Kỷ niệm 65 năm Ngày Chủ tịch Hồ Chí Minh ra Lời kêu gọi thi đua ái quốc: Ðổi mới công tác thi đua, khen thưởng
65 năm qua, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mang ý nghĩa và giá trị thời sự sâu sắc. Học tập và làm theo tư tưởng của Người về thi đua yêu nước, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị - xã hội tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện phong trào thi đua và công tác thi đua, khen thưởng, nhằm để phong trào thi đua và công tác khen thưởng thật sự là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.
65 năm qua, Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh vẫn mang ý nghĩa và giá trị thời sự sâu sắc. Học tập và làm theo tư tưởng của Người về thi đua yêu nước, các cấp ủy, chính quyền, tổ chức chính trị – xã hội tiếp tục đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo, thực hiện phong trào thi đua và công tác thi đua, khen thưởng, nhằm để phong trào thi đua và công tác khen thưởng thật sự là một trong những động lực quan trọng thúc đẩy thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ phát triển kinh tế – xã hội của đất nước.
Hưởng ứng Lời kêu gọi thi đua ái quốc của Chủ tịch Hồ Chí Minh, 65 năm qua, trên khắp các vùng, miền đất nước, phong trào thi đua yêu nước đã có sự phát triển mạnh mẽ, liên tục và rộng khắp. Từ những phong trào thi đua như: “Diệt giặc đói, diệt giặc dốt, diệt giặc ngoại xâm”; “Hũ gạo kháng chiến”; “Sóng duyên hải” trong công nghiệp, “Gió Ðại Phong” trong nông nghiệp, “Cờ ba nhất” trong lực lượng vũ trang, “Hai tốt” trong trường học, “Thầy thuốc như mẹ hiền” trong ngành y tế, “Ba cải tiến” trong các cơ quan, “Ba đảm đang” trong phụ nữ, “Ba sẵn sàng” trong thanh niên, “Vì miền Nam ruột thịt”… đến các phong trào “Toàn dân đoàn kết xây dựng đời sống văn hóa”, “Thanh niên tình nguyện xây dựng và bảo vệ Tổ quốc”, “Toàn dân tham gia bảo vệ môi trường”; “Vì người nghèo”, ủng hộ đồng bào bị thiên tai, “Ðền ơn đáp nghĩa”; “Cả nước chung sức xây dựng nông thôn mới”;… Những phong trào thi đua này đã tạo nên sức mạnh vật chất và tinh thần to lớn, góp phần thực hiện thắng lợi các nhiệm vụ chính trị của từng giai đoạn cách mạng.
Từ năm 2007 đến nay, phong trào thi đua yêu nước được gắn liền với việc thực hiện Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ðây là cuộc vận động lớn, quan trọng và lâu dài; là môi trường sinh hoạt chính trị có giá trị to lớn của toàn Ðảng, toàn quân và toàn dân ta. Phong trào thi đua được gắn với cuộc vận động là nhân tố góp phần quyết định thành công của phong trào thi đua yêu nước và công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn hiện nay. Chỉ thị số 19-CT/T.Ư, ngày 22-12-2007, của Ban Bí thư Trung ương Ðảng yêu cầu các cấp ủy, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và đoàn thể nhân dân tổ chức học tập tư tưởng Hồ Chí Minh về thi đua yêu nước, gắn với triển khai sâu rộng và có hiệu quả việc thực hiện Học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ðây là dịp để giáo dục, bồi dưỡng, phát huy truyền thống yêu nước, cần cù, sáng tạo trong các tầng lớp nhân dân, làm cho tất cả quần chúng nhân dân giác ngộ, tự giác hăng hái tham gia phong trào thi đua và công tác thi đua, khen thưởng, nhằm đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước trên mọi lĩnh vực. Từ mục đích và ý nghĩa sâu sắc trên, cuộc vận động đã thu hút toàn thể hệ thống chính trị tham gia, thông qua các hình thức, biện pháp sinh hoạt sinh động, phong phú. Hàng chục nghìn tấm gương điển hình tiên tiến trong học tập và làm theo Bác được vinh danh, có sức lay động lớn trong đời sống xã hội.
Ngày 14-5-2011, Bộ Chính trị ban hành Chỉ thị số 03-CT/T.Ư về tiếp tục đẩy mạnh việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh. Ðây là cơ sở định hướng quan trọng nhằm tiếp tục làm cho toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân nhận thức sâu sắc những nội dung cơ bản và giá trị to lớn của tư tưởng, đạo đức và phong cách Hồ Chí Minh; tạo chuyển biến mạnh mẽ và sâu rộng hơn nữa về ý thức tu dưỡng, rèn luyện, nâng cao đạo đức cách mạng, đấu tranh chống chủ nghĩa cá nhân, cơ hội, thực dụng, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống và các tệ nạn tham nhũng, tiêu cực; góp phần thực hiện thắng lợi Nghị quyết Ðại hội XI của Ðảng.
