Tối 17-1, Tỉnh ủy, HĐND, UBND và MTTQ Việt Nam tỉnh Bến Tre đã tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm Ngày Bến Tre Đồng khởi (17-1-1960 – 17-1-2010).
Đến dự, có các đồng chí: Trương Tấn Sang, Ủy viên Bộ Chính trị, Thường trực Ban Bí thư; Trương Vĩnh Trọng, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Phó Thủ tướng Chính phủ; Nguyễn Văn Chi, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra T.Ư; Lê Thanh Hải, Ủy viên Bộ Chính trị, Bí thư Thành ủy thành phố Hồ Chí Minh; Đại tướng Lê Văn Dũng, Bí thư T.Ư Đảng, Chủ nhiệm Tổng cục Chính trị QĐND Việt Nam và nhiều đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng, lãnh đạo nhiều bộ, ban, ngành, đoàn thể Trung ương và các tỉnh, thành phố.
Về phía tỉnh Bến Tre, có các đồng chí: Huỳnh Văn Be, Ủy viên T.Ư Đảng, Bí thư Tỉnh ủy, các đồng chí Thường vụ Tỉnh ủy, các đồng chí lão thành cách mạng, tám Bà mẹ Việt Nam Anh hùng đại diện cho hàng nghìn Bà mẹ Việt Nam Anh hùng, 160 đại biểu là những người mẹ, dì, cô đã từng tham gia “Đội quân tóc dài” năm xưa; các chức sắc tôn giáo, bộ đội, công an, đoàn viên thanh niên, học sinh, sinh viên và đông đảo đồng bào trong tỉnh…
Diễn văn do đồng chí Huỳnh Văn Be đọc tại Lễ kỷ niệm, nêu rõ: Thời kỳ sau Hiệp định Giơ-ne-vơ, chính quyền Mỹ – Diệm đã trắng trợn thực hiện âm mưu chia cắt lâu dài đất nước ta. Chúng đã dùng quốc sách thâm độc, tàn ác, “tố cộng, diệt cộng”, với hệ thống đồn bốt, tề điệp dựng lên khắp Miền Nam, thẳng tay giết hại những người kháng chiến và đồng bào yêu nước, gây cho cách mạng Miền Nam những tổn thất vô cùng nặng nề. Riêng Bến Tre, trong ba năm 1957 – 1959, đã có 17 nghìn người bị bắt, tù đày, đánh đập tàn phế; hàng trăm cán bộ đảng viên bị thủ tiêu. Đảng bộ Bến Tre với hơn 2.000 đảng viên chỉ còn 162 người…
Đồng chí Trương Tấn Sang phát biểu nhấn mạnh “Thắng lợi của phong trào Đồng khởi vĩ đại ở Bến Tre và toàn Miền Nam là một minh chứng đầy sức thuyết phục về vai trò và sức mạnh vô địch của nhân dân, về lòng tin tuyệt đối của Đảng bộ và nhân dân Miền Nam đối với sự lãnh đạo của Đảng, Bác Hồ; chấp hành nghiêm chỉnh và vận dụng sáng tạo Nghị quyết của Đảng vào thực tiễn cách mạng địa phương. Đây là nguyên nhân và cũng là bài học kinh nghiệm cơ bản, sâu sắc đúc kết từ thực tiễn Đồng khởi”.
Đồng chí Trương Tấn Sang nói: “Tôi rất vui mừng nhận thấy 50 năm qua, Đảng bộ và nhân dân Bến Tre đã luôn khơi dậy và phát huy truyền thống Đồng khởi, vận dụng những bài học kinh nghiệm từ Đồng khởi để huy động sức mạnh tổng hợp của nhân dân trong sự nghiệp giải phóng dân tộc, bảo vệ và xây dựng quê hương giàu đẹp. Tôi được biết, các đồng chí lãnh đạo tỉnh Bến Tre đã phát động một phong trào “Đồng khởi mới” trong sự nghiệp CNH, HĐH tỉnh nhà, được đông đảo các tầng lớp nhân dân đồng tình, hưởng ứng… (
Bài phát biểu của đồng chí Trương Tấn Sang).
Nhân dịp này, Ban tổ chức đã công bố Quyết định số 2057/QĐ – CTN, do Chủ tịch nước Nguyễn Minh Triết ký, tặng danh hiệu Anh hùng LLVT thời kỳ đổi mới cho LLVT tỉnh Bến Tre.
Lễ kỷ niệm kết thúc với phần diễu binh, diễu hành xe hoa và bắn pháo hoa, hàng nghìn người dân ra đường phố hoan hô nồng nhiệt, phấn khởi.
