Kỹ thuật dẫn lưu não thất: Thêm cơ hội sống cho người đột quỵ
– Nếu như trước đây, những người bị đột quỵ não (tai biến mạch máu não) có nguy cơ tử vong cao thì giờ đây, họ có nhiều hy vọng sống, bình phục nhanh vì Bệnh viện Đa khoa (BVĐK) tỉnh đã áp dụng thành công kỹ thuật đặt dẫn lưu não thất mở và sử dụng thuốc tiêu sợi huyết trong não thất, tận dụng 24 “giờ vàng”, cứu sống bệnh nhân.
Ngày 4/3/2021, ông Vy Hồng Thắng (55 tuổi, trú tại xã Hoàng Đồng, thành phố Lạng Sơn) được đưa vào BVĐK tỉnh cấp cứu trong tình trạng đau đầu, khó nói, yếu nửa người trái. Bệnh nhân được chẩn đoán xuất huyết não, giãn não thất do khối máu tụ lớn. Ngày 5/3/2021, bác sĩ thực hiện phẫu thuật đặt dẫn lưu não thất mở và sử dụng thuốc tiêu sợi huyết trong não. Ngày 10/3/2021, bệnh nhân tỉnh táo hoàn toàn, cử động được tay, chân. Hai ngày sau, bệnh nhân được xuất viện. Người nhà bệnh nhân hết sức vui mừng, viết thư cảm ơn bác sĩ.
Bác sĩ Bệnh viện Đa khoa tỉnh chăm sóc bệnh nhân đột quỵ não sau phẫu thuật
Không chỉ với ông Thắng mà từ tháng 12/2019 đến nay, BVĐK tỉnh đã thực hiện thành công 20 ca phẫu thuật đặt dẫn lưu não thất mở cho bệnh nhân đột quỵ não, đạt tỷ lệ 100% số trường hợp bệnh này có chỉ định phẫu thuật. Để có được kết quả này, tháng 5/2019, BVĐK tỉnh đã phối hợp với Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 tổ chức chuyển giao kỹ thuật đặt dẫn lưu não thất mở và sử dụng thuốc tiêu sợi huyết trong não thất cho bệnh nhân đột quỵ não.
Bác sĩ Hoàng Mạnh Cương, Phó Giám đốc BVĐK tỉnh cho biết: Bệnh nhân xuất huyết não thất, tắc nghẽn sự lưu thông của dịch não tủy có nguy cơ tử vong cao. Nếu chuyển tuyến trên thì cũng rất nguy hiểm vì có nhiều diễn biến xấu trong quá trình vận chuyển. Được sự hỗ trợ của Bệnh viện Trung ương Quân đội 108 trong công tác đào tạo, chuyển giao kỹ thuật, BVĐK tỉnh đã triển khai thực hiện được kỹ thuật đặt dẫn lưu não thất mở và sử dụng thuốc tiêu sợi huyết trong não thất, góp phần giảm tỷ lệ tử vong, giảm di chứng cũng như thời gian và chi phí cho gia đình bệnh nhân.
Được biết, xuất huyết não, giãn não thất là một biến chứng sớm hay gặp ở các bệnh nhân đột quỵ. Nếu không được can thiệp kịp thời trong 24 giờ đầu, bệnh nhân rất dễ tử vong. Để cải thiện tình trạng này, đầu năm 2019, Ban giám đốc bệnh viện đã phê duyệt đề tài nghiên cứu của một nhóm cán bộ, bác sĩ, đồng thời cử bác sĩ có chuyên môn tốt đi tập huấn ở Bệnh viện Trung ương Quân đội 108. Tháng 12/2019, BVĐK tỉnh chính thức triển khai kỹ thuật này dưới sự hướng dẫn trực tiếp của các chuyên gia đầu ngành của trung ương.
Là 1 trong 2 bác sĩ đã thành thạo kỹ thuật đặt dẫn lưu não thất cho bệnh nhân đột quỵ não, bác sĩ Vi Hồng Đức, Phó Trưởng Khoa Ngoại Thần kinh – Lồng ngực cho biết: Bệnh nhân chảy máu não thất chiếm hơn 40% tổng số bệnh nhân tai biến não và gây tử vong cao. Do đó, chúng tôi đã xây dựng đề tài nghiên cứu khoa học, tham gia tập huấn tại bệnh viện tuyến trung ương. Sau nhiều lần được các chuyên gia trực tiếp hướng dẫn, chúng tôi đã thực hiện thành thạo các kỹ thuật đặt dẫn lưu não thất mở và sử dụng thuốc tiêu sợi huyết trong não thất. Đồng thời, tự đào tạo, chuyển giao cho hơn 30 cán bộ, bác sĩ ở các khoa, phòng. Nhờ đó, các bệnh nhân bị xuất huyết não, giãn não thất cấp đã được phẫu thuật kịp thời, giảm tử vong, di chứng, tàn phế.
Đặc biệt, để kịp thời phát hiện và xử lý, cứu sống bệnh nhân, BVĐK tỉnh đã chủ động thiết lập “hệ thống báo động đỏ” giữa 4 khoa, phòng gồm: Cấp cứu, Ngoại Thần kinh – Lồng ngực, Gây mê – Hồi sức, Hồi sức tích cực – Chống độc. Khi bệnh nhân được đưa đến Khoa Cấp cứu thì 3 khoa còn lại sẽ chủ động nắm bắt thông tin, chuẩn bị sẵn sàng để phẫu thuật, cứu sống bệnh nhân trong 24 “giờ vàng”.
Có người nhà vừa qua cơn nguy kịch, bà Hoàng Thị Liền, xã Vân An, huyện Chi Lăng cho biết: Chiều 20/3/2021, em tôi đang làm ruộng thì bị ngất; gia đình đưa vào trạm y tế xã thì được chẩn đoán tai biến mạch máu não nên chuyển thẳng lên BVĐK tỉnh. Ngày 21/3/2021, bác sĩ BVĐK tỉnh tiến hành phẫu thuật, đến nay, em tôi đã tỉnh táo trở lại và tay chân bắt đầu cử động được. Gia đình tôi rất vui mừng, cảm ơn các bác sĩ nhiều lắm.
Thực tế trên cho thấy, việc áp dụng thành công kỹ thuật dẫn lưu não thất và sử dụng thuốc tiêu sợi huyết trong não thất đã góp phần mang lại niềm vui cho nhiều gia đình bệnh nhân. Thời gian tới, BVĐK tỉnh tiếp tục phối hợp với các bệnh viện tuyến trên để chuyển giao, đưa các kỹ thuật mới, kỹ thuật cao vào điều trị nhằm không ngừng nâng cao chất lượng chăm sóc sức khỏe Nhân dân.
NGỌC HIẾU
Ý kiến ()