Kỷ niệm 70 năm Điện ảnh cách mạng Bưng biền – Nam bộ
Ngày15/10, Hội Điện ảnh TPHCM tổ chức Lễ kỷ niệm 70 năm Điện ảnh cách mạng Bưng biền – Nam bộ (15/10/1947 – 15/10/2017) với sự tham dự của hơn 200 văn nghệ sĩ tiêu biểu thành phố.
Làm phim trong rừng Đồng Tháp Mười. Ảnh tư liệu |
Cách đây 70 năm, tại Chiến khu Bưng biền, tỉnh Đồng Tháp, Bộ Tư lệnh Khu 8 Nam bộ đã thành lập Tổ Điện ảnh – Nhiếp ảnh. Giữa những ngày đầu sục sôi của cuộc kháng chiến chống Pháp của nhân dân Nam bộ, vượt qua muôn vàn khó khăn, Tổ nhiếp – Điện ảnh khu 8 đã đặt nền móng hình thành Điện ảnh Nam bộ.
Điện ảnh Bưng biền Nam bộ cùng với Điện ảnh Đồi Cọ – Việt Bắc đã đi vào lịch sử, góp phần in những dấu ấn rực rỡ đầu tiên vào trang sử hào hùng của nền văn nghệ cách mạng trong công cuộc đấu tranh chống ngoại xâm của dân tộc.
Bà Thân Thị Thư, Trưởng Ban Tuyên giáo Thành ủy TPHCM bày tỏ lòng tự hào và cảm phục những người làm điện ảnh cách mạng tiền bối. Dù trong hoàn cảnh khó khăn, không kinh phí, thiếu kiến thức, thiếu kinh nghiệm, thiết bị, bị giặc Pháp càn quét, các nhà làm phim kháng chiến như: Mai Lộc, Khương Mễ, Vũ Sơn, An Sơn… đã khắc phục thiếu thốn, hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ.
Bà Dương Cẩm Thuý, Chủ tịch Hội Điện ảnh TPHCM nhớ lại: Những người quay phim – những chiến sĩ của điện ảnh Khu 8 đã xông pha khắp các chiến trường ở Nam bộ để ghi lại những hình ảnh sống động của cuộc kháng chiến nhân dân lúc bấy giờ: Chiến thắng của ta, những gương mặt anh hùng, đời sống người chiến sĩ, đời sống nhân dân và cán bộ vùng kháng chiến, tố cáo tội ác kẻ thù…
Những thước phim đó là những hình ảnh sống động về cuộc kháng chiến, là những tư liệu có giá trị rất lớn, được coi như là những chiến công của người quay phim, người làm điện ảnh ở Khu 8 và sau này là Khu 9, Khu 7, ở Nam bộ, những người luôn luôn tiếp xúc trực tiếp với thực tế cuộc chiến đấu của quân và dân ta để ghi chép cho được sự việc thực trong không khí kháng chiến và thể hiện cho được không khí đó.
Đặc biệt, hình ảnh chiếc xuồng được sử dụng làm buồng tối in tráng phim để vừa tiện việc di chuyển tránh địch càn quét vừa tiện việc mua nước đá đã trở thành biểu tượng sáng tạo đậm bản tính Nam bộ. Cùng với đó là hàng loạt tác phẩm có giá trị lịch sử đã được ra đời như: “Trận Mộc Hóa”, “ Trận La Bang”; “Trường Quân chính Khu 8” (năm 1948)… Trong đó “Trận Mộc Hóa” là tác phẩm tiêu biểu của thời kỳ này.
Bà Thân Thị Thư khẳng định, trọng trách của những người làm điện ảnh TPHCM là góp sức xây dựng phát triển nghệ thuật điện ảnh thành một chuyên ngành nghệ thuật mũi nhọn, hiện đại, tiên tiến đậm đà bản sắc dân tộc và là một trong các thành phần trọng yếu trong cấu trúc nền công nghiệp văn hóa của thành phố và cả nước. Qua đó, đáp ứng nhu cầu ngày càng đa dạng và to lớn của nhân dân; tăng cường giao lưu quốc tế trong tiến trình hội nhập, giới thiệu đất nước, con người Việt Nam với bạn bè thế giới.
Theo baochinhphu
Ý kiến ()