Ký Tuyên bố chung kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Hải quan
Sáng 15-12, tại Phú Quốc, trước sự chứng kiến của Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng và Bộ trưởng Thương mại Ủy ban Kinh tế Á - Ấu A.A.Xlép-nhép ký Tuyên bố chung kết thúc đàm phán Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam và Liên minh Hải quan Nga - Bê-la-rút - Ca-dắc-xtan (VCUFTA).
* Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Thương mại Ủy ban Kinh tế Á – Ấu
Liên minh Hải quan Nga – Bê-la-rút – Ca-dắc-xtan (LMHQ) là thị trường xuất khẩu hàng hóa truyền thống của Việt Nam, có quy mô tiêu dùng rộng lớn với 170 triệu dân và đang phát triển, với nhiều tiềm năng và thế mạnh trong công nghiệp, khoa học-kỹ thuật. Thời gian gần đây, đầu tư của Việt Nam vào LMHQ tăng trưởng rõ rệt. Được chính thức khởi động tại Hà Nội ngày 28-3-2013, sau tám phiên đàm phán chính thức và nhiều phiên họp giữa kỳ ở cấp kỹ thuật, hai bên đã cơ bản thống nhất nội dung VCUFTA với phạm vi toàn diện, mức độ cam kết cao và bảo đảm cân bằng lợi ích, có tính đến điều kiện cụ thể của từng bên. Mặt khác, đây cũng là hiệp định đầu tiên LMHQ ký với một đối tác nước ngoài. Dự kiến, hai bên sẽ hoàn thành các vấn đề kỹ thuật còn lại và hoàn tất các thủ tục nội bộ cần thiết để chính thức ký Hiệp định trong khoảng đầu năm 2015.
Phát biểu ý kiến tại lễ ký, Bộ trưởng Công thương Vũ Huy Hoàng nhấn mạnh, đây là một Hiệp định Thương mại tự do (FTA) thế hệ mới và toàn diện, bao gồm các lĩnh vực, từ thương mại hàng hóa, thương mại dịch vụ và đầu tư. Với hiệp định này, Việt Nam và LMHQ sẽ có thêm nhiều điều kiện để thúc đẩy quan hệ song phương cũng như thúc đẩy quan hệ của LMHQ với các nước ASEAN và khu vực.
Về phần mình, Bộ trưởng A.Xlép-nhép cho rằng, khi VCUFTA được ký kết và triển khai, chắc chắn thương mại hai chiều sẽ tăng trưởng mạnh mẽ, đồng thời thúc đẩy đầu tư giữa các nền kinh tế thành viên nhờ các rào cản được giảm bớt. VCUFTA cũng sẽ tạo thêm hàng chục nghìn công ăn việc làm tại mỗi nước và thúc đẩy sự phát triển kinh tế – xã hội của các nước thành viên Hiệp định.
Theo VCUFTA, phía LMHQ dành cho Việt Nam ưu đãi thuế quan, tạo thêm cơ hội xuất khẩu đối với các nhóm hàng Việt Nam có lợi ích cơ bản như nông sản, tất cả các mặt hàng thủy sản, dệt may, da giày và đồ gỗ. Phía Việt Nam đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình cho LMHQ đối với một số sản phẩm chăn nuôi, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải. Các mặt hàng này đều không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam mà ngược lại, góp phần làm đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng trong nước. Các cam kết khác về dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, giải quyết tranh chấp… đều được thống nhất trên cơ sở các quy định của WTO, bảo đảm cân bằng lợi ích, phù hợp quy định pháp luật trong nước và không ảnh hưởng các cuộc đàm phán khác của Việt Nam hiện nay.
* Sáng cùng ngày, tại huyện đảo Phú Quốc, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng tiếp Bộ trưởng Thương mại Ủy ban Kinh tế Á – Ấu A.A.Xlép-nhép, Trưởng đoàn Đàm phán VCUFTA với Việt Nam.
