Kỹ thuật lập pháp mới “một luật sửa nhiều luật”
Luật Sửa đổi, bổ sung một số quy định của 9 luật đã được Quốc hội khóa XV thông qua tại kỳ họp bất thường lần thứ nhất, bao gồm sửa đổi các luật: Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt, Luật Thi hành án dân sự.
Giới thiệu nội dung của luật tại lễ công bố diễn ra tại Văn phòng Chủ tịch nước, đại diện lãnh đạo Bộ Tư pháp nêu rõ: Việc sửa đổi, bổ sung một số điều của 9 luật xuất phát từ yêu cầu thể chế hóa chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách của Nhà nước về xây dựng, hoàn thiện pháp luật nhằm tháo gỡ khó khăn, vướng mắc cho hoạt động sản xuất, kinh doanh và đời sống xã hội.
Ngăn chặn “trục lợi chính sách”
Trả lời những vấn đề quan tâm của phóng viên một số cơ quan báo chí, lãnh đạo Bộ Tư pháp khẳng định quan điểm chỉ đạo xây dựng luật là sửa đổi, bổ sung những vấn đề cấp bách, đã rõ, được thực tế kiểm nghiệm, có sự đồng thuận cao để khắc phục những khó khăn, vướng mắc trong thực tiễn. Và hơn nữa là “tăng cường phân quyền đồng thời bảo đảm sự kiểm soát chặt chẽ nguồn lực của đất nước”.
Lãnh đạo Bộ Tư pháp cũng cho biết, quá trình xây dựng “một luật sửa nhiều luật” năm qua nhận được sự quan tâm của xã hội, của đại biểu Quốc hội, lãnh đạo nhiều bộ, ngành. Nhận thức thống nhất của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, cơ quan thẩm tra và cơ quan soạn thảo là ưu tiên sửa đổi quy định của một số luật khác nhưng quan điểm “chỉ sửa đổi những vấn đề đã chín, đã rõ”.
Theo Thứ trưởng Tư pháp Phan Chí Hiếu, “một luật sửa nhiều luật” được xem là kỹ thuật lập pháp mới, nhưng chỉ áp dụng trong “trường hợp cấp bách, chỉ sửa những nội dung đã nhận diện được đầy đủ và đánh giá tác động kỹ lưỡng”. Ông cũng cho rằng, các cơ quan bộ, ngành hữu quan sẽ đẩy mạnh hoàn thiện hệ thống pháp luật, cố gắng hạn chế tối đa, không lạm dụng kỹ thuật lập pháp mới “một luật sửa nhiều luật” này.
Một số phóng viên đặt câu hỏi có biện pháp ngăn ngừa nào để chống tham nhũng chính sách, lợi ích nhóm khi thi hành “một luật sửa 9 luật”, Thứ trưởng Phan Chí Hiếu khẳng định các chính sách lớn tại luật này đều đã được nghiên cứu thấu đáo trong suốt năm qua, được đánh giá kỹ lưỡng, đầy đủ, được thẩm định, lấy ý kiến các đối tượng chịu sự tác động. “Thời gian tới, để hạn chế tối đa tham nhũng chính sách, rất mong báo chí khi phát hiện ra dấu hiệu tham nhũng chính sách thì kịp thời phản ánh trước công luận”- lãnh đạo Bộ Tư pháp nêu rõ.
“Ủy thác thi hành án từng phần”
Nội dung mới được cộng đồng doanh nghiệp và các chuyên gia, nhà quản lý trung ương và địa phương bày tỏ quan tâm thời gian qua là Điều 9 của Luật sửa đổi, bổ sung Điều 55, 56 và 57 Luật Thi hành án dân sự theo hướng: Làm rõ hơn trường hợp “ủy thác thi hành án từng phần” (điểm b, khoản 1, Điều 55) trên cơ sở luật hóa các nội dung trước đây giao Chính phủ quy định chi tiết; đồng thời bổ sung cơ chế ủy thác xử lý tài sản (khoản 2, Điều 55; khoản 2, Điều 57).
Đối với cơ chế ủy thác xử lý tài sản, Luật quy định rõ căn cứ ủy thác xử lý tài sản là: Trường hợp bản án, quyết định tuyên kê biên, phong tỏa hoặc tuyên xử lý tài sản để bảo đảm thi hành án mà tài sản ở nhiều địa phương khác nhau thì cơ quan thi hành án dân sự xử lý tài sản trên địa bàn, đồng thời có thể ủy thác xử lý tài sản cho cơ quan thi hành án dân sự nơi có tài sản. Luật còn quy định cụ thể trình tự, thủ tục thực hiện ủy thác xử lý tài sản.
Thứ trưởng Phan Chí Hiếu cho hay, việc quy định ủy thác tài sản một lần cho một vụ việc gây khó khăn cho quá trình thi hành án, thu hồi tài sản trong các vụ án tham nhũng, kinh tế, tạo kẽ hở thất thoát tài sản. Việc mở ra cơ chế ủy thác xử lý tài sản tại nhiều địa phương nhằm nâng cao hiệu quả thu hồi tài sản tham nhũng, tài sản trong các vụ án kinh tế trong thời gian tới.
Chia sẻ vấn đề này, Phó Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Đỗ Đức Hồng Hà cho biết: Thời gian qua công tác thu hồi tài sản tham nhũng thấp, tính trung bình chỉ thu hồi được khoảng 10% tài sản tham nhũng. Chính phủ đã phát hiện ra điểm nghẽn quan trọng, trong lần sửa đổi này đã tập trung tháo gỡ “điểm nghẽn” quy định của Luật Thi hành án dân sự, lâu nay quy định “phải xử lý tài sản xong trên địa bàn thì cơ quan thi hành án dân sự mới được ủy thác thi hành án trên các địa phương khác”.
Ý kiến ()