyễn Hiệp Tâm được Đảng, Nhà nước ghi nhận. Trong nhà người cựu chiến binh già hiện vẫn treo một hàng dài những huân, huy chương kháng chiến cùng nhiều bằng khen, giấy khen từ trung ương, tỉnh, huyện. Ông cũng vinh dự được Nhà nước Lào tặng nhiều huân, huy chương cao quý. Năm 2019, ông vừa nhận Huy hiệu 70 năm tuổi Đảng.
Tạm biệt ông Tâm sau cuộc trò chuyện, điều đọng lại trong chúng tôi là sự kính trọng, ngưỡng mộ, khâm phục sự dũng cảm, tinh thần yêu nước của người cựu binh này. Ông Tâm khiến chúng tôi nhớ đến những câu thơ trong tác phẩm “Bài ca mùa xuân 1961” của nhà thơ Tố Hữu: “Trái tim anh đó/Rất chân thật chia ba phần tươi đỏ/Anh dành riêng cho Đảng phần nhiều/Phần cho thơ và phần để em yêu…”
Ý kiến ()