Kỹ thuật mới trong chăm sóc cây na
Người trồng na xã Chi Lăng, huyện Chi Lăng sử dụng bẫy bả sinh học diệt ruồi vàng đục quả |
Do diễn biến thời tiết phức tạp, tình hình sâu bệnh hại trên cây na những năm gần đây có nhiều biến động. Na Chi Lăng xuất hiện một số sâu bệnh hại chính như rệp sáp, bọ phấn, bọ xít lưng gù… đặc biệt là ruồi vàng đục quả. Đặc tính gây hại của ruồi đục quả là ruồi trưởng thành cái chích sâu vào lớp vỏ quả đẻ trứng thành chùm vào chỗ tiếp giáp giữa vỏ và thịt quả từ khi quả vẫn còn xanh đến khi quả na giãn mắt. Sau khi quả na sắp chín đến khi chín thì trứng nở thành sâu non (giòi non) ăn thịt quả làm quả bị thối.
Bà Đinh Thị Thu, Phó Chủ tịch UBND huyện Chi Lăng khẳng định: Những năm qua, cây na tại huyện Chi Lăng được tăng cả về diện tích và sản lượng với 1.500 ha cho sản lượng trung bình hằng năm khoảng 15.000 tấn. Tuy nhiên, việc phát triển cây na còn gặp một số khó khăn nhất định, trong đó có việc áp dụng các biện pháp kỹ thuật phòng, trừ dịch bệnh phần nào ảnh hưởng đến chất lượng và thương hiệu sản phẩm.
Để bảo đảm năng suất, các năm trước, người trồng na thường dùng các loại thuốc hóa học để phòng trừ ruồi vàng đục quả. Do đặc điểm của loại côn trùng này có khả năng bay xa, con cái dùng vòi đẻ trứng vào bên trong vỏ quả nên việc sử dụng thuốc hóa học để phun xịt mang lại hiệu quả không cao. Việc lạm dụng thuốc hóa học gây ảnh hưởng tới hệ sinh thái vườn na và sức khỏe người sản xuất cũng như người tiêu dùng. Trung bình mỗi năm, trên địa bàn huyện có 3% – 5% số quả bị hại (tính trung bình từ đầu đến cuối vụ). Để hạn chế tác hại của ruồi đục quả cần áp dụng đồng bộ biện pháp phòng trừ. Năm 2016, UBND huyện Chi Lăng chỉ đạo sử dụng phương pháp phòng trừ ruồi vàng gây hại quả na bằng công nghệ sinh học.
Ông Phan Văn Sáu, Trạm trưởng Trạm Bảo vệ thực vật (BVTV) huyện cho biết: Phương pháp này yêu cầu người dân thường xuyên kiểm tra thăm vườn, khi phát hiện ruồi vàng gây hại thì tiến hành đặt bẫy dẫn dụ con trưởng thành đến để tiêu diệt. Bả sinh học Vizubon-D dùng để bẫy và diệt ruồi đực, làm cho ruồi cái đẻ trứng nhưng không nở thành giòi được bằng đèn bẫy. Kết hợp với đó là phun bổ sung bả sinh học Ento Pro 150DD để diệt cả ruồi đực và ruồi cái.
Để phương pháp này được thực hành đồng loạt vào cùng một thời điểm trong toàn huyện nhằm tăng hiệu quả phòng trừ, UBND huyện và các đơn vị chức năng đã hỗ trợ kinh phí, chuyển giao khoa học kỹ thuật cho nông dân. Vụ na năm 2016 và 2017, UBND huyện đã hỗ trợ kinh phí mua, cấp phát 7.614 hộp thuốc bả Vizubon-D, gần 1.300 lít bả sinh học Entro Pro 150DD cho các hộ trồng na để áp dụng đối với 100% ha diện tích. Phòng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trạm BVTV, Trạm Khuyến nông, Hội Nông dân huyện tổ chức 29 lớp tập huấn, chuyển giao kỹ thuật áp dụng phương pháp bẫy bả sinh học đối với ruồi vàng cho gần 2.100 lượt nông dân.
Đơn cử riêng xã Chi Lăng, từ năm 2016 đến nay đã được huyện cấp thuốc sinh học cho 540 hộ trồng na tại 14/14 thôn để phòng trừ ruồi vàng. Ông Phan Văn Trường, thôn Quán Thanh, xã Chi Lăng cho biết: Phương pháp này khá đơn giản, có thể mua dụng cụ bẫy bán trên thị trường hoặc tự chế bằng cách dùng chai nhựa sẫm màu khoét các lỗ; dùng dây thép cột bông đã thấm thuốc đưa vào đáy chai, đầu kia của dây thép đâm thủng đáy chai cột vào thân cây. Treo ngược chai để tránh nước mưa làm trôi thuốc, sau đó đóng nắp chai lại để theo dõi số lượng ruồi vào bẫy. Bẫy được treo trên cây, cách mặt đất từ 1,5 – 2 m, cứ 25 – 50 m treo 1 bẫy. Bẫy được treo ở nơi râm mát để đảm bảo hiệu quả của thuốc.
Đây là kỹ thuật mới trong phòng trừ ruồi vàng hại quả na ở Chi Lăng. Kỹ thuật này đem lại hiệu quả rõ rệt. Theo kết quả tính toán của Trạm BVTV huyện, vụ na năm 2016, tỷ lệ quả bị hại giảm xuống chỉ còn 1% – 2%, dự tính năm 2017, tỷ lệ quả bị hại do ruồi vàng còn giảm hơn nữa. Phương pháp này không sử dụng thuốc hóa học nên không ảnh hưởng đến môi trường, đảm bảo an toàn cho người sản xuất, an toàn cho người tiêu dùng để na Chi Lăng giữ vững thương hiệu vàng nông nghiệp Việt Nam.
Ý kiến ()