Phát biểu ý kiến tại buổi tiếp, Thủ tướng Nguyễn Tấn Dũng đánh giá cao nỗ lực của hai đoàn đàm phán, trên tinh thần hiểu biết, xây dựng, đã cơ bản kết thúc đàm phán FTA thế hệ mới và toàn diện giữa Việt Nam và LMHQ. Thủ tướng đề nghị, hai bên tích cực, nhanh chóng hoàn thiện các công việc còn lại, hoàn tất các thủ tục nội bộ để ký Hiệp định ngay đầu năm 2015. Thủ tướng đánh giá, sự kiện này là một bước tiến mới, quan trọng, đưa quan hệ truyền thống, hữu nghị tốt đẹp giữa Việt Nam với LB Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan lên tầm cao mới, hợp tác chặt chẽ và bổ trợ cho nhau cùng phát triển.
Thủ tướng bày tỏ tin tưởng, cùng với quan hệ chính trị, kinh tế, thương mại, đầu tư, Hiệp định này còn là điều kiện để Việt Nam và LMHQ tăng cường hợp tác trên nhiều lĩnh vực khác như giáo dục – đào tạo, khoa học – kỹ thuật; văn hóa…, đồng thời mở rộng không gian hợp tác và thị trường cho các nền kinh tế thành viên của Hiệp định. Thủ tướng khẳng định chính sách nhất quán của Việt Nam là coi trọng, mong muốn, làm hết sức mình cùng với ba nước tăng cường quan hệ hợp tác thiết thực, hiệu quả, cùng phát triển và thịnh vượng, tương xứng với quan hệ cũng như mong muốn của lãnh đạo các bên. Thủ tướng cảm ơn sự ủng hộ, giúp đỡ to lớn, quý báu của Nga, Bê-la-rút, Ca-dắc-xtan đối với Việt Nam trong những năm tháng đấu tranh giành độc lập dân tộc, thống nhất đất nước trước đây cũng như xây dựng đất nước sau này.
Tại buổi tiếp, Bộ trưởng A.Xlép-nhép bày tỏ tin tưởng, VCUFTA khi có hiệu lực sẽ tạo ra không gian hợp tác rộng lớn và công cụ hợp tác hiệu quả giữa hai bên vì Việt Nam là một nước thuộc châu Á – Thái Bình Dương duy nhất tham gia tất cả các quá trình liên kết và hội nhập của khu vực; trong khi đó, từ 1-1-2015, LMHQ sẽ chuyển thành Liên minh Kinh tế Á – Ấu với sự tham gia thêm của Ác-mê-ni-a và Cư-rơ-gư-xtan. Quá trình này sẽ giúp Việt Nam trở thành cầu nối giữa hai khu vực kinh tế lớn và quan trọng của thế giới. Ông A.Xlép-nhép cũng tin tưởng, việc ký VCUFTA sẽ giúp kim ngạch thương mại song phương Việt Nam và LB Nga có thể đạt mốc 10 tỷ USD vào trước năm 2020, đồng thời là công cụ để thực hiện hiệu quả các dự án ưu tiên của hai nước mà lãnh đạo hai bên đã thống nhất.
Theo VCUFTA, phía LMHQ dành cho Việt Nam ưu đãi thuế quan, tạo thêm cơ hội xuất khẩu đối với các nhóm hàng Việt Nam có lợi ích cơ bản như nông sản, tất cả các mặt hàng thủy sản, dệt may, da giày và đồ gỗ. Phía Việt Nam đồng ý mở cửa thị trường có lộ trình cho LMHQ đối với một số sản phẩm chăn nuôi, máy móc, thiết bị, phương tiện vận tải. Các mặt hàng này đều không cạnh tranh với hàng hóa Việt Nam mà ngược lại, góp phần làm đa dạng hóa thêm thị trường tiêu dùng trong nước. Các cam kết khác về dịch vụ, đầu tư, sở hữu trí tuệ, cạnh tranh, phòng vệ thương mại, hàng rào kỹ thuật trong thương mại, giải quyết tranh chấp… đều được thống nhất trên cơ sở các quy định của WTO, bảo đảm cân bằng lợi ích, phù hợp quy định pháp luật trong nước và không ảnh hưởng các cuộc đàm phán khác của Việt Nam hiện nay.
Theo Nhandan.vn
Ý kiến ()