Kỷ niệm nghề viết
LSO-Bản thân tôi là một cán bộ quân sự, nhưng rất thích đọc báo. Tôi cảm nhận được sách báo đối với tôi như cơm ăn, nước uống hàng ngày vậy. Dù công việc rất bận, nhưng khi có thời gian rảnh rỗi là tôi lại tìm đến sách báo như người bạn tri kỷ.
Tình quân dân ở Đồn Ba Sơn, Cao Lộc |
Trước đây, đơn vị tôi đóng quân ở vùng biên giới, chưa có điều kiện tiếp cận với nhiều sách báo, nhưng khi thấy bạn bè, đồng đội có báo, hoặc truyện là tôi tìm mượn bằng được. Qua sách báo tôi khám phá được nhiều điều, ngoài tích lũy về kiến thức, sách báo còn cho tôi những kinh nghiệm hay của các đơn vị bạn trong vấn đề quản lý, chỉ huy, huấn luyện bộ đội…Càng ngày tôi càng cảm nhận được sách báo là kho tàng tri thức ở ngay cạnh mình. Nhờ sách báo mà tôi có kiến thức khá rộng, không chỉ trong lĩnh vực quân sự mà còn dạy con cái học tập và cả kiến thức xây dựng hạnh phúc gia đình…
Có những sự kiện gì quan trọng, những câu danh ngôn hay tôi thường chép vào sổ tay của mình. Sau bao năm đọc nhiều loại sách báo, tôi đã mạnh dạn viết báo để phản ánh về những hoạt động của đơn vị mình. Lần đầu tiên khi thấy tin của mình được đăng trên báo địa phương tôi có cảm giác lâng lâng khó tả. Từ viết tin, tôi chuyển sang viết bài phản ánh rồi viết văn, làm thơ. Mỗi khi thấy bài mình được đăng, tôi lại cảm nhận thấy mình có thêm một nguồn hạnh phúc nho nhỏ từ cuộc sống, động viên tôi hoàn thành tốt nhiệm vụ.
Rồi như một duyên kỳ ngộ, tôi trở thành phóng viên báo Quân khu 1. Từ đấy, tôi được đi các tỉnh thuộc địa bàn Quân khu để phản ánh muôn mặt đời sống của cán bộ, chiến sĩ và bà con nhân dân trên địa bàn. Trong cuộc đời làm báo có nhiều kỷ niệm sâu sắc, nhưng có một kỷ niệm dù thời gian đã trôi qua 6 năm, nhưng vẫn hằn sâu trong tôi mỗi khi mùa lũ đến: Đó là một ngày tháng 9 của năm 2008, do ảnh hưởng của cơn bão số 8, địa bàn thành phố Lạng Sơn ngập trong biển nước. Tôi được đơn vị điều xuống tác nghiệp phản ánh tình hình nhân dân nơi đây. Hôm đó trời mưa như trút nước, dòng sông Kỳ Cùng thơ mộng mọi ngày hiền hòa là vậy, nhưng giờ đây nổi lên những con sóng cuồn cuộn, dữ dằn muốn cuốn trôi tất cả. Lúc này nhân dân đang rất cần sự giúp đỡ của bộ đội.
Tôi ngồi lên xuồng theo chân Thiếu úy Trần Anh Tư, lái xe Thiết giáp, kiêm cả lái xuồng của đơn vị để đến các điểm cứu nhân dân thoát khỏi lũ dữ. Từ Bệnh viện Đa khoa Lạng Sơn chúng tôi cơ động sang chợ Giếng Vuông; chiếc ca nô lướt đi trong làn mưa trắng nước. Nước sông mỗi ngày một lên cao, bao nhiêu ngôi nhà đang bị cơn lũ nhấn chìm và cuốn trôi nhiều tài sản. Sang đến chợ, chúng tôi lấy thuyền lách vào một con hẻm nhỏ, trong căn nhà có 2 ông bà, chúng tôi đưa ông bà lên xuồng để đưa đến nơi an toàn. Nhưng cụ ông bảo: “Nước không thể dâng cao hơn nữa, nên tôi không đi đâu”. Nhưng chúng tôi không an tâm. Khi trời chập choạng tối, chúng tôi quay lại căn nhà ấy, thì thấy cụ ông đứng ở cửa, nước đã dâng đến cổ. May mà các anh đến kịp để đưa ông lên xuồng. Tôi tìm góc để tác nghiệp trong làn mưa tầm tã cùng những cơn gió quất ràn rạt; khi quay ra cách khoảng 300m, chúng tôi phát hiện thấy 2 cụ bà đang bám vào cánh cửa kêu cứu. Anh Tư đã nhanh chóng cho xuồng ghé sát và nhảy xuống dìu 2 bà lên xuồng. Nếu không có tổ lái xuống đến kịp thời, chắc hậu quả khôn lường sẽ xảy ra. Cả ngày hôm ấy, tôi đi tác nghiệp cùng tổ lái xuống của Bộ CHQS tỉnh đã quên cả ăn để lặn lội đến nhiều nơi cứu dân. Đợt tác nghiệp đó, do mải cùng các anh cứu dân và cứu tài sản thoát khỏi lũ dữ, nên người và máy ảnh tôi đã bị ướt mưa hoàn toàn. Những bức ảnh, những khoảnh khắc đẹp khi chụp bộ đội bế các cháu nhỏ hoặc dìu các cụ già trong làn mưa tránh lũ đều hỏng hết. Dù vậy, nhưng tôi không buồn vì đã góp phần công sức cùng các anh cứu dân trong cơn hoạn nạn.
Qua kỷ niệm trên cho thấy, nghề báo cũng là nghề nguy hiểm, vì muốn phản ánh được hơi thở từ cuộc sống đến bạn đọc một cách chân thực về những sự việc đang diễn ra, thì người làm báo phải bám sát thực tế, lăn xả với cuộc sống và trải nghiệm với nó, đôi khi còn trả giá bằng cả tính mạng. Trong nghề viết có rất nhiều kỷ niệm, nhưng kỷ về hình ảnh cao đẹp của những người lính Cụ Hồ năm ấy trong quá trình cứu giúp nhân dân và tài sản thoát khỏi hiểm nguy trong cơn lũ dữ, thì mãi neo lại trong tôi mà thời gian không thể xóa nhòa.
SẦM THẠCH
Ý kiến ()