Kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” và bức ảnh quý trong gia đình người cháu của đồng chí Hoàng Văn Thụ
LSO-Trong số những người thân thích, ruột thịt của đồng chí Hoàng Văn Thụ, hiện nay có ông Hoàng Sĩ Lưu ở khu III, thị trấn Na Sầm, huyện Văn Lãng. Ông là con trai bà Hoàng Thị Dụ - chị gái ruột của đồng chí Hoàng Văn Thụ, nay đã 76 tuổi. Gia đình ông hiện đang lưu giữ một số di vật liên quan đến đồng chí Hoàng Văn Thụ và lịch sử đấu tranh cách mạng của tỉnh Lạng Sơn.
Kỷ niệm chương “Tổ Quốc ghi công” do Tổng bộ Việt Minh tặng gia đình ông bà Hoàng Viết Mạnh – Hoàng Thị Dụ năm 1948 |
Di vật mà gia đình ông nâng niu, gìn giữ trong suốt gần 70 năm qua là chiếc kỷ niệm chương “Tổ quốc ghi công” – thường được gọi là “đồng tiền vàng” vì nó có hình dáng, màu sắc giống như một đồng tiền kim loại, đường kính khoảng 3 cm, dày 3 mm. Một mặt có hình chân dung Bác Hồ trong tư thế nhìn nghiêng, bao quanh là dòng chữ “Tổng bộ Việt Minh kính tặng”. Mặt kia có hình ngôi sao năm cánh rất đặc trưng của thời kỳ đầu mới lập nước Việt Nam dân chủ Cộng hòa. Cánh sao ngắn, “mập“ chứ không dài và mảnh như sau này. Ở giữa ngôi sao có hình bản đồ Việt Nam. Phía trên là dòng chữ “Tổ quốc ghi công”, phía dưới có hình hai nhánh lúa đan chéo vào nhau uốn cong tròn theo mép của “đồng tiền”. Phía trên cùng có một vòng tròn nhỏ xuyên qua hai mặt dùng để gắn với cuống đeo (đã bị mất). Đây là tặng vật Đảng, Nhà nước tặng cho các tập thể, cá nhân và gia đình đã có công nuôi giấu, bảo vệ cán bộ hoạt động bí mật thời kỳ trước Cách mạng tháng Tám (1930 – 1945), được coi là cơ sở để Nhà nước thực hiện chế độ, chính sách đãi ngộ đối với các gia đình có công với nước.
Ông Hoàng Sỹ Lưu cho chúng tôi biết: kỷ niệm chương này gia đình ông được tặng vào khoảng năm 1948 tại hội nghị thi đua của tỉnh tổ chức tại Kéo Coong (Bình Gia). Quê ông ở thôn Cằn Nong, xã Nhân Lý, huyện Văn Uyên – nay là xã Hoàng Văn Thụ, huyện Văn Lãng. Cha ông là cụ Hoàng Viết Mạnh (1906 -1980), mẹ ông là Hoàng Thị Dụ – chị gái cả của đồng chí Hoàng Văn Thụ. Cụ sinh ngày 18/6/1905, mất ngày 7/9/1988. Những năm thoát ly gia đình đi hoạt động Cách mạng, đồng chí Hoàng Văn Thụ trở về thăm nhà ba lần. Những lần trở về, đồng chí ở tại lán Khau Bay trong khu rừng phía sau nhà cụ Hoàng Khải Lan. Cả ba lần đó, mẹ ông và bà ngoại đều đến gặp, mang cơm gạo, thức ăn tiếp tế và giữ bí mật, bảo vệ an toàn cho đồng chí Hoàng Văn Thụ trong những ngày lưu lại trên quê hương. Trong những năm đầu của cuộc kháng chiến chống Pháp, hòa chung với khí thế của toàn dân tộc “tất cả cho mặt trận đánh thắng quân thù” – như nhiều gia đình khác ở Lạng Sơn, cha mẹ ông đã không tiếc sức người, sức của ủng hộ kháng chiến, đóng góp lương thực, thực phẩm nuôi bộ đội đánh giặc. Gia đình ông ở quê có rất nhiều ruộng vườn. Hưởng ứng chủ trương của Tỉnh ủy Lạng Sơn về đẩy mạnh phát triển sản xuất, tiết kiệm để cung cấp lương thực cho lực lượng vũ trang chiến đấu ngoài mặt trận, cha mẹ ông đã ủng hộ kháng chiến một con bò và 3 tạ gạo. Nhà ông ở Cằn Nong là nơi thường xuyên đón tiếp bộ đội đến ở. Vì vậy, gia đình ông đã được nhận kỷ niệm chương Tổ quốc ghi công của Tổng bộ Việt Minh trao tặng. Cha ông đã cất giữ cẩn thận qua suốt những năm tháng chiến tranh và muôn vàn biến cố của cuộc sống cho đến tận năm 1980. Trước khi mất cụ đã trao lại cho ông tiếp tục gìn giữ cho đến nay.
Một di vật quý khác nữa trong gia đình ông Hoàng Sỹ Lưu là bức ảnh truyền thần chân dung đồng chí Hoàng Văn Thụ do bác Trường Chinh tặng mẹ ông. Năm 1970, đồng chí Trường Chinh về Bắc Sơn dự lễ kỷ niệm 40 năm khởi nghĩa Bắc Sơn, bà Hoàng Thị Dụ cũng được tỉnh mời tham dự. Tại đây, đồng chí Trường Chinh đã gặp chị gái người bạn chiến đấu thân thiết của mình và tặng lại cho bà bức ảnh này. Gương mặt đồng chí Hoàng Văn Thụ trong tấm ảnh này có nhiều nét giống với bức ảnh lưu trong hồ sơ của Sở mật thám Bắc Kỳ thực dân Pháp chụp khi mới bắt được đồng chí.
Những di vật trên đây đã được gia đình ông Hoàng Sỹ Lưu nâng niu cất giữ trong hàng chục năm qua. Mới đây, qua truyền hình, biết một gia đình ở Quảng Ninh hiến tặng kỷ niệm chương cho Bảo tàng tỉnh Quảng Ninh, ông bà đã cho người hỏi và làm thủ tục hiến tặng kỷ niệm chương của gia đình cho Bảo tàng Lạng Sơn. Kỷ niệm chương và tấm ảnh là những di vật quý liên quan đến thân thế, gia đình, sự nghiệp của đồng chí Hoàng Văn Thụ. Giúp chúng ta hiểu hơn về truyền thống yêu nước của gia đình đồng chí Hoàng Văn Thụ. Đó cũng là vật chứng đầy tính thuyết phục về tấm lòng ân nghĩa, thủy chung của nhân dân Lạng Sơn với Cách mạng và kháng chiến; thể hiện lòng biết ơn sâu sắc của Đảng, Nhà nước đối với những ân nhân của cách mạng…
CHU QUẾ NGÂN
Ý kiến ()