Kỷ niệm làm báo trên cầu Hàm Rồng thời chiến tranh
Trong cuộc chiến tranh leo thang của không quân Mỹ phá hoại miền bắc nước ta, mục tiêu trước tiên của chúng là triệt phá giao thông hòng cắt đứt nguồn tiếp tế của hậu phương lớn cho các chiến trường miền nam.Trên đường bộ, cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) là chiếc cầu quan trọng bị hàng trăm lượt máy bay đánh phá ác liệt trong hai ngày 3 và 4-4-1965. Các lực lượng phòng không và không quân ta đánh trả quyết liệt, cầu vẫn vững vàng, địch đã phải trả giá đắt với 47 chiếc máy bay bị hạ. Về sau, hằng ngày chúng dùng đủ loại bom có các tính năng kỹ thuật cao và tên lửa để phá cầu. Cần vẫn được giữ vững trong một thời gian dài cho những chuyến xe lửa chạy qua.Ngày ấy tôi có dịp quen biết Tổng cục trưởng Tổng đội bảo đảm giao thông (Bộ Giao thông vận tải) Nguyễn Văn Vịnh. Đồng chí Vịnh giới thiệu tôi đến đội sửa chữa cầu Hàm Rồng đóng ở khu vực Đò Lèn do Anh hùng Lao động Trần Mãn phụ trách. Đây là cơ hội để tôi được thử thách...
Trong cuộc chiến tranh leo thang của không quân Mỹ phá hoại miền bắc nước ta, mục tiêu trước tiên của chúng là triệt phá giao thông hòng cắt đứt nguồn tiếp tế của hậu phương lớn cho các chiến trường miền nam.
Trên đường bộ, cầu Hàm Rồng (Thanh Hóa) là chiếc cầu quan trọng bị hàng trăm lượt máy bay đánh phá ác liệt trong hai ngày 3 và 4-4-1965. Các lực lượng phòng không và không quân ta đánh trả quyết liệt, cầu vẫn vững vàng, địch đã phải trả giá đắt với 47 chiếc máy bay bị hạ. Về sau, hằng ngày chúng dùng đủ loại bom có các tính năng kỹ thuật cao và tên lửa để phá cầu. Cần vẫn được giữ vững trong một thời gian dài cho những chuyến xe lửa chạy qua.
Ngày ấy tôi có dịp quen biết Tổng cục trưởng Tổng đội bảo đảm giao thông (Bộ Giao thông vận tải) Nguyễn Văn Vịnh. Đồng chí Vịnh giới thiệu tôi đến đội sửa chữa cầu Hàm Rồng đóng ở khu vực Đò Lèn do Anh hùng Lao động Trần Mãn phụ trách. Đây là cơ hội để tôi được thử thách nơi bom đạn ác liệt. Tôi lên đường với chiếc xe đạp, máy ảnh, ba-lô quần áo và tem lương thực. Đến Hà Trung thì cầu Đò Lèn đã bị đánh sập trước khi máy bay Mỹ đánh cầu Hàm Rồng. Phải đi vòng vèo hỏi đường mãi và trình giấy giới thiệu mới đến được nơi Ban chỉ huy đội của Anh hùng Trần Mãn. Trò chuyện với cán bộ, công nhân kỹ thuật về tình hình sửa chữa cầu, các anh cho biết là máy bay Mỹ thường từ biển ập vào bất cứ lúc nào bắn rốc-két và thả bom phá cầu Hàm Rồng. Xe lửa phải chạy đêm. Cho nên ngày nào từ sáng đến chiều tối, đội cũng phải cử một tốp kỹ sư và công nhân lên làm việc trên cầu để kiểm tra và siết lại cho chắc hàng loạt bu-lông hoặc hàn lại những chỗ bị gẫy trên mặt cầu sau mỗi đợt bắn phá của địch.
Tôi đề nghị các anh cho lên cầu để chụp ảnh. Sáng sớm hôm đó, gần đến cầu tôi thấy hơn một chục người đang đi bỗng khựng lại. Rồi chẳng ai bảo ai họ đi thành một hàng ngang. Ra thế, trước sự dấn thân vào cái chết bất ngờ, không ai muốn đi trước mà cũng chẳng ai muốn tụt lại sau. Tôi cũng bước vào hàng cùng anh em. Nhưng lên cầu vào công việc, ai nấy đều làm việc thoăn thoắt theo phân công, khẩn trương. Tôi thêm vững tâm bởi sự bình tĩnh của anh em. May mắn cả ngày hôm đó máy bay Mỹ không hoạt động. Một ngày hiếm hoi. Trở về nơi đóng quân, ăn cơm xong, ngồi nói chuyện vui với Ban chỉ huy đội, tôi chia tay trở về Hà Nội trong lòng sung sướng có một số ảnh thử thách nơi cửa tử.
Sau ngày giải phóng miền nam, thống nhất đất nước, tôi có dịp gặp lại anh Trần Tất Chủng. Trong thời kỳ chiến tranh ác liệt, anh phụ trách hậu cần của Đội bảo đảm giao thông cầu Hàm Rồng. Cuộc gặp trở nên rôm rả. Anh nói sau khi tôi ra Hà Nội, đến tối theo ý kiến của Anh hùng Trần Mãn, đội họp lại trao đổi ý kiến về việc lần đầu một nhà báo lại là Báo Nhân Dân xin cùng lên cầu để tác nghiệp. Anh nói, hôm đó, nhà báo có nói: “Đến đây với các anh, thấy các anh dũng cảm làm việc, tinh thần tôi được nâng lên nhiều”. Các anh đã lấy câu nói của tôi để động viên toàn đội. Với tôi đây cũng là một kỷ niệm không thể quên trong đời làm phóng viên ảnh của báo Đảng trong thời chiến.
Theo Nhandan
Ý kiến ()