Kỳ thi trung học phổ thông quốc gia 2017 cần nghiên cứu, xem xét kỹ trước khi quyết định
Cách thức kiểm tra, đánh giá
Theo phương án của Bộ, năm 2017, các môn thi sẽ thi trắc nghiệm (trừ Ngữ Văn). Đây là hình thức thi hiện đại, có thể vận dụng công nghệ thông tin vào đánh giá quá trình dạy học. Phương pháp này đã được nhiều quốc gia trên thế giới áp dụng cho kết quả tốt. Một số nước có nền giáo dục phát triển: Mỹ, Anh, Đức… cũng sử dụng phương pháp này để đánh giá năng lực học sinh và lấy kết quả tuyển sinh ở nhiều cấp học. Cho nên, việc Việt Nam “đi tắt, đón đầu” để kế thừa tinh hoa nhân loại, để đổi mới căn bản và toàn diện giáo dục – đào tạo là điều cần làm.
Chúng ta đồng ý đổi mới trên cơ sở kế thừa giá trị truyền thống dân tộc và học tập kinh nghiệm quốc tế nhưng vấn đề cần bàn ở đây là đổi mới cái gì? Học cái gì, học như thế nào? Với các môn: Vật lý, Hóa học, Sinh học việc thi trắc nghiệm đã áp dụng gần 1 thập kỷ, giáo viên, học sinh và xã hội đã quen thuộc. Với các môn khoa học xã hội, người học cần bộc lộ quan điểm, suy nghĩ của mình trước vấn đề được đưa ra thì trắc nghiệm cần phải nghiên cứu kỹ, làm sao để đề thi không chỉ kiểm tra kiến thức học thuộc, không phát huy năng lực, phẩm chất của người học. Đặc biệt với môn Toán học, việc áp dụng thi trắc nghiệm toàn bộ cần xem xét kỹ. Đề thi có thể kết hợp trắc nghiệm và tự luận, dần dần chuyển hẳn sang trắc nghiệm. Như vậy, thầy, trò sẽ có sự chuẩn bị tâm lý, phương pháp thi và không tạo ra sự hoang mang trong xã hội.
Có nên quyết định phương án làm bài thi tổng hợp.
Theo phương án của Bộ Giáo dục và Đào tạo, bên cạnh 3 môn thi bắt buộc: Toán học, Ngữ Văn, Ngoại ngữ thì các thí sinh lựa chọn 1 trong 2 môn thi tổng hợp khoa học tự nhiên (Vật lý, Hóa học, Sinh học) hoặc khoa học xã hội (Lịch sử, Địa lý, Giáo dục công dân) để làm bài thi, lấy căn cứ xét tốt nghiệp và đăng ký dự tuyển đại học, cao đẳng. Nếu làm bài thi như thế này, học sinh phải học, thi quá nhiều môn (6 môn), quay trở lại với số môn thi tốt nghiệp của năm 2013 về trước. Vô hình trung, học sinh buộc phải học cả 6 môn nếu không muốn có điểm liệt để không được công nhận tốt nghiệp. Trong khi đó, kinh nghiệm thi của 3 năm trở lại đây cho thấy, việc thi 4 môn (trong đó có 1 môn tự chọn) giúp giảm áp lực cho giáo viên, học sinh và giảm chi phí cho ngân sách nhà nước. Thiết nghĩ, đã đi học thì phải có kiến thức, hiểu biết toàn diện, sâu sắc và các môn học trong cùng hệ thống khoa học đều bổ trợ cho nhau. Tuy nhiên, việc hiểu biết và phải thi kiểm tra, đánh giá và lấy kết quả là hai vấn đề khác nhau. Do đó, Bộ cũng cần nghiên cứu, xem xét ký trước khi quyết định phương án làm bài thi tổng hợp.
Băn khoăn về đề thi
Các môn thi trắc nghiệm năm 2017 tới sẽ áp dụng hệ thống đề đánh giá năng lực của Đại học quốc gia những năm qua. Việc kiểm tra, đánh giá năng lực là cần thiết, phù hợp với quan điểm của Đảng ta là đổi mới giáo dục theo hướng phát huy năng lực và phẩm chất của người học. Tuy nhiên, hệ thống câu hỏi phải phù hợp với chương trình đào tạo, với nội dung giảng dạy, với trình độ giáo viên và học sinh ở từng khu vực. Với thành thị, việc áp dụng cái mới, cái hiện đại dù mất thời gian nhưng cũng có thể làm được. Với các vùng sâu, vùng xa, thầy cô không có điều kiện tiếp cận phương tiện hiện đại, tài liệu mới… liệu có thể hướng dẫn, giúp đỡ học trò vốn “thiệt thòi” hơn của mình trong hình thức thi mới?
Mặt khác, hệ thống câu hỏi đánh giá năng lực của Đại học quốc gia được triển khai từ năm 2014. Đến nay, trường này đã có nghiên cứu, đánh giá chính xác nào về kết quả học tập của sinh viên được tuyển bằng hình thức thi này so với thi 3 môn của kỳ thi tuyển sinh đại học 3 chung trước đây chưa? Mặt khác, những học sinh được tuyển được coi là “có năng lực học tập” chưa tốt nghiệp, chưa có nghiên cứu khoa học nào đánh giá về “năng lực làm việc” của sinh viên này sau khi tốt nghiệp so với sinh viên tốt nghiệp theo hình thức tuyển sinh trước đó. Những băn khoăn này là chính đáng, cần có lời giải đáp của các cơ quan quản lý.
Để giải quyết vấn đề trên, trước mắt các chuyên gia giáo dục, các nhà hoạch định chính sách cần có mẫu đề thi sớm để thầy, trò chuẩn bị; xã hội yên tâm. Quan trọng hơn, cần có sự chuẩn bị kỹ lưỡng từ chương trình, sách giáo khoa, đến đào tạo, bồi dưỡng để việc đổi mới thực sự hiệu quả, đi vào chiều sâu./.
Ý kiến ()