Kỹ thuật mới trong sản xuất khoai tây
Mô hình trồng khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu có che phủ rơm rạ tại xã Xuân Mãn (Lộc Bình) |
Ba năm trở lại đây, diện tích trồng khoai tây tại Lạng Sơn có xu hướng giảm dần do nhiều nguyên nhân. Trong đó có nguyên nhân chi phí sản xuất cao, nhất là khâu làm đất. Nhằm duy trì, nhân rộng diện tích trồng, từ năm 2015, Trung tâm Khuyến nông (TTKN) tỉnh xây dựng mô hình “Sản xuất khoai tây bằng phương pháp làm đất tối thiểu có che phủ rơm rạ”.
Ông Hoàng Văn Đảy, Giám đốc TTKN cho biết: Phương pháp này áp dụng quy trình kỹ thuật, cách làm, tiêu chí mang tính khoa học. Sau khi nghiên cứu, phương pháp đã được thực hiện tại một số tỉnh phía Bắc trong đó có Lạng Sơn. So với cách làm cũ, trồng khoai tây bằng cách làm đất tối thiểu nhiều ưu việt hơn. Nông dân giảm được công lao động khâu làm đất, trồng, chăm sóc và thu hoạch; giảm lượng phân bón; tận dụng nguồn phân bón hữu cơ từ rơm rạ sau thu hoạch lúa mùa; góp phần cải tạo đất và từng bước khắc phục được tình trạng đốt rơm rạ trên đồng ruộng gây lãng phí và làm ô nhiễm môi trường…
Để trồng khoai tây theo cách này, thời vụ trồng, xử lý giống khoai tây không có gì khác so với cách làm cũ. Đáng chú ý trong khâu làm đất, kỹ thuật trồng có nhiều điểm khác biệt. Trước khi trồng, nông dân cần thu gom đủ khối lượng rơm rạ cần thiết theo tỷ lệ 3 sào rơm rạ trồng cho 1 sào khoai tây. Khi làm đất, thay vì phải cày ải theo cách làm truyền thống, thì phương pháp mới không phải cày đất và chỉ cần tạo rãnh luống 25-30 cm, sâu 20-25 cm, các rãnh luống cách nhau 1-1,2 m. Cùng đó cần tạo rãnh thoát nước xung quanh ruộng để thoát nước chung. Khi trồng đảm bảo 2 hàng cách mép luống 30-35 cm, hàng cách hàng 35-40 cm, củ cách củ 30 cm, tương đương khoảng 5 vạn củ giống/ha. Sau trồng từ 15-20 ngày, phủ bổ sung rơm lên mặt luống đảm bảo độ dày từ 10-12 cm. Khi phủ rơm chú ý ép chặt rơm xung quanh khóm khoai, tránh làm gẫy mầm. Đặc biệt không để củ giống và tia củ khi hình thành tiếp xúc với ánh sáng. Khi thu hoạch, khác với trồng theo cách đại trà thì cách làm này cần cắt thân cây khoai tây trên bề mặt rơm sau đó thu rơm để lộ toàn bộ củ trên mặt luống và tiến hành thu gom củ.
Với cách làm này, 2 vụ khoai tây gần đây, 50 hộ dân thuộc các xã: Bằng Khánh, Xuân Mãn (Lộc Bình); Hùng Sơn (Tràng Định) đã trồng thành công 4 ha khoai tây. Vụ khoai tây năm 2015, mô hình đạt 664 kg/sào. Qua hạch toán kinh tế, cho lãi khoảng 3 triệu đồng/sào. Vụ khoai tây đông năm 2016 đạt bình quân 780 kg/sào, cho lãi trên 4,1 triệu đồng/sào. Chị Hoàng Thị Hiện, thôn Pò Là, xã Xuân Mãn (Lộc Bình) cho biết: Phương pháp này dễ làm và tiết kiệm công sức làm đất, chăm bón, chi phí vật tư nông nghiệp; năng suất và hiệu quả kinh tế bằng hoặc cao hơn so với cách trồng khoai tây bằng cách làm cũ.
Ông Lý Văn Đạo, Trưởng Phòng Kế hoạch – Kỹ thuật, TTKN tỉnh cho biết: Với phương pháp làm đất tối thiểu có che phủ rơm rạ, do mầm đặt trên mặt đất, củ phát triển trên mặt đất nên hầu như mọi chân đất cấy lúa mùa đều trồng được khoai tây; không cần cày bừa, lên luống mà chỉ tạo rãnh thoát nước theo luống; tận dụng tối đa nguồn rơm rạ phủ lên mặt luống thay vì phải làm đất vun cao gốc cho cây như cách làm truyền thống. Thời điểm thu hoạch, hầu hết lượng rơm rạ phủ luống đã hoai mục cùng với phần thân, lá khoai tây trở thành lượng phân hữu cơ, bồi thêm dinh dưỡng cho đất trong vụ xuân, tiết kiệm được một phần phân bón hoá học. Khoai tây sau khi thu hoạch có mẫu mã đẹp hơn, củ sáng bóng, ít mắt; giá trị khoai thương phẩm và chất lượng giống cao hơn.
Ý kiến ()