Kỷ niệm Quốc khánh và ngày thành lập ngành Ngoại giao Việt Nam ở Pháp
Thủ đô Paris của Pháp đã chứng kiến những trận đánh lớn và quan trọng nhất của Ngoại giao Việt Nam, chứng kiến những bước đi ban đầu cũng như những bước trưởng thành nhanh chóng của ngành.
Tối 28/8 tại thủ đô Paris, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã tổ chức lễ kỷ niệm 75 năm Quốc khánh và ngày thành lập ngành ngoại giao Việt Nam.
Theo phóng viên TTXVN tại Pháp, phát biểu tại buổi lễ, Đại sứ Nguyễn Thiệp khẳng định Việt Nam sẽ tiếp tục nắm bắt cơ hội, vượt qua thách thức trong bối cảnh tình hình thế giới và khu vực đang chuyển biến hết sức nhanh chóng và khó lường, nhất là dưới tác động của đại dịch COVID-19, để mối quan hệ Đối tác chiến lược Việt-Pháp tiếp tục phát triển mạnh mẽ và sâu sắc.
Cũng theo Đại sứ, Chính phủ và nhân dân Việt Nam luôn biết ơn sự ủng hộ mạnh mẽ và kiên trì của nhân dân Pháp, các lực lượng tiến bộ ở Pháp, Đảng Cộng sản Pháp, rất nhiều bạn bè Pháp trong các hội đoàn kết và hữu nghị với Việt Nam, các chính khách Pháp và toàn thể kiều bào… đối với cuộc đấu tranh lâu dài vì độc lập dân tộc của Việt Nam cũng như những cố gắng trong việc củng cố và mở rộng quan hệ hơp tác Việt-Pháp kể từ khi hai bên thiết lập quan hệ ngoại giao năm 1973 đến khi nâng tầm quan hệ song phương lên Đối tác chiến lược từ năm 2013 đến nay.
Nhân dân Việt Nam sẽ không bao giờ quên hình ảnh các hoạt động mạnh mẽ tại Pháp nhằm phản đối chiến tranh Việt Nam như từ chối chuyển vũ khí lên tàu sang Ðông Dương, nằm lên đường ray chặn các đoàn tàu chở vũ khí sang Đông Dương, biểu tình rầm rộ trên các đại lộ ở Paris trong những ngày diễn ra Hội nghị Paris về Việt Nam…
Đại sứ Nguyễn Thiệp nhắc lại rằng nước Pháp nói chung và thủ đô Paris nói riêng đã chứng kiến những giây phút lịch sử quan trọng nhất của ngành Ngoại giao Việt Nam. Nói theo lối quân sự, Paris đã chứng kiến những trận đánh lớn và quan trọng nhất của Ngoại giao Việt Nam, chứng kiến những bước đi ban đầu cũng như những bước trưởng thành nhanh chóng của ngành.
Đó là chuyến thăm Pháp đầu tiên vào năm 1946 của Chủ tịch Hồ Chí Minh, với tư cách nguyên thủ đầu tiên của một nước Việt Nam độc lập. Chuyến thăm đã mang đến Tạm ước 14/9/1946, kết thúc hai cuộc đàm phán kéo dài tại Đà Lạt và Fontainebleau giữa Việt Nam và Pháp để thừa nhận nền độc lập của Việt Nam.
Đó là cuộc đàm phán kéo dài gần 5 năm (1968-1973) giữa Mỹ và Việt Nam nhằm chấm dứt chiến tranh, lập lại hòa bình ở Việt Nam. Trong suốt thời gian đó, Việt Nam đã trở thành biểu tượng của lương tri loài người, được sự ủng hộ rộng rãi của mọi tầng lớp, xu hướng, đảng phái chính trị ở Pháp.
Hơn nữa, cũng chính tại Paris đã chứng kiến sự trưởng thành của nhiều thế hệ cán bộ ngoại giao Việt Nam, trong đó không thể không nhắc đến nhà ngoại giao đầu tiên là Chủ tịch Hồ Chí Minh, một người thầy kiệt xuất trên lĩnh vực này.
Nhằm tiếp tục đóng góp làm giàu cho các bài học lớn về đối ngoại, làm rõ bản sắc của Ngoại giao Việt Nam, phát huy tốt hơn tư tưởng Hồ Chí Minh trong hoạt động ngoại giao, từ đầu năm 2020, Đại sứ quán Việt Nam tại Pháp đã mở đợt công tác nghiên cứu, sưu tầm tìm kiếm lại toàn bộ tài liệu lưu trữ về chuyến thăm Pháp năm 1946 của Bác Hồ tại Viện lưu trữ hải ngoại quốc gia ANOM, Viện lưu trữ quốc gia Pierrefitte-sur-Sein, trung tâm lưu trữ Bộ Ngoại giao tại Courneuve./.
Theo vietnamplus.vn
Ý kiến ()