Kỷ niệm Quốc khánh và tôn vinh tình hữu nghị Việt - Pháp
Tối 12-9, tại Đại sứ quán Việt Nam tại CH Pháp diễn ra Lễ kỷ niệm Quốc khánh 2-9 và giới thiệu những hình ảnh, tư liệu về tình hữu nghị giữa Chủ tịch Hồ Chí Minh với nhân dân Pháp.
Buổi lễ bắt đầu bằng lễ dâng hương tại bàn thờ Chủ tịch Hồ Chí Minh trong Đại sứ quán. Khoảnh khắc thiêng liêng và vô cùng xúc động vì Pháp là nơi ghi nhiều dấu ấn của Người trên hành trình ra đi tìm đường giải phóng dân tộc.
Phát biểu tại lễ kỷ niệm, Đại sứ đặc mệnh toàn quyền Việt Nam tại CH Pháp Nguyễn Ngọc Sơn khẳng định, 71 năm kể từ khi Chủ tịch Hồ Chí Minh đọc bản Tuyên ngôn độc lập tại Quảng trường Ba Đình ở Hà Nội ngày 2-9-1945, đất nước Việt Nam đã có những bước phát triển nhanh, hội nhập sâu rộng, có vị thế đáng nể trong khu vực và trên trường quốc tế. Việt Nam đã trở thành đối tác đáng tin cậy, tích cực và có trách nhiệm trong cộng đồng quốc tế.
Thông báo với bạn bè Pháp và quốc tế về kết quả của Đại hội toàn quốc lần thứ XII của Đảng Cộng sản Việt Nam diễn ra trong tháng 1-2016, Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn cho biết, Việt Nam sẽ tiếp tục đổi mới, vượt qua mọi thách thức, đẩy mạnh công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước để trở thành một nước công nghiệp và hiện đại hóa trong tương lai gần.
Đề cập đến chuyến thăm chính thức Việt Nam mới đây của Tổng thống Pháp François Hollande, Đại sứ Nguyễn Ngọc Sơn cho rằng, đây là sự kiện được hai nước mong đợi từ lâu và đạt kết quả tốt đẹp, tạo động lực mới cho quan hệ song phương và mở ra chương mới cho quan hệ đối tác chiến lược được ký kết từ năm 2013. Pháp có vai trò quan trọng trong EU và Việt Nam là một thành viên tích cực trong ASEAN, vì vậy, hai nước sẽ tiếp tục có những đóng góp vào hòa bình, ổn định và an ninh trong khu vực và trên thế giới.
Việt Nam và Pháp có quan hệ truyền thống lâu đời, gắn bó được Chủ tịch Hồ Chí Minh quan tâm, vun đắp. Pháp là nơi Chủ tịch Hồ Chí Minh dừng chân lâu nhất và để lại nhiều dấu ấn lịch sử trên chặng đường ra đi tìm đường cứu nước. Chỉ một năm sau khi đất nước giành được độc lập, Chủ tịch Hồ Chí Minh có chuyến thăm chính thức đầu tiên tới Pháp trên cương vị của người đứng đầu một nhà nước độc lập, có chủ quyền.
Nhân dịp này, Bảo tàng Hồ Chí Minh và Cục lưu trữ Văn phòng Trung ương Đảng phối hợp Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp tổ chức Triển lãm “Chủ tịch Hồ Chí Minh với tình hữu nghị Pháp – Việt”. Gần 300 bức ảnh, tài liệu và hiện vật được chia làm ba phần chính để giới thiệu về thời kỳ Người hoạt động trên đất Pháp trong những ngày đầu tìm đường cứu nước; đấu tranh cho mối quan hệ bình đẳng Việt – Pháp; về chuyến thăm chính thức Pháp năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, đặt mối quan hệ chính thức giữa hai nước và tạo vị thế ngoại giao mới của nước Việt Nam Dân chủ Cộng hòa.
Giới thiệu những hình ảnh lịch sử “Chủ tịch Hồ Chí Minh với tình hữu nghị Pháp – Việt”.
Triển lãm cũng đề cập tới mối quan hệ đoàn kết hữu nghị giữa nhân dân hai nước góp phần làm nên thắng lợi trong cuộc đấu tranh của nhân dân Việt Nam vì hòa bình, chống chiến tranh xâm lược, về mối quan hệ hữu nghị và hợp tác toàn diện hiện nay đang phát triển trên tất cả các lĩnh vực nhằm đáp ứng lợi ích của nhân dân hai nước vì hòa bình, ổn định và phát triển.
Là người đến dự Lễ kỷ niệm 71 năm Quốc khánh 2-9 từ rất sớm, ông Dinis Kerreira dành nhiều thời gian để xem lại những hình ảnh lịch sử liên quan đến hoạt động của Chủ tịch Hồ Chí Minh tại Pháp. Ông nói: “Tôi là người rất ngưỡng mộ vị lãnh tụ của Việt Nam từ những năm 1960, vì Người đã tìm ra con đường cứu nước cho dân tộc được ghi vào lịch sử bằng bản Tuyên ngôn Độc lập cách đây 71 năm để mở ra một kỷ nguyên mới cho nhân dân Việt Nam. Hơn thế nữa, ai cũng biết Chủ tịch Hồ Chí Minh đã cống hiến cả cuộc đời của mình cho sự nghiệp giải phóng đất nước, cho hòa bình, công lý, tự do, bình đẳng và cho tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai nước và cả với các dân tộc khác trên thế giới. Đối với tôi và rất nhiều người khác, Chủ tịch Hồ Chí Minh là một biểu tượng của tình đoàn kết, hữu nghị giữa hai dân tộc”.
Tiếp đó, ông chỉ vào bức ảnh có chú thích “Cuộc trả lời nữ phóng viên Pháp Danielle Hunebelle ngày 7-5-1964, Chủ tịch Hồ Chí Minh nói: Nhân dân Pháp có truyền thống cách mạng tốt đẹp trước đây đã ủng hộ cuộc đấu tranh giải phóng của toàn thể nhân dân Việt Nam nay lại tỏ sự đồng tình và ủng hộ cuộc đấu tranh chính nghĩa của nhân dân Việt Nam và cuộc đấu tranh thực hiện hòa bình thống nhất đất nước Việt Nam trên cơ sở Hiệp định Geneve. Nhân dân Việt Nam rất biết ơn nhân dân Pháp về mối cảm tình đó”. Rồi ông nói: “Bất kỳ ai khi đọc được những dòng này có thể hiểu tại sao dù hai nước có những giai đoạn thăng trầm trong lịch sử, quan hệ hữu nghị và đoàn kết giữa nhân dân Pháp – Việt luôn bền chặt. Chính Chủ tịch Hồ Chí Minh và những người Pháp yêu chuộng hòa bình, yêu mến Việt Nam đã vun đắp nên mối quan hệ đặc biệt này.”
Triển lãm cũng dành một phần để giới thiệu về hoạt động của Hội người Việt Nam tại Pháp trong gần 100 năm tồn tại và phát triển, luôn gắn bó, đồng hành cùng Tổ quốc trong cuộc đấu tranh giành độc lập, thống nhất và xây dựng đất nước ngày càng giàu mạnh.
Theo Nhandan
Ý kiến ()