Kỷ niệm 62 năm Ngày Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô
Sáng 9/5, huyện đảo Cô Tô trang trọng tổ chức lễ Thượng cờ nhân dịp kỷ niệm 62 năm Ngày Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô (9/5/1961-9/5/2023). Đây cũng là một trong những sự kiện chào mừng 60 năm Ngày thành lập tỉnh Quảng Ninh (30/10/1963-30/10/2023) và 30 năm Ngày thành lập huyện Cô Tô (23/3/1994 -23/3/2024).
Lễ Thượng cờ trên đảo Cô Tô nhân dịp kỷ niệm 62 năm Ngày Bác Hồ ra thăm đảo. |
Huyện đảo Cô Tô có vị trí chiến lược trong vùng biển Đông Bắc của Tổ quốc. Với tiềm năng và vị trí quan trọng đó, ngày 9/5/1961, quân và dân đảo Cô Tô đã vinh dự được đón Chủ tịch Hồ Chí Minh đến thăm.
Tại đây, Bác đã thăm hỏi động viên chiến sĩ, đồng bào Cô Tô. Người căn dặn động viên nhân dân hăng say lao động sản xuất, ra sức chăn nuôi, đẩy mạnh nghề cá, nuôi dưỡng và bảo vệ các loài hải sản quý, trồng nhiều cây ăn quả và cây lấy gỗ, khuyên các cháu học sinh chăm ngoan, học tập tốt…
Đặc biệt, Bác rất quan tâm tới đời sống của nhân dân trên đảo. Người căn dặn: “Đồng bào phải đoàn kết chặt chẽ, phải hăng hái thi đua tăng gia sản xuất và thực hành tiết kiệm, phải cố gắng hơn nữa để làm cho đời sống no ấm, vui tươi hơn nữa”.
Lễ Thượng cờ trên đảo Cô Tô nhân kỷ niệm 62 năm Ngày Bác Hồ ra thăm đảo. |
Hơn 60 năm kể từ Ngày Bác Hồ ra thăm đảo, Cô Tô đang nỗ lực hướng tới trở thành khu du lịch sinh thái, nghỉ dưỡng biển đảo cấp quốc gia hiện đại, từng bước vươn mình trở thành đảo Ngọc ở vùng Đông Bắc Tổ quốc như lời Bác Hồ đã từng mong muốn. Mỗi người dân Cô Tô sẽ là một cột mốc văn hóa, một chiến sĩ kiên cường bám trụ bảo vệ, xây dựng đảo tiền tiêu phía Đông Bắc của Tổ quốc giàu đẹp, văn minh.
Đại diện quân và dân trên đảo Cô Tô dự Lễ Thượng cờ. |
Từ một huyện đảo nghèo, kinh tế chậm phát triển, thiếu thốn mọi bề, đến nay Cô Tô đã có điện lưới quốc gia, nước ngọt, hệ thống tàu khách, tàu vận tải phát triển; tốc độ tăng trưởng kinh tế của huyện luôn duy trì ở mức cao từ 15 đến 16%/năm, đời sống của nhân dân không ngừng được nâng lên, cơ cấu kinh tế đã chuyển dịch đúng hướng mạnh mẽ sang ngành dịch vụ du lịch.
Kinh tế biển được đầu tư phát triển trở thành ngành kinh tế mũi nhọn của huyện theo hướng bền vững gắn với bảo vệ nguồn lợi thủy sản, khuyến khích hoạt động nuôi trồng thủy hải sản, tạo sản phẩm có giá trị kinh tế cao.
An sinh xã hội được bảo đảm, chất lượng giáo dục đào tạo và công tác chăm sóc sức khỏe nhân dân được cải thiện rõ rệt. Từ tháng 8/2019, toàn huyện không còn hộ nghèo; 100% trường học đạt chuẩn quốc gia, an ninh chính trị, trật tự an toàn xã hội được bảo đảm, chủ quyền biển đảo được giữ vững.
Ngày 18/1/2022, Khu lưu niệm Chủ tịch Hồ Chí Minh trên đảo Cô Tô đã được Thủ tướng Chính phủ công nhận là Di tích Quốc gia đặc biệt, là niềm vinh dự, tự hào đối với nhân dân, cán bộ và chiến sĩ trên huyện Cô Tô cũng như tỉnh Quảng Ninh; đồng thời là tài sản đặc biệt, là động lực để Cô Tô thay đổi, chuyển mình, hướng đến là một vùng kinh tế biển năng động, thu hút các nhà đầu tư cũng như du khách trong nước và quốc tế đến với huyện đảo.
Lễ thượng cờ Tổ quốc trên đảo Cô Tô được tổ chức vào ngày 9/5 sẽ trở thành Đại lễ Thượng cờ. Đặc biệt trong Lễ thượng cờ kỷ niệm ngày Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô năm nay có sự tham gia của Đội Tiêu binh Bộ Tư lệnh Bảo vệ Lăng Chủ tịch Hồ Chí Minh.
Nghi Lễ thiêng liêng đánh dấu mốc quan trọng kỷ niệm Ngày Bác Hồ ra thăm đảo Cô Tô, đồng thời nhắc nhở quân và dân huyện đảo luôn ghi nhớ lời căn dặn của Người “Thủ đô Hà Nội tuy xa các đảo, nhưng Đảng và Chính phủ luôn quan tâm đến đồng bào các đảo và mong đồng bào các đảo đoàn kết, cố gắng và tiến bộ”.
Trước đó vào tối 8/5, huyện Cô Tô đã tổ chức chương trình nghệ thuật với chủ đề “Cô Tô nhớ Bác” để tưởng nhớ và tri ân những cống hiến, hy sinh lớn lao của Bác dành cho dân tộc, đất nước và tình cảm của Bác dành riêng cho cán bộ, chiến sĩ và nhân dân huyện đảo Cô Tô.
Một số hình ảnh tại Lễ Thượng cờ trên đảo Cô Tô nhân kỷ niệm 62 năm Ngày Bác Hồ ra thăm đảo
Ý kiến ()