Kỹ thuật thâm canh cây hồi bền vững
Nông dân xã Khánh Khê, huyện Văn Quan phun thuốc phòng trừ sâu hại lá hồi |
Hiện tổng diện tích hồi tại Lạng Sơn có khoảng 34.000 ha. Trung bình mỗi héc ta thu hoạch được gần 29 tấn hồi tươi. Tổng sản lượng hồi khô hằng năm đạt từ 6.000 – 7.000 tấn. Trong những năm gần đây, năng suất, chất lượng, sản lượng hồi chịu tác động một phần do thời tiết, sâu bệnh (bọ ánh kim, sâu ăn lá) và một phần là do kỹ thuật thâm canh theo truyền thống của bà con. Để đảm bảo canh tác hồi có hiệu quả về kinh tế, bền vững về môi trường, thời gian qua, các ngành liên quan, các nhà khoa học trong và ngoài tỉnh đã nghiên cứu đưa ra kỹ thuật thâm canh bền vững nhằm nâng cao năng suất, chất lượng sản phẩm hồi.
Theo đó, để thâm canh cây hồi bền vững cần đảm bảo thực hiện đúng các yếu tố về giống; cây trồng; kỹ thuật trồng, chăm sóc, nuôi dưỡng rừng hồi; thu hoạch và sơ chế. Về cây giống, cây con phải được từ 18-24 tháng; sinh trưởng bình thường, cứng cáp, không sâu bệnh. Cây hồi thích hợp với khí hậu nhiệt đới gió mùa, mát, ít sương muối, không quá lạnh, nhiệt độ trung bình năm 21 – 220C; thích hợp nhất trên đất feralit màu nâu, vàng đỏ. Nên trồng hồi vào ngày râm mát trong tháng 2, 3, 7, 8, 9 dương lịch. Có thể trồng thuần, xen canh hoặc trồng phân tán nhưng phải đảm bảo mật độ 400 cây/ha (5m x 5m) hoặc 500 cây/ha (4m x 5m). Cây hồi mới trồng cần được chăm sóc trong 5 năm liền, mỗi năm chăm sóc 1 hoặc 2 lần gồm: phát thực bì, phát dây leo và cỏ dại xâm lấn, xới gốc, phòng trừ sâu bệnh, bón phân. Trong kỹ thuật nuôi dưỡng, đối với hồi bắt đầu cho quả, cần kết hợp chăm sóc và tỉa cành. Khi rừng hồi trong quá trình kinh doanh từ năm thứ 6 trở đi tiến hành nuôi dưỡng chăm sóc 2 lần/năm. Với rừng hồi già, lâu năm cần phục tráng bằng cách tỉa thưa, tỉa cành, tạo tán, trồng bổ sung hoặc thay thế, chăm sóc. Trong quá trình cây hồi sinh trưởng cần bảo vệ bằng cách phòng trừ sâu bệnh; phòng chống cháy rừng và các tác hại khác. Thời điểm thu hoạch hồi tốt nhất vào tháng 3, 4, 8, 9 dương lịch. Khi thu hái nên dùng tay hoặc móc hái từng quả, tuyệt đối không được bẻ cành, làm ảnh hưởng đến quả của vụ sau.
Ông Hoàng Văn Đảy, Giám đốc Trung tâm Khuyến nông tỉnh cho biết, từ năm 2014 đến nay, đơn vị triển khai mô hình thâm canh cây hồi bền vững với quy mô 10 ha tại huyện Văn Quan. Kết quả đánh giá cho thấy, mô hình thâm canh hồi bền vững giúp nông dân tiếp cận và thực hành đúng quy trình thâm canh cây hồi phần nào đã tác động đến cách nghĩ, cách làm của người trồng hồi. Cây hồi sinh trưởng tốt, hoa trái vụ rụng ít, tỷ lệ đậu quả tăng so với thời điểm chưa áp dụng mô hình. Kết quả này mở ra triển vọng phát triển thâm canh hồi bền vững trong toàn tỉnh.
Ông Nông Ngọc Tiên, ở thôn Đông B, xã Yên Phúc, huyện Văn Quan tâm sự: gia đình có hơn 600 cây hồi, từ trước đến nay, tôi chỉ trồng và thu hái theo kinh nghiệm và để rừng hồi phát triển tự nhiên. Sau khi được tập huấn kỹ thuật thâm canh hồi bền vững, chúng tôi mới biết việc áp dụng đúng các quy trình kỹ thuật cây hồi còn cho năng suất, chất lượng cao hơn. Qua áp dụng các kỹ thuật này đối với rừng hồi, tôi nhận thấy cây hồi phát triển khỏe mạnh, ít sâu bệnh hơn hẳn.
Ông Lê Minh Thanh, Giám đốc Sở Khoa học và Công nghệ Lạng Sơn khẳng định: sở đã và đang cùng với Tổ chức phát triển Hà Lan (SNV) hợp tác với Trung tâm Nghiên cứu Lâm sản ngoài gỗ tiến hành nghiên cứu bổ sung và hoàn thiện kỹ thuật sản xuất hồi bền vững cho phù hợp với điều kiện thực tế tại Lạng Sơn. Và nếu bà con trồng hồi thực hiện theo đúng các quy trình sản xuất, chăm sóc, thu hoạch… thì giá trị sản phẩm hoa hồi của xứ Lạng chắc chắn sẽ tăng lên.
Ý kiến ()