* Ngày 17-1, tại thành phố Hồ Chí Minh, Hội Liên hiệp Phụ nữ Việt Nam phối hợp Bộ Tư lệnh Quân khu 7 tổ chức trọng thể Lễ kỷ niệm 50 năm “Đội quân tóc dài” (17-1-1960 – 17-1-2010). Các đồng chí Hà Thị Khiết, Bí thư Trung ương Đảng, Trưởng ban Dân vận Trung ương; Trương Mỹ Hoa, nguyên Phó Chủ tịch nước; các đồng chí Ủy viên T.Ư Đảng: Nguyễn Thị Thanh Hòa, Chủ tịch Hội LHPN Việt Nam; Nguyễn Thành Cung, Chính ủy Quân khu 7; Lê Thị Bân, Bí thư Tỉnh ủy Tây Ninh, cùng 132 mẹ, chị, tiêu biểu đại diện “Đội quân tóc dài” ở 34 tỉnh, thành phố từ Quảng Trị đến Cà Mau; các Mẹ Việt Nam Anh hùng, Anh hùng Lực lượng vũ trang, Anh hùng Lao động, đã dự.
“Đội quân tóc dài” là tên gọi phong trào đấu tranh của phụ nữ miền Nam trong thời kỳ chống Mỹ, cứu nước. Ra đời trong phong trào Đồng khởi ở tỉnh Bến Tre, phong trào bắt đầu bùng nổ ngày 17-1-1960 tại ba xã Định Thủy, Phước Hiệp và Bình Khánh của huyện Mỏ Cày. Sau đó, phong trào lan rộng ra 47 xã thuộc sáu huyện của tỉnh Bến Tre. Dưới sự lãnh đạo của Đảng, các mẹ, các chị đã cùng đồng bào nổi mõ, đánh trống, gây tiếng nổ, kéo lực lượng đi vây đồn, vận động gọi hàng, tước súng lính ngụy, chặn đường các mũi tiến công… góp phần bẻ gãy các cuộc càn quét đánh phá của địch, giải phóng 22 xã, phá khu dồn dân, giành quyền làm chủ ở 25 xã khác.
Phong trào Đồng khởi lan rộng, nhiều cuộc đấu tranh trực diện của các mẹ, các chị diễn ra ở nhiều nơi. Bằng lý lẽ sắc bén, các mẹ, các chị đã tấn công trực diện cơ quan đầu não của địch, không chỉ buộc kẻ địch phải chấm dứt càn quét, bắt bớ, bắn giết nhân dân mà còn tranh thủ được sự ủng hộ của các tầng lớp nhân dân, làm cho địch phải chùn bước trước sức đấu tranh của quần chúng. Điển hình như cuộc đấu tranh của đội quân tóc dài huyện Mỏ Cày diễn ra ngày 26-3-1960. Sau 12 ngày đấu tranh liên tục, cuộc hành quân càn quét quy mô của hơn 10.000 quân địch bị thất bại hoàn toàn. Các cơ quan Tỉnh ủy, Huyện ủy, cơ sở cách mạng được bảo vệ an toàn.
Từ thắng lợi nói trên, nhân dân các tỉnh đồng bằng Nam Bộ, miền Trung, Tây Nguyên nhất tề nổi dậy thành phong trào Đồng khởi trên toàn Miền Nam với khí thế to lớn chưa từng có. Tổng kết Phong trào Đồng khởi năm 1960, đã có 9 triệu lượt quần chúng nổi dậy, gần 1 triệu phụ nữ tham gia đấu tranh trực diện kết hợp với lực luợng vũ trang, góp phần làm tan rã hơn 20.000 binh lính, phá kìm kẹp ở 895 xã trong tổng số 1.193 xã trên toàn Miền Nam.
Với lực lượng đông đảo, từ thành thị đến nông thôn, được trang bị vũ khí đặc biệt hiệu quả là lòng yêu nước nồng nàn và căm thù giặc sâu sắc; vận dụng nhuần nhuyễn “Ba mũi giáp công”: đấu tranh chính trị, đấu tranh binh vận và đấu tranh vũ trang, hợp đồng lực lượng nhiều địa phương… “Đội quân tóc dài” đã lập nhiều thành tích đặc biệt xuất sắc, góp phần xứng đáng vào thắng lợi vẻ vang của toàn dân tộc, giải phóng miền Nam, thống nhất đất nước.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, đồng chí Hà Thị Khiết nêu rõ: Lịch sử đấu tranh dựng nước, giữ nước và xây dựng đất nước của dân tộc ta in đậm hình ảnh của người phụ nữ Việt Nam “Anh hùng, bất khuất, trung hậu, đảm đang”.
Tiếp nối chiến công của thế hệ “Đội quân tóc dài”, các thế hệ phụ nữ hôm nay đã và đang không ngừng vươn lên, năng động, sáng tạo, dám nghĩ, dám làm, không cam chịu đói nghèo, đoàn kết chung sức đóng góp tích cực vào công cuộc xây dựng và bảo vệ Tổ quốc, xứng đáng với truyền thống “Năng động, sáng tạo, trung hậu, đảm đang” của phụ nữ Việt Nam thời kỳ đổi mới, phấn đấu vì mục tiêu dân giàu, nước mạnh, xã hội công bằng, dân chủ, văn minh…
Trong dịp này, Trung ương Hội LHPN Việt Nam đã tặng Sổ tiết kiệm tình nghĩa cho 68 chị tham gia “Đội quân tóc dài” ở 34 tỉnh, thành phố phía nam với tổng số tiền 340 triệu đồng.
Ý kiến ()