Xuất phát từ vai trò, vị trí và ý nghĩa thiết thực của phong trào thi đua và công tác khen thưởng, Ðảng và Nhà nước luôn quan tâm, lãnh đạo, chỉ đạo công tác thi đua, khen thưởng. Trong giai đoạn cách mạng hiện nay, toàn Ðảng, toàn dân, toàn quân ta đang bước vào thời kỳ CNH – HÐH và hội nhập kinh tế quốc tế; phấn đấu vì mục tiêu “dân giàu, nước mạnh, dân chủ, công bằng, văn minh”. Nhiệm vụ lớn lao đó đòi hỏi chúng ta phải nhận thức đầy đủ hơn vai trò và ý nghĩa quan trọng của việc đổi mới công tác thi đua, khen thưởng trên tất cả các lĩnh vực. Vì mục tiêu của phong trào thi đua và công tác khen thưởng là nhằm động viên sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, của cả hệ thống chính trị vào việc thực hiện công cuộc đổi mới đất nước, xây dựng và bảo vệ Tổ quốc.
Cần đổi mới công tác lãnh đạo, chỉ đạo về công tác thi đua, khen thưởng trong tình hình hiện nay. Trong đó, tăng cường vai trò lãnh đạo của Ðảng đối với công tác thi đua, khen thưởng; tiếp tục quán triệt, làm chuyển biến nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của công tác thi đua, khen thưởng. Thông qua các phong trào thi đua phải tạo được động lực cách mạng của quần chúng, phát huy được sức mạnh của khối đại đoàn kết toàn dân tộc, vượt qua những khó khăn, thách thức, thực hiện thành công công cuộc đổi mới đất nước. Gắn trách nhiệm của tổ chức Ðảng, chính quyền, Mặt trận Tổ quốc và các đoàn thể; trách nhiệm của người đứng đầu, cơ quan, đơn vị trong chỉ đạo về công tác thi đua, khen thưởng.
Gắn kết các phong trào thi đua yêu nước với việc học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh theo Chỉ thị số 03-CT/T.Ư ngày 14-5-2011 của Bộ Chính trị. Làm cho các phong trào thi đua yêu nước chứa đựng nội dung sâu sắc về tư tưởng, đạo đức Hồ Chí Minh, qua đó nâng cao chất lượng các phong trào thi đua, các cuộc vận động quần chúng của Ðảng. Coi trọng việc phát hiện, xây dựng điển hình và có nhiều hình thức, biểu dương, tôn vinh các điển hình tiên tiến, các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu trong học tập và làm theo tấm gương đạo đức, phong cách Hồ Chí Minh, tạo sức lan tỏa trong toàn xã hội, lấy kết quả học tập và làm theo tấm gương đạo đức Hồ Chí Minh là một trong những tiêu chuẩn đánh giá bình xét thi đua, khen thưởng hằng năm.
Tiếp tục đổi mới nội dung, hình thức, phương thức tổ chức các phong trào thi đua yêu nước. Mỗi phong trào thi đua phải xác định được mục tiêu, nội dung cụ thể, thiết thực, phù hợp chức năng, nhiệm vụ và đặc điểm, tình hình của từng cơ quan, đơn vị. Phong trào thi đua cần tập trung về cơ sở và được tổ chức, phát động với những hình thức phong phú, hấp dẫn, có chủ đề, tên gọi dễ nhớ, có tiêu chí thi đua cụ thể. Thực hiện nghiêm túc việc đôn đốc, kiểm tra, sơ kết, tổng kết phong trào; thông qua các phong trào thi đua lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích tiêu biểu, để khen thưởng kịp thời.
Ðổi mới chính sách, pháp luật về thi đua, khen thưởng, trọng tâm là sửa đổi, bổ sung Luật Thi đua, Khen thưởng theo hướng nâng cao tiêu chuẩn các hình thức khen thưởng. Ðổi mới nội dung và hình thức thi đua bảo đảm thiết thực, hiệu quả. Thông qua các phong trào thi đua để phát hiện, lựa chọn các tập thể, cá nhân có thành tích xuất sắc để khen thưởng kịp thời. Ðồng thời, chuyển hướng sang khen thưởng các đối tượng là các tập thể nhỏ, công nhân, nông dân và người lao động trực tiếp.
Ðẩy mạnh xây dựng và kiện toàn hệ thống tổ chức bộ máy công tác thi đua, khen thưởng theo phương châm gọn, nhẹ nhưng hoạt động có hiệu lực và hiệu quả cao, đáp ứng yêu cầu công tác thi đua, khen thưởng trong giai đoạn cách mạng mới. Xây dựng đội ngũ cán bộ, công chức làm công tác thi đua, khen thưởng có phẩm chất đạo đức cách mạng, tinh thông về chuyên môn nghiệp vụ để có đủ năng lực tham mưu cho cấp ủy, chính quyền các cấp đẩy mạnh các phong trào thi đua yêu nước và thực hiện tốt chính sách khen thưởng theo quy định của pháp luật.
Theo Nhandan
Ý kiến ()